Ngành Y: Quyết tâm chưa đủ mà phải quyết liệt

10:38, 31/10/2013
|

(VnMedia) - Những ngày gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến tiêu cực và hậu quả xấu trong ngành y tế xảy ra khá dồn dập. Trước tình trạng này, nhiều ý kiến đã đổ dồn về Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Vì sao lại như vậy? Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đã trao đổi với VnMedia về vấn đề này.

Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền: Việc kiểm tra, rà soát phải là việc làm hàng ngày, không phải là làm theo phong trào


- Thưa ông, có thể thấy là thời gian gần đây, cứ khi nào có sự việc nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực y tế là mọi người lại quay sang chỉ trích Bộ trưởng. Điều này có phải do luật chưa rõ ràng trong quy định trách nhiệm cán bộ?
 
Không có luật nào không rõ ràng mà chỉ có việc thực thi không rõ ràng. Việc dư luận chỉ trích Bộ trưởng cũng rõ ràng, bởi đứng về phương diện quản lý nhà nước, Bộ trưởng đứng đầu quản lý một ngành, mà quản lý nhà nước là hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện chính sách, thanh tra, kiểm tra, xử lý và đặc biệt là xử lý công tác cán bộ.  
 
Vậy thì, với tư cách là Bộ trưởng, “anh” đã thường xuyên có văn bản chỉ đạo UBND các cấp và đặc biệt là các sở y tế trong việc kiểm tra, thanh tra chưa? Tôi nhấn mạnh là việc kiểm tra thường xuyên chứ không phải là kiểm tra theo phong trào. Ví dụ như việc báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng người ta nói nhiều đến hành nghề y, đặc biệt là hành nghề liên quan đến thẩm mỹ, nói từ rất lâu rồi, tại sao đến bây giờ xảy ra vụ việc Cát Tường mới rà soát? Tại sao không làm thường xuyên hàng quý, hàng tháng, hàng tuần mà bây giờ mới thanh tra? 
 
- Nhưng theo ông, có khi nào Bộ trưởng đã chỉ đạo và các đơn vị trực tiếp cũng đã thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện ra?
 
Việc thanh tra kiểm tra xử lý cũng phải làm thường xuyên, không phải theo phong trào, không phải cứ có sự việc xảy ra thì sở Y tế Hà Nội mới rà soát toàn bộ. Đó phải là việc làm hàng ngày, là nhiệm vụ của Thanh tra. Hoặc là anh không làm thường xuyên, hoặc là anh làm nhưng một là anh không thấy, đó là do năng lực nghiệp vụ chuyên môn, hai là thấy được nhưng làm ngơ, để cho người ta hành nghề. 
  
Tôi đang nghĩ rằng có sự bảo kê bởi nó diễn ra ở rất nhiều cơ sở thẩm mỹ và có rất nhiều hậu quả mang lại rồi chứ không phải đến ngày hôm nay mới xảy ra. Vậy tại sao nó (các cơ sở thẩm mỹ - PV) vẫn tồn tại khi không có giấy phép, khi không đủ điều kiện? Phải cương quyết, phải tìm cho được việc đó. Nếu anh thanh tra rồi mà không thấy, thế thì tại sao người dân thấy? đó là cái kiểu gì? đứng đằng sau là cái gì? Tôi nghĩ là có tiêu cực trong vụ việc này.
 
- Nhưng nhiều người cho rằng Bộ trưởng còn rất nhiều việc quản lý khác, làm sao mà quản lý hết đến từng nhân viên, ví dụ như nhân viên tiêm phòng?

 
Là người đứng đầu quản lý chuyên ngành đó thì Bộ trưởng phải lường trước, thu thập thông tin xung quanh lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, nếu thấy có vấn đề thì phải chỉ đạo xử lý ngay, ví dụ như hành nghề y dược trái phép, quá phép, hết phép v.v… Với tư cách là Bộ trưởng, phải yêu cầu tất cả các tỉnh thành thanh tra, rà soát việc hành nghề theo giấy phép.
 
Đương nhiên Bộ trưởng có rất nhiều việc, nhưng việc ra văn bản chỉ đạo và đôn đốc thực hiện là trách nhiệm của Bộ trưởng, rồi các tỉnh lại ra văn bản chỉ đạo các quận huyện, phường xã… Như vậy tất cả là một guồng máy, anh nọ yêu cầu anh kia, nhưng yêu cầu đó phải đi kèm với đôn đốc kiểm tra và xem xét trách nhiệm, chứ nếu chỉ tung ra yêu cầu rồi bỏ lửng, không xem xét xem người ta làm như thế nào, kết quả ra sao, tại sao trong cả năm qua dân người ta kêu như thế mà anh lại không bắt được vụ nào…?

- Còn với những vụ việc khác đã phát hiện ra sai phạm, ông đánh giá như thế nào về cách xử lý của Bộ trưởng?

Theo tôi, Bộ trưởng đã rất quyết tâm, nhưng quyết tâm thôi chưa đủ mà phải quyết liệt. Thường thì những việc xử lý không nằm ở Bộ mà nằm ở UBND các tỉnh, thành phố. Với tư cách là thay mặt Chính phủ quản lý ở lĩnh vực Y tế thì Bộ trưởng trong thẩm quyền của mình phải yêu cầu (chứ không phải là đề nghị) UBND Tỉnh, Thành phố xem xét kỷ luật từng anh A, anh B, anh C và nếu kỷ luật chưa thích đáng thì phải xem xét lại. Bộ trưởng có quyền đó nhưng đã quyết liệt chưa? Điều đó phải xem xét.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc