“Không thể đẩy toàn bộ rủi ro cho doanh nghiệp”

17:10, 30/10/2013
|

(VnMedia) - “Chúng ta lập quy hoạch rồi cho phép doanh nghiệp lập dự án, khi họ tốn rất nhiều cho phí, có khi hàng trăm tỷ rồi lại bị gạt đi. Vậy thì thiệt hại này như thế nào? Chúng ta không thể đẩy toàn bộ rủi ro cho doanh nghiệp” – đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nói về quy hoach thủy điện.

Ảnh minh họa

Đại biểu Trần Du Lịch: tôi cũng xót xa cho một số doanh nghiệp,


Hôm nay (30/10), tại Hội trường, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng, trình bày Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện và Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể về thủy điện.

 

Bên ngoài hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Du Lịch đã trao đổi với VnMedia về vấn đề quy hoạch thủy điện và những bất cập của nó.

 

Quan trọng nhất không phải là tốn bao nhiêu tiền

 

- Thưa ông, ngoài những tác động tích cực đến đời sống kinh tế và xã hội thì ông đánh giá như thế nào về những thiệt hại do thủy điện gây ra đối với đời sống của người dân vùng thủy điện?

 

Một dự án nào liên quan đến thủy điện hay hồ chứa nước, khi đánh giá về tác động môi trường, tác động về kinh tế xã hội đều có những luận giải để lựa chọn làm sao cái được lớn hơn cái mất. Tôi nghĩ rằng không có dự án nào mà chỉ có được, không có mất. Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn liên quan đến thủy điện và các hồ chứa nước.

 

Thứ nhất, đó là việc giải tỏa, bố trí lại dân cư, lo đời sống người dân. Đây là vấn đề rất lớn khi thiết lập dự án. Chúng ta phải tính toán, quan trọng nhất không phải là tốn bao nhiêu tiền, mà làm sao tạo ra cuộc sống hoàn toàn mới cho người dân khi họ mất đất mất rừng. Chúng ta đã quan tâm, nhưng làm chưa đến nơi đến chốn, đặc biệt dường như chúng ta nặng về phương án kiếm tiền chứ không nặng về phương án tạo việc làm thay đổi cuộc sống cho người dân. Những vấn đề này, tại những dự án khu công nghiệp chúng ta cũng vướng.

 

Thứ hai là hậu quả của xả lũ, thoát nước. Trong nhiều trường hợp, lý giải của cơ quan quản lý nhà nước vẫn cho rằng làm đúng quy trình. Nhưng đặc biệt với các hồ thủy điện, tôi cảm nhận quy trình đó có cái gì chưa ổn lắm. Ví dụ một cái hồ dự kiến dung tích chứa đến điểm nào thì xả. Nếu không dự báo được là mưa lũ sắp tới cỡ nào để chứa nước thì khi có đột biến về mưa lũ sẽ buộc phải xả, không xả thì vỡ, nguy hiểm hơn. Giá như chúng ta dự báo tốt và chấp nhận doanh nghiệp có thể thua thiệt, để mực nước thấp hơn, nếu không mưa thì thua thiệt một chút, nếu mưa thì không phải xả. Đây là điểm phải tính toán cho kỹ, đặc biệt là có vấn đề mâu thuẫn giữa lợi ích chung và lợi ích của nhà đầu tư. Quan điểm là nhà nước phải đứng trên lợi ích chung và doanh nghiệp phải chấp nhận những rủi ro như vậy.

Ảnh minh họa

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã phải loại ra khỏi quy hoạch vì hại nhiều hơn lợi, tuy nhiên, nó cũng khiến chủ đầu tư thiệt hại nhiều về kinh tế cho công tác lập dự án, khảo sát...


Thiếu một đạo luật về quy hoạch
 

- Vậy thì việc điều chỉnh, dừng bớt các dự án thủy điện có phải là một giải pháp hiệu quả không, thưa ông?

 

Vừa rồi, theo áp lực của Quốc hội, của nhân dân là phải điều chỉnh lại sự lạm dụng thái quá về thủy điện, Chính phủ đã mạnh dạn cắt giảm. Nhưng liên quan đến quy trình quy hoạch, chúng ta nghĩ mặt nọ thì phải nghĩ mặt kia. Cho phép doanh nghiệp lập dự án, khi họ tốn rất nhiều, có khi hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ rồi lại bị gạt đi. Vậy thì thiệt hại này như thế nào? Chúng ta không thể đẩy toàn bộ rủi ro cho doanh nghiệp.

 

Tôi nghĩ là phải xem lại chất lượng quy hoạch để làm sao rủi ro ít nhất cho doanh nghiệp. Chúng ta phải tính toán, không thể chỉ nhìn một phía. Anh quy hoạch rồi bảo tôi lập dự án, tôi bỏ tiền ra, giờ anh lại bảo tôi thôi không làm nữa, vậy thì rủi ro thiệt hại quá lớn cho tôi.

 

Tôi rất ủng hộ việc cắt giảm nhiều công trình thủy điện, nhưng tôi cũng xót xa cho một số doanh nghiệp, họ theo quy hoạch làm đúng nhưng cuối cùng họ bị loại và mất một phí tổn quá lớn. Đó là những vấn đề nhà nước phải tính chứ không thể một chiều.

 

Chúng ta hiện đang thiếu một đạo luật về quy hoạch, mới có luật quy hoạch đô thị, nhưng còn nhiều loại quy hoạch khác. Ở đây, quy hoạch là chủ quan của nhà nước, còn đầu tư kinh doanh lại theo thị trường. Vậy thì làm sao giải quyết mối quan hệ trách nhiệm của cơ quan quy hoạch nhà nước với nghĩa vụ liên quan đến doanh nghiệp, thị trường.

 

- Vậy với những thủy điện đã hoạt động và gây những tác động xấu đến tài sản và tính mạng của người dân (như xả lũ) thì theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?

 

Đây là trách nhiệm của cả nhà nước và doanh nghiệp. Trước mắt, khi chưa sửa được cái cơ bản thì phải khắc phục bằng cách cùng cộng lực lo cho người dân, không để mặc kệ người dân được. Về tương lai, chúng ta phải sửa cái gốc, còn trước mắt, tới gần mùa mưa lũ phải cảnh báo và có thể phải buộc các thủy điện, các hồ thủy lợi chứa nước ở mức dự phòng có thể có lũ, và nếu không có lũ thì doanh nghiệp chấp nhận thiệt thòi chứ không thể để người dân thiệt thòi được.

 

- Vâng, xin cảm ơn ông.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện: Trách nhiệm trước hết là của Bộ Công thương

Ảnh minh họa

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện


Thủy điện 6 và 6A, kể cả Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cả Chính phủ đều đã đưa vào quy hoạch. Chính phủ cũng đã phê duyệt nhưng cuối cùng do bức xúc của địa phương người ta phát hiện ra hiệu quả kinh tế xã hội không cao bằng hậu quả nên người ta yêu cầu kiểm tra lại hết và dự án này bị dừng, rút ra khỏi quy hoạch. Rõ ràng điều đó trước hết là đúng theo yêu cầu của nhân dân, nhưng ngược lại là thiệt hại cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp bởi vì người ta đã phải bỏ ra khoản phí ban đầu để khảo sát, xây dựng dự án.


Trong trường hợp này, đương nhiên trách nhiệm trước hết là Bộ Công thương và UBND địa phương. Đây là 2 cơ quan phải có trách nhiệm đối với các dự án quy hoạch của các dự án khi kêu gọi đầu tư để phát triển dự án thủy điện.



Đại biểu Trương Văn Vở: Cần làm rõ trách nhiệm

Ảnh minh họa

Đại biểu Trương Văn Vở

Có những dự án tôi đeo đuổi 3 năm nay, trong đó có 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A – chiếm diện tích rừng rất lớn nhưng chưa thực hiện quy trình thủ tục xin chủ trương đầu tư mà đã có lập dự án đầu tư.

Từ đó tôi cho rằng, có 3 vi phạm: Thứ nhất vi phạm về quy trình lập quy hoạch; thứ hai vi phạm về luật, cụ thể là NQ 49 của Quốc hội; và Vi phạm về luật bảo vệ môi trường- chỉ tính đến lợi ích kinh tế mà không tính đến lợi ích về môi trường, xã hội.

Tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm trong quy trình quy hoạch, trong đó có trách nhiệm của cả chính quyền địa phương và cả bộ ngành liên quan. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ trách nhiệm của bộ phận tham mưu cho Chính phủ ở hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, kể cả 6 dự án thủy điện bậc thang.

Về quy trình xả lũ, đáng mừng là Chính phủ đã sớm có quyết định 1879, giao trách nhiệm cho Bộ TN&MT xây dựng quy trình, vận hành đơn hồ và liên hồ thủy lợi và thủy điện. Nhưng đến giờ việc triển khai của các bộ ngành có liên quan còn chậm. Chỉ mới ban hành quy trình vận hành hồ chứa được 5/11 lưu vực sông. Mà theo báo cáo của Chính phủ từ nay đến cuối năm sẽ phải thêm 4 lưu vực sông nữa là 9.

Báo cáo thẩm tra của UBTVQH vừa rồi có đề cập đến tình trạng nhiều hồ đập không an toàn, tình trạng vỡ hồ, đập xảy ra nhiều. Đây là khâu đầu tiên cần phải rà soát lại về quy định vận hành hồ đập, hồ chứa. Phải gắn với từng chủ thể cho rõ trong quá trình thực hiện quy trình vận hành, đồng thời có chế định xử lý cho nghiêm minh, rõ ràng, cụ thể.

Tôi đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tức là phát triển thủy điện chỉ tính đến lợi ích đơn thuần về kinh tế, điều này cần phải xem xét, tính toán lại sau đợt quy hoạch này.

Cần phải rà soát, thực hiện theo đúng các tiêu chí mà chính phủ chỉ đạo, là đảm bảo an toàn hồ đập, bảo đảm yếu tố môi trường, và đảm bảo yếu tố xã hội.


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc