"Chị Huyền bị chết oan 2 lần"

07:13, 25/10/2013
|

(VnMedia) - “Nếu bình tĩnh xử lý, có thể gia đình nạn nhân sẽ tha thứ. Nhưng bác sĩ Tường không có đạo đức nên đã làm chị Huyền chết oan 2 lần và còn làm liên lụy đến những người khác”. Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội trao đổi với VnMedia về y đức nhân vụ bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác nạn nhân.

Ảnh minh họa

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm


- Thưa Thượng tọa, khi nghe thông tin về vụ bác sĩ Tường làm chết rồi ném xác nạn nhân xuống sông để phi tang, Thượng tọa suy nghĩ như thế nào?
 
Tôi thấy bây giờ đạo đức của con người xuống cấp quá. Tôi không nói là đạo đức của dân tộc mình, nhưng như các cụ nói, cái sảy nảy cái ung, một vết dầu có thể loang cả mặt biển, vệc bác sĩ Tường làm ảnh hưởng đến cả ngành y tế. Điều đáng trách nhất là anh này không có đạo đức. Chưa nói chuyện tay nghề, chuyên môn. Nếu anh có chuyên môn, có bản lĩnh, thấy người ta mất như vậy mà bình tĩnh xử lý, rồi đến nói với gia đình, rồi thương lượng, có thể người ta tha thứ. Nhưng nay thì đáng thương nhất là xác chị Huyền chưa được tìm thấy. Chị ấy đã phải chết chết oan 1 lần, rồi lại còn oan lần thứ 2.
 
Hơn nữa, điều anh ta làm không chỉ khiến một mình anh ta bị tội, mà còn làm liên lụy đến cả vợ và người bảo vệ.
 
- Theo Thượng tọa, là một nhà tu hành, Thượng tọa có thể đánh giá như thế nào về y đức?
 
Tôi cho rằng hiện nay đáng báo động về đạo đức về ngành y, danh hiệu lương y như từ mẫu đang bị đánh mất. Trong Phật giáo, nói về đạo đức của người lương y thì có trong 8 việc phúc: Đó cúng Phật, cúng thánh nhân, cúng thầy xà- lê, cúng bậc hòa thượng, cúng cha, cúng mẹ, cúng chúng tăng và chăm sóc người bệnh. Chữ Hán gọi là “bát phúc điền trung”. Trong 8 việc phúc đó thì săn sóc trông nom người bệnh là việc phúc lớn nhất. Trước đây khi ngành y chưa phát triển thì nhiều vị sư trong chùa đã kiêm luôn cả thầy lang. và ngôi chùa cũng như một bệnh viện nhỏ. Cây cối trong chùa là vị thuốc nam, các nhà sư có học chữ hán hiểu về thuốc như Tuệ Tĩnh, Hải thượng Lãn ông…
 
- Theo Thượng tọa, cần phải làm gì để cứu vãn y đức khi mà nó đang xuống cấp trầm trọng như ngài nói?
 
Chúng tôi đang nhận một lịch cho trường cao đẳng y Bạch Mai. Năm ngoái tôi cũng tổ chức khóa tu cho 1000 em. Chúng tôi muốn đề cao đạo đức ngành y. Trở lại câu chuyện anh bác sĩ Tường làm chết người, đó là việc làm thất đức khi đem ném xác xuống sông. Bây giờ, chúng ta phải phát huy tinh thần lương y như từ mẫu.
 
Trong cổ truyền, người nghèo nhất là ông thầy lang

 - Có người nói rằng, do lương thấp nên các bác sĩ đã quên mất y đức để kiếm tiền. Theo Thượng tọa nghĩ sao về quan điểm này?
 
Đúng là cần phải đảm bảo cho lương của các bác sĩ đủ sống để họ không quá quan tâm đến việc kiếm tiền, để đỡ xảy ra các tệ nạn trong bệnh viện. Cũng như, nếu nhà nước quan tâm, đảm bảo an sinh xã hội tốt thì các tệ nạn khác cũng đỡ đi.
 
Nhưng khi đất nước còn nghèo mà ai cũng nói rằng mình cần phải có đời sống vật chất đầy đủ thì mới có đạo đức, bác sĩ lương cao mới “từ mẫu”, giáo viên phải lương cao mới là “mẹ hiền”… Vậy thì nông dân họ cũng có thể nói: Thu nhập của tôi thấp, tôi nghèo hơn các ông nên tôi cho thuốc sâu, chất độc vào rau củ quả, vào lợn gà… cho mau lớn?
 
Nếu chúng ta nhìn nhận lại thì trong cổ truyền của ông cha ta, người nghèo nhất là ông thầy lang, kể cả những ông rất giỏi… hầu như họ lấy đạo đức nghề nghiệp làm tài sản quý báu nhất. Cho  nên, họ chấp nhận gia đình vợ con nghèo đói, nhưng họ đề cao danh dự của người thầy thuốc, có khi còn cho thêm tiền bệnh nhân. Phẩm giá đạo đức lương ty ngày xưa được đề cao lắm. Những thầy lang có biệt tài, nhưng họ bất chấp đêm hôm gà gáy, chỗ nào cần là mang tiền, mang thuốc đến. Còn bây giờ, trào lưu ai cũng mong giầu, lấy mục tiêu kiếm tiền là chính. Bác sĩ nào cho là mình giỏi thì thu tiền khám cao chót vót… Ngày xưa, người ta vì danh dự mà sẵn sàng chịu trách nhiệm. Còn bây giờ, danh dự, phẩm giá họ đánh mất hết. Bây giờ người ta sẵn sang mà cả con cái đi xin ăn, làm mất hết phẩm giá con người. Cả xã hội bây giờ đang như thế, nên rất khó…
 
- Với thực trạng đạo đức như vậy, theo Thượng tọa, nguyên nhân sâu xa là từ đâu và chúng ta cần phải làm gì để “cứu vớt”?
 
