(VnMedia) - Không chỉ có đồng phục quần áo học sinh mà đến cả vở viết, giấy kê tay, bảng, bút chì kim... tất cả đều được yêu cầu phải... đồng phục (từ chủng loại, mã số, màu sắc..." - đây là một hiện tượng đã kéo dài nhiều năm nay ở Hà Nội gây bức xúc cho phụ huynh...
Những ngày gần đây, dư luận đã rất bức xúc trước yêu cầu may đồng phục học sinh theo mốt “Hàn Quốc”, tiêu tốn của phụ huynh số tiền tương đương cả... tạ thóc. Tuy nhiên, chuyện lãng phí, làm khó phụ huynh không chỉ có việc may đồng phục.
Điển hình về chuyện lãng phí này phải nói đến sách vở và đồ dùng học tập. Vài năm nay, phụ huynh học sinh vẫn bức xúc về chuyện nhiều lớp học ở Hà Nội yêu cầu học sinh phải “đồng phục hóa” đồ dùng học tập. Theo đó, giáo viên yêu cầu các con phải thống nhất dùng một loại vở nào đó cho mỗi môn học (nhãn hiệu vở, số trang, màu cho từng môn....), rồi đến cả giấy kê tay, bảng...
Chị Hoa (bán hàng ở một chợ cóc thuộc quận Ba Đình, Hà Nội) có con học tiểu học cho biết, chị đang thấy rất xót ruột vì hai chục quyển vở mà con chị được hội khuyến học của dòng họ tặng cho hồi hè vừa rồi nay đành dùng để làm... nháp. Nguyên nhân là vì cô giáo của con vừa thông báo, năm nay con chị chỉ được dùng vở Hồng Hà, loại 48 và 80 trang (có kèm theo mã số hẳn hoi), trong khi đó, vở mà con chị được thưởng lại là vở Hải Tiến.
Khi chị Hoa khuyên con cứ tiếp tục dùng số vở được tặng thì con bé giãy nảy lên bảo: “Mẹ chả biết gì cả. Cô đã quy định như thế mà không làm theo thì đến lớp cô mắng chết. Mẹ mang chỗ vở kia để con nộp... kế hoạch nhỏ. Đằng nào mẹ cũng phải đi mua báo để nộp còn gì”. Nghe con nói thế, chị Hoa đành phải nghiến răng mua vở mới cho con.
“Họ nhà chồng tôi (ở Hà Tây cũ) có truyền thống trao thưởng cho các con cháu vào giữa hè. Vì Các con cháu từ khắp mọi miền đất nước đều được tặng bút, vở... để khuyến khích các con cháu học hành. Biết nhà tôi gia cảnh khó khăn nhưng cháu vẫn chăm chỉ học tập và đạt học sinh giỏi, năm nay cháu được thưởng gấp đôi, thành ra có đến 20 quyển vở. Tất cả đều là loại vở Hải Tiến. Giờ cô yêu cầu vở Hồng Hà thì số vở kia chỉ có nước để làm vở nháp” – chị Hoa nói.
Gia đình chị Hoa thuộc diện khó khăn, chồng mắc bệnh ốm yếu, một mình chị bán cháo quẩy ở chợ nuôi 2 con ăn học. Hai chục quyển vở bỗng dưng đem làm nháp thì thử hỏi làm sao chị không xót của cho được?
Việc chọn mua "đồng phục đồ dùng học tập" gây phiền hà cho học sinh |
Vợ chồng cãi nhau chỉ vì... quyển vở
Tương tự như chị Hoa, chị Oanh có con học tiểu học cũng bức xúc về chuyện cô giáo bắt phải mua vở “đồng phục”. Chị cho biết, vài năm trước, chị đã rơi vào tình cảnh vứt đi rất nhiều vở do lúc thì nhà trường yêu cầu viết vở 4 ô ly, lúc chuyển thành 5 ô ly rồi lại trở lại 4 ô ly. Để chạy theo yêu cầu của nhà trường, hàng chục quyển vở của con chị đã bị vứt xó vì nháp không xuể. Đã thế, giáo viên thậm chí còn yêu cầu tất cả các bạn phải có vở toán một màu, vở tiếng Việt một màu... rất cầu kỳ.
“Năm ngoái cô lớp 3 yêu cầu loại vở khác, năm nay lớp 4, cô giáo lại yêu cầu vở khác. Số vở còn thừa năm ngoái coi như bỏ. Ngoài ra, hè vừa rồi, trong phần thưởng của hội khuyến học ở phường tặng các cháu học sinh giỏi cũng có cả vở. Tất nhiên là không cùng “mã số” với yêu cầu của cô. Chồng tôi thấy 2 mẹ con bàn nhau đi mua vở mới, anh ấy tức quá quát ầm lên, bảo là kệ cô, có vở gì dùng vở ấy. Nếu cô không cho dùng thì anh ấy sẽ đến trường “nói chuyện”. Anh ấy còn bảo tôi tiếp tay cho sự lãng phí.” – chị Oanh kể.
Trong khi đó, chị Thu (công tác tại một công ty vệ sinh môi trường) kể: “Chuyện quy định vở 80 trang cũng rất lãng phí. Năm học trước, chỉ còn vài ngày nữa là nghỉ hè thì con tôi viết hết vở. Nếu bình thường tôi chỉ mua một quyển vở loại mỏng, nhưng cuối cùng vẫn phải mua vở 80 trang theo quy định, viết được vài trang thì bỏ, Thật lãng phí. Cứ bảo không nên so sánh với ngày xưa, nhưng thời nào mà chẳng cần tiết kiệm? Ngay bây giờ, còn đầy trẻ em các vùng khó khăn chẳng có tiền mà mua vở, lấy đâu tiền mà chạy theo “đồng phục” kiểu này? Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa” – chị Thu bức xúc nói.
Nhiều phụ huynh không có kinh nghiệm, đi chuẩn bị vở cho con trong dịp hè cũng “ngã ngửa” khi thấy quy định của nhà trường.
Trao đổi về nỗi khổ của phụ huynh khi phải chạy theo quy định của nhà trường về đồ dùng học tập, hiệu phó trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội cho biết, nếu là học sinh mới vào lớp 1 chưa biết chữ thì có thể quy định màu để cho các con khỏi nhầm, nhưng học sinh lớp 2 trở lên đã tự viết, đọc được nhãn vở thì không nên cầu kỳ như vậy. “Trong thời buổi kinh tế khó khăn như thế này, tiết kiệm cho phụ huynh được cái gì thì tiết kiệm. Hơn nữa, đầu năm, họ còn rất nhiều thứ phải lo lắng, chi tiêu rồi” – cô hiệu phó ở khu vực nông thôn thông cảm.
Trong khi đó, chị Hạnh, chủ một cửa hàng văn phòng phẩm cho biết, trên thị trường hiện nay có rất nhiều hãng sản xuất vở, và đúng là chất lượng của mỗi loại vở có thể khác nhau. Tuy nhiên, theo chị Hạnh, khi cơ quan chức năng cấp phép cho một công ty sản xuất nào đó in vở thì chắc chắn đều có yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng phù hợp với học sinh.
Được biết, hiện tượng quy định loại vở khá phổ biến ở các trường tại Hà Nội. Thậm chí một số trường còn quy định “đồng phục” chi tiết đến cả giấy kê tay, bảng viết, bút mực, bút chì kim... khiến nhiều phụ huynh phải khổ sở đi tìm cho đúng chủng loại, nhãn hiệu. Mới đây, nhiều phụ huynh của một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa đã không thể mua được giấy kê tay nhãn hiệu Kim Thành theo yêu cầu của cô giáo vì loại này “cháy hàng”.
“Trước đây, khi đưa trẻ đi mua vở, bố mẹ thường lựa chọn các loại bìa sao cho bắt mắt để trẻ hứng thú. Còn bây giờ, nhiều người không có quyền lựa chọn mà phải mua theo chỉ định của nhà trường. Có khi khách hàng hỏi đúng lúc loại vở đó hết, thế là họ lại phải nháo nhào chạy đi tìm cho đúng loại. Năm nay, nhà tôi có rất nhiều loại giấy kê tay, nhưng một số phụ huynh cứ đòi phải mua đúng loại giấy Kim Thành. Phụ huynh bây giờ khổ thật. Giáo viên nói gì, yêu cầu gì cũng phải nghe theo.” - chị Hạnh chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc