Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri Hà Nội

06:49, 28/09/2013
|

(VnMedia) - Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 27/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Đại biểu Quốc hội Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình, Hà Nội).

Là người đầu tiên phát biểu, cử tri Nguyễn Văn Sơn (phường Quan Thánh) cho rằng, mức độ tín nhiệm cao và thấp chưa phản ánh đầy đủ năng lực quản lý, điều hành và còn một số bất cập trong quá trình triển khai. Đại biểu Sơn đề nghị chỉ nên áp dụng 2 mức tín nhiệm, đó là tín nhiệm và không tín nhiệm. Trường hợp người được lấy phiếu có số phiếu không tín nhiệm trên 50% thì phải xem xét xử lý chứ không chờ đến lần 2 mới xử lý. Về thành phần lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Sơn đề nghị trước mắt nên giữ nguyên, không mở rộng hay thu hẹp vì đây mới là lần đầu. 
 
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Diệp, phường Đội Cấn đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu như vậy là rất tốt, giúp một số vị trí lãnh đạo, quản lý đạt tín nhiệm thấp phải phấn đấu hơn nữa.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Dũng (phường Kim Mã) đặt vấn đề: “Có thể để Bộ trưởng trả lời chất vấn trước rồi sau đó lấy phiếu tín nhiệm có được không? Có những bộ trưởng trả lời tốt, đúng trọng tâm, có những Bộ trưởng nói trên trời dưới bể. Nếu lấy phiếu tín nhiệm sau thì Đại biểu có thể lấy làm căn cứ bỏ phiếu tín nhiệm”.
 
Lo lắng về tình trạng tham nhũng, đại biểu Nguyễn Khắc Thịnh, tổ 58, phường Giảng Võ liệt kê một số hiện tượng gần đây khiến dư luận bức xúc như: Vụ nhân bản phiếu xét nghiệm, nhà tình nghĩa... và nói: “Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan còn phải thốt lên: Tôi càng đi càng thấy buồn, người ta ăn của dân không chừa một thứ gì. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nói: Người ta ăn nhà hàng này,… tiền ấy chẳng phải từ tham nhũng thì từ đâu mà ra? Còn cử tri chúng tôi thấy tham nhũng không giảm”.
 
Cũng tại cuộc tiếp xúc, cử tri bày tỏ lo lắng khi nhiều loại hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, điện, nước sinh hoạt thay nhau tăng giá trong khi thu nhập của người dân lại giảm khiến đời sống khó khăn thêm. Cử tri yêu cầu, mỗi khi các mặt hàng này tăng giá, cần công khai, minh bạch giá thành, lương thưởng, thu nhập của lãnh đạo các ngành đó, và có sự so sánh với các nước lân cận để người dân biết, chia sẻ. Một số ý kiến khác bức xúc vì nạn ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, thực phẩm sạch lẫn lộn với bẩn, khiến người dân không thể yên tâm...
 
Cử tri Nguyễn Thị Xuân Diệp, phường Đội Cấn băn khoăn về tình trạng mặt hàng sữa rất cần cho sức khỏe cho trẻ em và người già nhưng liên tục tăng giá trong khi thông tư 122 của Nhà nước bị vô hiệu, điển hình là tình trạng các hãng sữa đổi tên thành thức ăn công thức để không chịu thuế nhưng lại tăng giá liên tục.

 Ảnh minh họa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội - ảnh: TTXVN


Lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, kỳ họp Quốc hội tới đây là kỳ họp dài nhất kể từ đầu nhiệm kỳ, với 1,5 tháng. Ông cho biết, lần này họp này dài vì nội dung nhiều và khó, nhiều vấn đề lớn hệ trọng, phức tạp phải bàn bạc kỹ trong Quốc hội như: Sửa Hiến pháp, bổ sung Luật Đất đai.
 
“Đây là những vấn đề vô cùng hệ trọng. Mặc dù Hiến pháp đã được thảo luận trong 2 kỳ họp, lấy ý kiến toàn dân song kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua toàn văn nên cần thời gian thích đáng để thảo luận. Việc xây dựng Luật cũng cần sát thực tiễn, dễ hiểu, chặt chẽ. Quốc hội cũng đang cố gắng phấn đấu theo hướng này, song xây dựng Luật vô cùng khó. Lần này Luật Đất đai phải bàn qua 3 kỳ họp. Ra luật làm sao để cho luật đi vào cuộc sống quả thực là vấn đề khó” – Tổng Bí thư chia sẻ.
 
Về việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư nhận định, qua việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, dư luận chung của cử tri và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá bước đầu có tác dụng tốt. Tồng Bí thư cũng lưu ý, việc lấy phiếu tín nhiệm có mục đích răn đe, cảnh báo, ngăn chặn nhằm giáo dục, rèn luyện là chính chứ không phải "thay người này, bỏ người kia".
 
Tổng Bí thư cho biết, sau khi lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ vừa rồi, dư luận cũng còn nhiều ký kiến khác nhau, kể cả trong Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, khó, chưa làm bao giờ, thậm chí cũng chưa có nước nào làm giống như ở Việt Nam. Vì vậy, Tổng Bí thư khẳng định sẽ tiếp thu, lắng nghe, tổng kết, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn.
 
Về tình trạng tham nhũng, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề nhức nhối, bức xúc, từ lâu đã được coi là quốc nạn, là giặc nội xâm. Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước quyết tâm chống cho được nạn tham nhũng, bao gồm cả phòng và chống, bằng nhiều biện pháp, từ xây dựng luật, Nghị định, các quy định, quy chế làm việc.... Tổng Bí thư khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp, đòi hỏi phải có lòng tin và quyết tâm cao.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc