Kinh hoàng các con số thẩm tra thủy điện

14:47, 30/10/2013
|

(VnMedia) - Kết quả thẩm tra các dự án thủy điện do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thực hiện cho thấy, gần 30% số đập chưa được kiểm định; Khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão…
 
Theo báo cáo của Bộ Công thương do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trình bày trước Quốc hội sáng 30/10, sau khi kiểm tra, kiểm soát các thủy điện đã loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác.
 
Đồng thời, Bộ Công thương và các địa phương cũng không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện. Bộ cũng tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội, điều kiện thực hiện thuận lợi... đối với 4 dự án thủy điện bậc thang và 132 dự án thủy điện nhỏ.
 
Các dự án cần tiếp tục rà soát đánh giá gồm 149 dự án thủy điện nhỏ và 9 dự án thủy điện bậc thang.
 
“Sau khi loại bỏ các dự án thủy điện nêu trên, cả nước hiện còn lại 815 dự án thủy điện, trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án; đang thi công xây dựng 205 dự án, dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017.” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng


Đặc biệt, riêng về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ trưởng cho biết, sau khi có báo cáo số 142/BC-BTNMT ngày 30/8/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường,  thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã loại hai dự án thủy điện này khỏi qui hoạch.
 
Đánh giá về các dự án thủy điện bậc thang, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, các nhà máy thủy điện nêu trên đã và đang góp phần đáng kể trong việc cung cấp điện năng, điều tiết bổ sung lưu lượng về mùa kiệt và cắt giảm lũ có hiệu quả cho hạ du; một số dự án đã và đang được nghiên cứu điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội hoặc để phù hợp với các quy hoạch/dự án ưu tiên khác.
 
Tuy nhiên, với các thủy điện nhỏ, ông Vũ Huy Hoàng cho rằng chất lượng quy hoạch bộc lộ khá nhiều hạn chế, không ít dự án phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư. Mặt khác, do tình hình phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết như giao thông, lưới điện... tại các khu vực này còn chậm nên một số dự án thủy điện nhỏ không đảm bảo khả thi.
 
Mặc dù cho rằng việc xây dựng các thủy điện góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của cả nước, nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện cũng đã gây ảnh hưởng khá lớn đến dân cư trong khu vực dự án; chiếm dụng khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng; phần nào làm thu hẹp không gian sống của người dân bản địa; tác động tiêu cực nhất định đến môi trường - xã hội…

Thủy điện nhỏ: lợi ích ít, nguy hiểm nhiều

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học và Công nghệ và môi trường do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng trình bày sáng nay cho biết, trước sức ép thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lượng cho phát triển tương đối nóng trong thời gian vừa qua, chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ còn hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư; số lượng dự án thủy điện nhỏ là khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện.
 
“Khoảng 34% tổng số dự án thủy điện vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch. Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, KT-XH và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch thủy điện nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Có trường hợp trên cùng lưu vực sông, nhiều dự án thủy điện lớn và nhỏ đều bị loại bỏ hoặc phải tiếp tục rà soát. Gần 90% số các dự án trong quy hoạch là thủy điện nhỏ nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này chỉ chiếm khoảng 26% và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án tiếp tục bị loại bỏ khỏi quy hoạch.” - ông Phan Xuân Dũng nêu rõ.

Ảnh minh họa

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng

 
Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu trong quy hoạch thủy điện. Việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án. Trách nhiệm, sự phối hợp các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch thủy điện cũng chưa quy định rõ ràng…
 
Riêng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã nhận được sự quan tâm của nhiều vị đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội. “Hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch mặc dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch. Vì thế, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ. 
 
Đặc biệt, liên quan đến an toàn hồ đập, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, có giai đoạn việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.
 
“Công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình thủy điện nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; Khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình thủy điện là rất thấp. Việc xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập... gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm.” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
 
Nguyên nhân của những bất cập nêu trên, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, là do không ít chủ đầu tư dự án thủy điện nhỏ có năng lực chuyên môn và tài chính hạn chế; quy định về chế tài xử phạt vi phạm về an toàn đập, kiểm định đập; vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chưa được ban hành kịp thời, rõ ràng và chưa được thực thi đầy đủ…


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc