Có một Đại tướng là nhà văn hoá lớn

15:26, 05/10/2013
|

(VnMedia) - Trước khi bước vào sự nghiệp quân sự với nhiều chiến công vang dội lẫy lừng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là một giáo viên dạy sử và đã từng có thời gian làm báo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911) là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị Việt Nam . Là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam , ông chỉ huy chính trong chiến tranh Đông Dương (1946-1954) và chiến tranh Việt Nam (1960-1975). Ông tham gia vào nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh Hồ Chí Minh trong suốt cuộc chiến và lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn cho đến khi chiến tranh kết thúc.

 Ảnh minh họa

Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Ông từng là một giáo viên dạy sử, nhà báo và từng giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế, (ông đỗ thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào). Hai năm sau, ông bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản thành lập năm 1924 ở miền Trung Việt Nam . Nguyễn Chí Diểu cũng giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng.

Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.

Là nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người xây dựng và tổ chức lực lượng vũ trang từ buổi đầu chỉ với 34 chiến sỹ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ông cũng là người rèn luyện. giáo dục lực lượng ấy trở thành một quân đội có sức mạnh đánh thắng 2 đế quốc to nhất của thế kỷ XX.

Và cũng chính ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà báo lớn của Việt Nam ở thế kỷ XX và XXI, có công bồi dưỡng và tập hợp cả một thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc. Trong thời gian hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp làm nhà báo với các bút danh: Vân Đình, Hải Thanh...

Năm 1929, ông vào Đảng Tân Việt cách mạng, cùng một số đồng chí cải tổ Đảng Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (lúc đầu là Việt Nam Cộng sản Liên đoàn). Tham gia viết Báo Tiếng Dân. Với bút danh Hải Thanh, ông đã viết bài: “Vũ trụ và tân hoá” đăng trên báo “Tiếng Dân”, tờ báo lớn nhất xứ Trung Kỳ lúc đó do nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm.

Nhân sự việc Giám đốc trường Quốc học Huế đuổi một số học sinh của trường do tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu (6/1925), Võ Nguyên Giáp viết ngay một bài báo bằng tiếng Pháp: "Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học" gửi đăng báo L’ Annau ở Sài Gòn. Lúc ấy, Luật sư Phan Văn Trường đang làm chủ bút tờ báo này đã phải thốt lên: "Một cây bút mới xuất hiện lần đầu ở bản xứ này, mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn ái Quốc bên Pari".

Hàng loạt bài viết của Võ Nguyên Giáp nhằm tố cáo sự bóc lột dã man của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trong đông đảo người đọc thời bấy giờ. Sau này khi ra Bắc tham gia giảng dạy ở trường Thăng Long – Hà Nội, ông vẫn tích cực tham gia viết bài cho các báo: Tin tức, Thế giới, Hà thành, Thời báo, Đời nay, Ngày mới... và một số tờ báo tiếng Pháp.

Năm 1930, ông bị bắt trong vụ cứu tế Nghệ An đỏ ở nhà in Báo Tiếng Dân, bị kết án 2 năm tù. Ra tù mất liên lạc với tổ chức; một thời gian sau ra Hà Nội dạy học ở  Trường Thăng Long, tuyên truyền và gây cơ sở cách mạng trong thanh niên học sinh, tiếp tục học thêm cho đến đại học. 

Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập Báo Hồn trẻ, cùng một số đồng chí sáng lập và biên tập các báo Le Travail (Lao động), báo Notre voix (Tiếng nói chúng ta), báo En avant (Tiến lên), báo Rassemblement (Tập hợp), viết báo Đời nay, Tin tức, Thời báo, Cờ giải phóng, Tin tức, Dân chúng.

Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, ông viết cho nhiều tờ báo của Đảng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Sức làm việc của Võ Nguyên Giáp hết sức kỳ lạ. Ông có thể viết suốt 24 giờ liền cho toàn bộ một số báo Le Travail, để hôm sau đưa đến nhà in, kịp thời phát hành. Võ Nguyên Giáp từng viết những bài báo chín chắn, nhờ khảo sát, nghiên cứu kỹ càng, thậm chí ông viết cả một cuốn sách về chính trị kinh tế học.

Võ Nguyên Giáp là một nhà báo lớn gắn bó với nền báo chí cách mạng Việt Nam . Cùng với việc tổ chức các trận đánh với thành công vang dội địa cầu trong vai trò Đại tướng, thì khi là một nhà báo, Võ Nguyên Giáp cũng đã có công tập hợp, bồi dưỡng cho cách mạng một “binh chủng nhà báo” để sau này chiến đấu trên mặt trận văn hoá tư tưởng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Trong đời thường, Đại tướng có hai sở thích: Chụp ảnh và chơi đàn piano. Chiếc máy ảnh ông vẫn luôn mang theo trong nhiều lần đi chiến dịch hay trên mọi nẻo đường công tác. Với ông, mỗi bức ảnh là một niềm vui. Những năm đất nước đổi mới, những bài báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn được công chúng đón đợi. Ngày 10/9/2007, trên báo Vietnamnet xuất hiện bài báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tiêu đề: “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà” gây chấn động dư luận, đặc biệt hơn lúc này tác giả đã vào tuổi 97.

Suốt quá trình 60 năm hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp luôn luôn gắn với hoạt động báo chí, văn hoá. Nét nổi bật ở ông là người trực tiếp làm tất cả cá khâu, các công việc của một người làm báo. Từ lãnh đạo báo giới, viết bài, tổ chức toà soạn, đến cả phát hành báo chí… Ở góc độ nào Võ Nguyên Giáp cũng đều thành công xuất sắc. Có thể nói, ông là con người văn võ song toàn – một nhà quân sự lỗi lạc đồng thời là nhà văn hoá nổi tiếng. Ở Võ Nguyên Giáp, có một mối quan hệ đặc biệt giữa nghề văn và nghề võ, giữa nghệ thuật báo chí và nghệ thuật quân sự, giữa “nghệ thuật tổ chức thông tin” trong làm báo với “nghệ thuật bày binh bố trận” trong đánh giặc.

Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28 tháng 5 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948, Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân Đội Quốc gia Việt Nam khi 37 tuổi.Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh Nhân dân kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.


Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam . Ông tâm sự về nghề:

Nghề báo là một nghệ thuật đấy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là công việc luôn luôn khẩn trương. Phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị; yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì.

Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó. Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội.

Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hoà như những màu sắc của một tác phẩm hội hoạ, mới mang lại hứng thú cho người đọc.

Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc, tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ, vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng – đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới.

Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.


Tổng hợp

Ý kiến bạn đọc