Tôi đánh giá là do giáo dục chưa đến nơi đến chốn. Nhà trường cần đặt nặng vấn đề này. Qua việc đám tang Đại tướng mất, tôi thấy rằng quan trọng nhất là giáo dục lịch sử. Hiện nay, giáo dục đạo đức và giáo dục truyền thống lịch sử của ta vẫn còn bị coi nhẹ. Ngành giáo dục phải chú trọng giáo dục đạo đức từ nhỏ, trong gia đình cha mẹ phải dạy dỗ con cái, tình yêu lứa đôi của cha mẹ cũng phải là tấm gương…
 
Những tấm gương lịch sử của truyền thống cha ông ta đẹp lắm, nhưng bây giờ bọn trẻ không biết, mà không biết truyền thống lịch sử của ông cha, mất lòng tự hào thì mất phẩm giá. Ngay cả khi một đứa trẻ tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ, rằng ngày xưa ông nội phải học hành như thế mới đỗ đạt thành quan, bố đi kháng chiến gian khổ lắm mới có độc lập… thì chúng sẽ phải nghĩ, rằng bây giờ mình phải phấn đấu như thế nào để giữ gìn những giá trị đó.
 
Tuy nhiên, tôi cũng đánh giá rằng, xã hội chưa đến nỗi mất hết những giá trị tốt đẹp. Chỉ cần khôi phục lại tất cả những truyền thống của ông cha ta thì sẽ tốt thôi. Qua chuyện theo dõi đám tang đại tướng vừa qua, hay qua những trận đá bóng thì thấy, khi nào việt Nam thắng, ra đường bọn trẻ đụng nhau có cãi nhau đâu? Do vậy, mình cần giáo dục truyền thống tự hào dân tộc.
 
Tôi tiếp xúc với lớp trẻ nhiều vì hàng ngày sinh viên ra vào chùa rất nhiều, tôi biết tâm lý các em. Nếu biết khơi nguồn và biết giúp các em giữ cội gốc, trở về nguồn thì không sợ mất. Nhiều người đánh giá rằng bọn trẻ bây giờ như thế này, nếu giặc đến thì mất nước. Nhưng tôi nghĩ rằng không mất đâu. bình thường chúng ăn chơi thế, nhưng khi có việc thì bọn trẻ sẽ quay lại. Chỉ cần chúng có được niềm tự hào.
 
- Trở lại vụ bác sĩ Tường, Thượng tọa đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan quản lý?
 
Tôi cho rằng, sự quản lý con người hành nghề của chúng ta chưa sát sao. Tại sao người ta hành nghề, trưng biển quảng cáo lâu như thế dù không có giấy phép mà vẫn hoạt động được? Anh phường có bao che không, anh Y tế có bao che không? Có phải bà buôn thúng bán mẹt chạy chỗ nọ chỗ kia đâu mà không biết, không quản lý được? Bác sĩ Tường có tội nhưng phải có liên đới. Nếu vụ này không xảy ra thì bao giờ mới biết là họ hoạt động không phép?  Việc quản lý phải thật chặt chẽ hơn nữa. Đây là y tế thuộc về Hà Nội thì Sở Y tế Hà Nội, các cơ quan liên quan phải xem xét lại tất cả các mặt, cái gì không đảm bảo đúng quy trình thủ tục, đúng pháp luật thì kiên quyết không cho. Còn khi xảy ra hậu quả thì phải xử lý nghiêm minh, như vụ việc này hoặc vụ Hoài Đức, cần phải có chế tài, phải xử thật nghiêm để răn đe. Pháp luật mà nhẹ nhàng quá họ cũng nhờn.
 
Ngoài ra, việc thanh tra cũng phải cho công tâm, đặc biệt là phải đề cao danh dự phẩm giá của người được thay mặt nhà nước, địa phương về cái vinh dự mình dang làm, đúng chức năng thanh tra, không nể nang, không bao che, không vì mục đích khác để làm cho đúng.
 
Qua sự việc này và cả những vụ việc khác liên quan đến ngành y tế gần đây, tôi thấy rằng tất cả ngành Y tế phải vào cuộc, nhất là người đứng đầu phải có trách nhiệm hơn, các bộ máy phải quan tâm, quyết tâm cải tổ lấy lại thanh danh ngành y tế, lấy chữ “lương y như từ mẫu mà làm nên”.
 
- Thượng tọa có lời khuyên gì cho lớp trẻ ngày nay về việc làm đẹp?
 
Trong phật giáo, có một câu rất hay là: mùi thơm của loài hoa bay theo chiều gió, mùi thơm của người đức hạnh tỏa khắp 4 phương. Phật giáo không chú trọng về hình thức con người. Ngay cả trang điểm cũng là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, giữa đời thường và những người tu hành có cái khác. Vì thế, tôi chỉ khuyên rằng, hình hài cha mẹ sinh ra như thế nào thì cứ nên để nguyên như vậy.

- Xin cảm ơn Thượng tọa.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc