Tại sao Bộ Giao thông đề xuất phê bình 6 tỉnh thành?

11:37, 05/09/2013
|

(VnMedia) - Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê bình 6 tỉnh: TPHCM, An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hoà và Lạng Sơn do buông lỏng trong công tác quản lý vận tải trên địa bàn.
 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường vừa ký văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia về kết quả thanh, kiểm tra của 7 thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại 18 tỉnh, thành phố về công tác quản lý vận tải trên địa bàn.
 
Tại văn bản trên, đại diện Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Phó Thủ tướng phê bình TP.HCM do buông lỏng quản lý, cấp phép; thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị vận tải contener; Phê bình các tỉnh An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hoà, Láng Sơn do chưa thực hiện tốt công tác quản lý vận tải, có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bị xử lý, thu hồi giấy phép.
 
Nhắc nhở các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Đình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ cần tập trung chấn chỉnh, quan tâm chỉ đạo quyết liẹt trong công tác quản lý về vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Kết quả của 7 đoàn kiểm tra cho thấy, thời gian qua, mặc dù lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã thống nhất nhận thức cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, rất nhiều tồn tại và hạn chế trong công tác quản lý vận tải ở các địa phương cần phải nghiêm túc, chấn chỉnh.

Cụ thể, mặc dù các địa phương ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, song Bộ Giao thông vận tải cho rằng, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, công tác quản lý nhà nước về vận tải còn coi nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức, có một số địa phương còn buông lỏng quản lý.

Công tác thanh tra tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và xử lý vi phạm hành chính chưa cương quyết, một số địa phương chưa tiến hành thanh tra đối với đơn vị kinh doanh vận tải hoặc thanh tra nhưng kết luận và xử lý vi phạm chưa có tính răn đe, chấn chỉnh. Công tác hậu kiểm sau khi cấp phép chưa được chú trọng thực hiện, đặc biệt là đối với các Hợp tác xã kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải hàng hóa bằng container.

 Ảnh minh họa

 Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị phê bình 6 tỉnh, thành phố do buông lỏng công tác quản lý vận tải bằng ô tô.


Theo kết quả kiểm tra, phần lớn các đơn vị vận tải chưa quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông; trong đó nhiều Hợp tác xã vận tải không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông hoặc có bộ phận theo dõi những không hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Nhiều Hợp tác xã chỉ đứng ra thực hiện các thủ tục pháp lý cho xe được phép hoạt động, như: xin cấp giấy phép kinh doanh, cấp phù hiệu, chấp thuận khai thác tuyến còn việc quản lý và điều hành xe để kinh doanh vận tải do các cá nhân (lái xe, chủ xe) thực hiện, các cá nhân này tự chịu trách nhiệm kết quả kinh doanh.
 
Chưa hết, nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý, cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng  contener, như: Sở Giao thông vận tải TPHCM cấp giấy phép kinh doanh đối với 98/1710 đơn vị (bằng 5,73%) có số xe 1016/8211 xe (bằng 12,37%); Sở GTVT Bà Rịa- Vũng Tàu cấp 1/16 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng  contener đạt 6,25%, số phương tiện đạt 16,72% (54/323).

Quy mô các đơn vị kinh doanh vận tải còn nhỏ lẻ, manh mún (đặc biệt là Hợp tác xã), một số tỉnh có số Hợp tác xã chiếm 50 -70% (đơn vị có từ 01 - 3 xe chiếm đến 50%), dẫn đến việc quản lý bị buông lỏng, là nguyên nhân chủ yếu khiến lái xe vi phạm tốc độ, làm mất an toàn giao thông, nguy cơ tai nạn giao thông.

Với hệ thống giám sát hành trình, kiểm tra và phát hiện nhiều đơn vị có phương tiện chạy vượt tốc độ nhiều lần, như: trong thời điểm (từ 01/7/2013 đến 15/7/2013) trên website, các phương tiện vượt quá tốc độ 80km quá nhiều, số xe vượt quá tốc độ chiếm 80% đến 90%. Nhiều địa phương, đơn vị kinh doanh vận tải không quản lý, kiểm tra, nhắc nhở lái xe qua thiết bị giám sát hành trình, do đó dẫn đến nhiều lái xe chạy vượt quá tốc độ (như tại Long An, có lái xe chạy đến 137km/h; tại Bình Thuận, có lái xe chạy đến 130km/h, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có lái xe chạy đến 120km/h).

“Tại 84 đơn vị kinh doanh vận tải bị kiểm tra có 36 Hợp tác xã vi phạm (chiếm 42,8%); Phát hiện, xử lý, tước, đình chỉ sử dụng giấy phép 41 đơn vị (trong đó có có 8 Hợp tác xã); thu hồi giấy phép kinh doanh của 31 đơn vị (trong đó có 12 Hợp tác xã, chiếm 48%); thu hồi 327 phù hiệu và sổ nhật trình (trong đó thu hồi 128 phù hiệu của 24 Hợp tác xã); 189 lỗi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 567.000.000 đồng”, bản kết luận của Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.


Nhất Minh

Ý kiến bạn đọc