Cháu gái Đại tướng "Chú Giáp nay cũng đi rồi ..."

11:37, 20/10/2013
|

(VnMedia) - Ông nội của bà Hoa và bố của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh em ruột. Bà Hoa gọi Đại tướng bằng chú. Trong tâm khảm của bà Hoa, Đại tướng là một người sống rất tình cảm.

 

Một ngày trước khi đưa Đại tướng về an táng ở Vũng Chùa, Đảo Yến, bà Võ Thị Hoa không ra Hà Nội mà ở nhà để chuẩn bị “đón chú Giáp về Quảng Bình”. Chít trên đầu chiếc khăn trắng, ngồi trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của người con trai ở ngay phía sau vườn nhà Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), bà Hoa nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào nói: ông có 5 chị em, hai chị đầu rồi đến ông Giáp, ông Nho. Cuối cùng là O Lài. Cả 4 người mất rồi, giờ chú Giáp mất nốt. Hết rồi…

 Ảnh minh họa

Bà Hoa nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào kể về người chú của mình


Bà Hoa kể, ông nội của bà Hoa (người mà Đại tướng gọi bằng bác) mất sớm, vì vậy, ba của Đại tướng đưa ba của bà Hoa về nhà nuôi, coi như con. Vì vậy, dù bà chỉ là đứa cháu gái họ, nhưng mối thâm tình của bà Hoa đối với Đại tướng rất sâu nặng.

 

“Vì ông đi xa quê hương từ khi còn nhỏ nên mình rất ít được tiếp xúc với ông. Thế nhưng, mỗi khi về quê, ông không bao giờ quên gọi mình đến. Có lần ông về trên tỉnh, hôm ấy mình bận việc không đến được. Bao nhiêu cháu chắt có mặt ở đó rồi, thế mà ông vẫn hỏi: Con Hoa đâu? rồi ông cho người về quê đón mình lên chỉ để ăn cùng ông một bữa cơm” – bà Hoa xúc động nhớ lại.

 

Bà Hoa cũng nhớ rằng, mỗi lần chú Giáp về, họ hàng, bà con, làng xóm, từ người già đến trẻ con đều nườm nượp kéo đến. Ai cũng tự hào vì họ hàng mình, quê hương mình có một người ưu tú như Đại tướng. Họ quý mến ông không phải vì ông mang lại lợi lộc cho họ hàng, làng xóm, mà họ yêu quý ông bởi ông tuy là người tài giỏi nổi tiếng nhưng lại là con người sống tình cảm, mộc mạc và gần gũi.

Ảnh minh họa

Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của người cháu họ Đại tướng nằm ngay sau vườn ngôi nhà lưu niệm


“Người ta bảo một người làm quan cả họ được nhờ, nhưng ông Giáp thì khác. Ông bảo, cái gì mình cũng phải tự thân mà cố lên, không trông chờ, không dựa dẫm. Khi mô gặp, ông cũng bảo: “cháu phải làm được việc cho xã hội”, cho nên, mình nghe lời ông, mình không dựa dẫm, việc gì mình cũng tham gia hết. Mình làm xã đội, làm đội trưởng sản xuất… trong những năm chống Mỹ, mình đi vận chuyển, tải đạn, tải gạo… chở bằng thuyền ngoài phá có nhiều thủy lôi, máy bay bắn kinh lắm, người đi trước, nó nổ sau… Rồi mình còn đi dân công hỏa tuyến… bất chết bất sống. Ở nhà có một túi cứu thương, cứ nghe máy bay bắn bom ở mô là mình chạy tới, máy bay rà xuống thì nằm xuống.... Hòa bình rồi, mình lại làm công tác địa phương, công tác phụ nữ…” – bà Hoa kể.

 

“Lần gần đây nhất chú về, mình ốm không đến được. Con gái ông là Hồng Anh lên nhà đón mình đến chụp chung với chú một kiểu ảnh. Giờ Hồng Anh cũng mất rồi. Lần sau cùng mình gặp ông là vào khoảng năm 2006 – 2007. Lần đó mình đi Hà Nội, đến nhà nhưng không gặp ông vì ông nằm bệnh viện. Cũng may, lần ấy mình được đến bệnh viện 108 gặp ông. Sau này, ông nằm viện suốt, mình muốn đến thăm ông nhưng thấy bảo không được vào nên lại thôi” – bà Hoa nói, giọng mỗi lúc một nhỏ hơn.

 

Nhìn chăm chăm vào màn hình chiếc tivi cũ kỹ mà nay chỉ còn những nơi nghèo lắm người ta mới dùng, đang chiếu bộ phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Hoa nói như thì thầm trong nước mắt: “Giờ chẳng còn ai, các cụ đi hết rồi, cha mẹ mình đi rồi, 2 anh mình cũng là liệt sĩ, lấy chồng thì chồng cũng liệt sĩ. Chú Giáp nay cũng đi rồi…”.

Ảnh minh họa

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nơi in dấu kỷ niệm thời thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Trời Quảng Bình vừa sau cơn mưa đã lại nắng chang chang. Cát trong vườn nhà Đại tướng nhanh chóng nướng khô những bông hoa mà người dân từ khắp mọi miền đất nước mang đến viếng ông. Thế nhưng, cái nắng không làm khô được những dòng nước mắt của người cháu gái của ông, tuổi cũng đã xấp xỉ 80, giờ đang như chìm đắm trong ký ức về người chú mà bà vô cùng yêu quý. Bên kia, trong sân ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng, dòng người từ khắp nơi vẫn tiếp tục đổ về.


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc