(VnMedia) - Sinh thời, cụ Võ Quang Nghiêm, thân phụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một người bạn học thân thiết là cụ Võ Khắc Triển, vị Tiến sĩ Nho học cuối cùng của Triều Nguyễn. Cháu nội của cụ Võ Khắc Triển chính là nhà văn Võ Khắc Nghiêm với nhiều tác phẩm văn học để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Giữa những phút bận rộn chuẩn bị cho bộ phim “Đại tướng của nhân dân” sẽ được phát sóng vào đúng ngày Quốc tang, nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã dành cho VnMedia một cuộc phỏng vấn ngắn
- PV: Nhiều người biết rằng đất Quảng Bình cùng với họ Võ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có dòng họ Võ Khắc cũng có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.Ông có kỷ niệm gì sâu sắc về quê nhà không, thưa ông?
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Dòng họ Võ Khắc chúng tôi có mối thâm tình và rất nhiều kỷ niệm gắn bó với gia tộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nội tôi, cụ Võ Khắc Triển là một người bạn thân với cụ Võ Quang Nghiêm, thân phụ Tướng Giáp. Tình thân giữa hai Cụ có những câu chuyện mà chỉ con cháu trong họ mới biết. Ngay cả khi cụ Nghiêm qua đời đã lâu, ông nội tôi vẫn nhớ đến Cụ với một tình cảm thương mến và kính trọng. Tôi còn nhớ năm 1958, khi tôi về ở với ông nội và đi học ở trường cấp 2 Lệ Thủy cùng với cô Hoài, cháu Tướng Giáp. Hai nhà lúc đó chỉ cách nhau một bờ dậu nhỏ. Vì tôi trùng tên Nghiêm với thân phụ Đại tướng nên ông nội bắt tôi phải đổi tên thành “Ngơm“ và ra lệnh rất nghiêm khắc với cả nhà: “Cấm các chú không được réo tên, sợ nhà bên nhớ đến Cụ sẽ buồn...”. Cá nhân tôi vẫn còn nhớ những cảm xúc khó tả trong những thời kỳ gia đình Đại tướng gặp nhiều khó khăn mà có lẽ nhiều người Việt Nam chưa hề biết...
Dòng sông Kiến Giang bên cạnh nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình. |
Gần đây, khi tổ chức buổi hội thảo tại Văn Miếu Quốc Tử Giám về ông nội tôi - Võ Khắc Triển, Tiến sĩ Nho học cuối cùng của Triều Nguyễn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bác Võ Thuần Nho (từ nhiều năm trước đó) đều đã có những nhận định quí báu về tài năng, phẩm chất và những đóng góp của ông nội tôi cho quê hương, đất nước. Dòng họ Võ Khắc chúng tôi vô cùng biết ơn....
|
- PV: Là một tác giả để lại dấu ấn trong lòng công chúng với những tác phẩm như “Mười sáu tấn vàng”, “Nhân danh Công lý”..., nhiều bạn đọc gần đây rất quan tâm và háo hức chờ đợi khi nghe tin ông có dự định sáng tác kịch và làm phim truyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Vâng, đã có nhiều người viết về chiến công phi thường của Đại tướng, như nhà văn Hữu Mai. Và cũng đã có rất nhiều phim tài liệu kể về cuộc đời Tướng Giáp. Nhưng con người càng vĩ đại thì số phận càng đặc biệt. Tôi quan tâm đến những nỗi buồn, những trăn trở, những dằn vặt của Tướng Giáp ngay cả lúc đương chức rực rỡ lẫn khi đã nghỉ hưu. Sau Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng sẽ là một nhân vật đồ sộ của văn học nghệ thuật Việt Nam, rất cần được các nghệ sỹ hình tượng hóa bằng văn học, sân khấu, điện ảnh... Với tình cảm sâu nặng và sự kính phục của mình, chắc chắn tôi sẽ phải viết về Đại tướng sau tôi khi hoàn thành tác phẩm viết về Nguyễn Trãi. Còn trước mắt, mời các bạn cùng sống lại những giây phút hào hùng trong cuộc đời Đại tướng qua bộ phim tài liệu mà tôi đang biên tập, phim “Đại tướng của Nhân dân” (Đạo diễn: NSƯT Trần Cẩm và NSƯT Vi Hòa) phát sóng trên VTV1 lức 20h10 ngày thứ bảy 12/10/2013.
- PV: “ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN” là danh hiệu cao quý mà cả triệu người Việt Nam nguyện tâm dành riêng cho Tướng Giáp. Với cá nhân ông, 5 chữ thiêng liêng ấy có ý nghĩa như thế nào?
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Hiếm có ông quan văn nào trở thành một đại danh tướng oai hùng như Võ Nguyên Giáp! Thân phụ chỉ mong ông dựng nghiệp Văn và cái tên Văn theo suốt cuộc đời binh nghiệp rực rỡ của ông. Nhờ sự am hiểu sâu sắc Văn học Sử, Tướng Giáp đã đúc kết được tinh hoa của binh pháp dân tộc, binh pháp thế giới để tìm ra cho mình binh pháp riêng phù hợp với thực tiễn từng chiến dịch, từng trận đánh. Từ “Đánh nhanh Thắng nhanh” sang “Đánh chắc, Tiến chắc” –“Kéo pháo ra, Kéo pháo vào” ở Điện Biên Phủ 1954, đến “Chọn đúng B52 mà đánh” trong Hà Nội 12 ngày đêm 1972 và mệnh lệnh: “Thần tốc,thần tốc, thần tốc hơn nữa...” trong Đại thắng Mùa Xuân 1975... chứng minh cho sức sáng tạo, biến hóa của một thiên tài buộc kẻ thù dù thua trận vẫn phải cúi đầu thừa nhận. Cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, đồng chí, đồng đội, bạn bè vẫn gọi ông là Anh Văn với chữ anh viết hoa - Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Phải chăng nhờ thành tâm dựng NGHỀ VĂN mà ông đã thắp bừng lên NGHIỆP VÕ!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xếp vào những tướng lĩnh huyền thoại nhất của thế giới có ảnh hưởng to lớn trong thế kỷ 20. Cùng với những công trạng vĩ đại, ông là vị tướng vô cùng giản dị, giàu lòng nhân ái, trong sáng, thanh bạch, luôn đau đáu quên mình vì sự ổn định và phát triển của đất nước. Dường như ai cũng hài lòng về việc ông quyết định việc an táng mình ở chính quê nhà Quảng Bình. Nhân dân Việt Nam hiểu ông, chia sẻ với ông mọi nỗi buồn, trăn trở của ông, lúc này càng mong muốn tôn cao ông hơn nữa. Nhân dân muốn phong Thánh cho ông như các anh hùng dân tộc trong lịch sử. Nhiều gia đình đã lập bàn thờ, điện thờ “ĐỨC ÔNG VÕ NGUYÊN GIÁP “!
Khắp đất nước đang thắp hương vĩnh biệt ông... Rồi sẽ có những đại lộ, những công viên, quảng trường ... mang tên VÕ NGUYÊN GIÁP. Nhưng hơn mọi tượng đài, ông đã trở thành biểu tượng sức mạnh phi thường của người Việt Nam hiện đại, ông được tạc tượng trong trái tim của mọi người Việt Nam yêu nước.
Xin kính cẩn thắp nén hương nhỏ tiễn đưa vị Đại tướng của Nhân dân trở về đất mẹ .
Xin thay mặt cho dòng họ Võ Khắc vĩnh biệt người láng giềng vĩ đại, kính yêu có cùng họ Võ :
ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN
DỰNG VĂN BỪNG NGHIỆP VÕ
SỐNG MÃI TRONG LÒNG DÂN
VẠN XUÂN CÒN RỰC RỠ
Ý kiến bạn đọc