(VnMedia) - Thảo luận về phương pháp phòng chống tội phạm, đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát cho rằng, cần quan tâm bịt kín các kẽ hở trong thanh tra, kiểm tra, quản lý bởi gần đây xảy ra nhiều vụ việc nhưng không rõ trách nhiệm.
Chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án…
Đại biểu đoàn Hà Nội, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát nhận định, dư luận đang rất quan tâm đến suy thoái đạo đức lối sống. Theo đó, qua phân tích một số tội phạm như giết người, cố ý gây thương tích mấy năm gần đây gia tăng chủ yếu do mâu thuẫn xã hội, liên quan đến xâm hại nhân thân, nhất là tội hiếp dâm, cưỡng dâm… “Điều đó phản ánh đạo đức xã hội đang xuống cấp, đề nghị Chính phủ và các ngành tập trung chỉ đạo để giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm phát sinh tội phạm, đó là các vấn đề xã hội, nhất là vấn đề đạo đức lối sống” – Đại biểu Tuyến đề nghị.
Đại biểu Tuyến, kiến nghị cần quan tâm bịt kín các sơ hở trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự và phòng chống tội phạm bằng việc xây dựng cơ chế, trong đó cơ chế về thanh tra, kiểm tra quản lý cần phải đánh giá lại bởi gần đây xảy ra nhiều vụ nhưng không rõ trách nhiệm. “Như vụ bác sĩ Tường làm chết và phi tang xác nạn nhân chẳng hạn, đến nay vẫn còn có những cách nói khác nhau về trách nhiệm. Chúng ta có quy định rồi, tuy nhiên vẫn có kẽ hở ” – ông Tuyến nói.
Một vấn đề khác được đại biểu Tuyến đề nghị cần tiếp tục quan tâm thực hiện, đó là các giải pháp làm cho công dân có ý thức về phòng chống vi phạm, tội phạm.
Theo số liệu mà đại biểu Tuyến cung cấp, theo thống kê của Chính phủ, có khoảng 7 triệu vi phạm hành chính, trong đó có khoảng 6,4 triệu trong lĩnh vực giao thông, còn lại trên 400 nghìn là xử lý vi phạm trong các lĩnh vực khác và còn rất nhiều vi phạm khác chưa phát hiện, xử lý được.
“Như vậy, có hàng chục triệu vi phạm và tương đương với nó là những công dân, những người vi phạm. Ngoài ra, mỗi năm chúng ta cũng khởi tố điều tra 150 đến 160 nghìn, bên cạnh đó còn các vi phạm tệ nạn xã hội nữa. Các con số này nói lên ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa tốt, cho nên giáo dục tuyên truyền ý thức cho người dân trong việc tuân thủ pháp luật là rất quan trọng, cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn” – đại biểu Tuyến nói.
Về phòng chống tham nhũng, đại biểu Tuyến đề nghị phải có cơ chế, tiêu chí để đánh giá đúng tình hình, để thực hiện đúng những chính sách đã đưa ra như kê khai tài sản, cơ chế chính sách thực hiện quả lý ngân sách nhà nước để phòng ngừa, bịt kín sơ hở bởi “có lẽ vẫn còn những kẽ hở để các hành vi vi phạm xuất hiện”.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Không thể quy trách nhiệm vào "không khí" được |
Cần thường xuyên bổ sung tội danh vào Bộ luật Hình sự
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Đỗ Kim Tuyến về công tác giáo dục, tuyên truyền, đại biểu Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đề nghị có chế tài xử lý đối thủ trưởng cơ quan có nhiều cán bộ công chức, viên chức vi phạm hành chính và phạm tội, tham nhũng. “Anh sinh hoạt trong một cơ quan thường xuyên, trách nhiệm của người thủ trưởng và tổ chức cơ quan là giáo dục, tuyên truyền phổ biến kiến thức để giáo dục pháp luật và phòng ngừa vi phạm, phòng chống tội phạm. Từ đó mới góp phần làm giảm tội phạm” – đại Chung nói.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị, cần được bổ sung tội danh xử lý hình sự thường kỳ tại các kỳ họp của Quốc hội. “Từ Bộ luật hình sự năm 2003 đến nay, sau 10 năm xã hội phát triển theo cơ chế thị trường, đã phát sinh nhiều hành vi tội phạm mới nhưng không được bổ sung vào bộ luật hình sự. Hiện có nhiều hành vi không được định danh nên không thể xử lý, như hành vi dùng mạng internet bôi nhọ đời tư cá nhân...” – đại biểu Nguyễn Đức Chung dẫn chứng và đề nghị các cơ quan liên quan như các đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, hệ thống các cơ quan điều tra, tố tụng và Bộ Tư pháp thường xuyên tập hợp, bổ sung các tội mới phát hiện vào bộ luật hình sự định kỳ theo kỳ họp hàng năm. Đây là công cụ giúp cho các cơ quan phòng chống tội phạm có công cụ hữu hiệu hơn trong xử lý tội phạm.
Không thể quy trách nhiệm vào "không khí"
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, vi phạm pháp luật liên quan đến thực hiện trách nhiệm công vụ và trách nhiệm của công chức viên chức. Đại biểu Quyền đặt câu hỏi: “Mỗi năm báo cáo mấy triệu người bị xử lý vi phạm hành chính nhưng có bao nhiêu cán bộ công chức bị kỷ luật? Ta không có bức tranh đó. Không bộ ngành nào báo cáo đến trách nhiệm thực thi công vụ của viên chức công chức” – đại biểu Quyền thắc mắc.
Đánh giá cao nỗ lực nỗ lực của các ngành các cấp vì năm nay số vụ phát hiện và xử lý đều tăng, nhưng đại biểu quyền băn khoăn rằng, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn ra nghiêm trọng, năm sau cao hơn năm trước. “Nếu không tăng về số vụ thì tăng về tính chất nghiêm trọng. Đây là một vấn đề cần nghiêm túc đánh giá. Chúng ta đã đầu tư nhiều nguồn lực về con người cho chương trình phòng chống tội phạm, vậy hiệu quả mang lại có được đánh giá không nếu cứ năm sau cao hơn năm trước?” – đại biểu Quyền nói và cho rằng,
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng phân tích: Muốn tội phạm không gia tăng thì nhiều ý kiến nói rằng xử lý thật nghiêm, thật nặng, nhưng đó chỉ là một biện pháp. Theo ông, chỉ xử lý nghiêm thôi chưa đủ vì đây không phải là cứu cánh mà phải có một biện pháp tổng hợp, bởi như năm 1999, xử lý án ma túy rất cao, "dính vào" là tử hình nhưng kết quả tội phạm ma túy vẫn phát triển.
“Như vậy, nếu cứ tử hình nhưng không tổng hợp các biện pháp, trong đó đặc biệt là trách nhiệm quản lý nhà nước. Ví dụ như vụ Cát Tường, không hiểu sao lại khó xử lý. Sở Y tế, trong từng ấy năm báo chí đã nói rất nhiều về việc thẩm mỹ không có giấy phép, trong nhiều năm qua đã thanh tra, xử lý như thế nào?, không phải là làm theo phong trào, đợi vụ Cát Tường xảy ra mới tổng rà soát mà phải làm hàng ngày hàng giờ. Đề nghị quy trách nhiệm cụ thể. Quản lý nhà nước phải chặt chẽ, khi xảy ra vụ việc gì phải có địa chỉ trách nhiệm luôn, không thể chỉ là trách nhiệm chung chung,trách nhiệm vào “không khí” được.” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc