Sẽ sửa đổi một số điều của Luật Sĩ quan

18:25, 09/09/2013
|

(VnMedia) - Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (Luật Sĩ quan) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008.
 
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thừa ủy quyền của Thủ tướng ký,  trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, còn có ý kiến khác nhau, một số quy định của Luật chưa cụ thể, khó áp dụng cần được khắc phục. Do vậy, việc xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
 
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cho biết, Thường trực UBQP&AN tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nêu lên những điều còn có ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội.
 
Cụ thể, về chức vụ cơ bản của sĩ quan (khoản 1, Điều 11), Thường trực Ủy ban nhất trí với những nội dung sửa đổi, bổ sung và việc sắp xếp lại thứ tự 11 chức vụ cơ bản của sĩ quan như dự thảo Luật.
 
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định hợp lý hơn về các chức vụ cơ bản của sĩ quan vì cho rằng, do chỉ có 11 chức vụ cơ bản, trong khi toàn quân có hơn 6000 chức danh và 12.000 chức vụ nên việc xác định tương đương là quá rộng dẫn đến những bất cập trong vận dụng thực hiện như thời gian vừa qua; có ý kiến đề nghị bổ sung vào hệ thống chức vụ cơ bản chức vụ tham mưu trưởng là chức vụ đứng đầu cơ quan tham mưu của các đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên; có ý kiến đề nghị bổ sung cấp cục trưởng như Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
 
Cũng có ý kiến đề nghị không nên đưa chức vụ Chỉ huy trưởng và Chính ủy vùng Cảnh sát biển vào nhóm chức vụ cơ bản của sĩ quan mà đưa vào quy định chức vụ tương đương để thống nhất với Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, tránh gây hiểu lầm Cảnh sát biển là QĐND.
 
Về quy định tại khoản 2 Điều 11, một số ý kiến cho rằng, thẩm quyền quy định hàm, cấp của QĐND phải phù hợp với quyền hạn của các cơ quan nhà nước theo quy định của Hiến pháp. Theo đó, “Quốc hội quy định hàm, cấp trong các lực lượng vũ trang nhân dân” (Điều 84 Hiến pháp 1992). Như vậy, việc quy định chức vụ tương đương gắn liền với quân hàm cũng phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng do tính chất hoạt động không thường xuyên của Quốc hội nước ta, thẩm quyền này nên giao cho UBTVQH quy định các chức vụ tương đương đối với các chức vụ cơ bản có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp Tướng.

Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xác định cấp có thẩm quyền quy định tương đương với chức vụ cơ bản của sĩ quan theo nguyên tắc cấp nào có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm thì cấp đó xác định chức vụ tương đương của sĩ quan đó với chức vụ cơ bản.
 
Về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan (Điều 15) được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, Điều 1 dự thảo Luật, qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban thống nhất với quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với các chức vụ cơ bản của sĩ quan. Tuy nhiên, việc xác định cấp hàm cao nhất đối với các chức vụ tương đương là cấp tướng còn một số bất cập cần được xem xét.
 
Cụ thể, chưa xác định rõ căn cứ để quy định vị trí có nhu cầu cấp tướng, điều kiện, tiêu chuẩn của mỗi cấp bậc hàm, do đó việc quy định trần quân hàm cao nhất của một số chức vụ lãnh đạo, chỉ huy chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
 
Thứ hai, việc quy định quân hàm cấp tướng như trong dự thảo Luật chưa bảo đảm được yêu cầu của Đảng là “Quy định chặt chẽ, cụ thể việc phong, thăng quân hàm cấp tướng ngay trong Luật theo đúng quy định của Hiến pháp”, theo đó, việc quy định cấp hàm cao nhất của chức vụ cấp phó thấp hơn hoặc bằng cấp trưởng, việc quy định không rõ tiêu chí Cục loại 1, Cục loại 2, Tổng công ty loại 1 trực thuộc Bộ Quốc phòng sẽ làm phát sinh nhiều đối tượng có quân hàm cấp tướng khi vận dụng trong thực tế; về vấn đề này, có ý kiến đề nghị quy định tổng số sĩ quan có quân hàm cấp tướng để bảo đảm cơ cấu quân hàm cấp tướng ổn định trong hệ thống cấp bậc quân hàm của QĐND.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Ngoài hai vấn đề nêu trên, một số ý kiến của Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu việc mở rộng phong, thăng quân hàm cấp tướng cần phải bảo đảm sự tương thích với các chức vụ cán bộ trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước; cần làm rõ mối quan hệ chức vụ Chính ủy cấp cục với Cục trưởng theo Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ Chính ủy, Chính trị viên trong QĐND Việt Nam, để quy định cấp bậc hàm phù hợp; có ý kiến đề nghị không nên quy định cấp bậc hàm của Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ vào Luật để bảo đảm sự thống nhất với Luật cơ yếu. Việc quy định trần quân hàm cấp tướng ở một số chức vụ phải bảo đảm tương quan với quy định của Luật CAND (sửa đổi), nhất là Bộ chỉ huy quân sự và Công an cấp tỉnh.
 
Về bổ sung quy định “cấp bậc quân hàm của cấp phó thấp hơn hoặc bằng cấp trưởng” tại khoản 2, Điều 15, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc bổ sung nội dung này là không nhất quán ngay trong các điều, khoản của dự thảo Luật, sẽ dẫn tới không phân biệt rõ thứ bậc về quyền hạn, trách nhiệm, ảnh hưởng đến chuẩn hóa trong quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ cao cấp, nảy sinh việc bổ nhiệm nhiều cấp Phó hoặc chỉ huy cấp dưới kiêm nhiệm cấp phó ở cấp trên để có quân hàm và có nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
 
 Về quy định quân hàm cao nhất là cấp trung tướng, thiếu tướng đối với chức vụ tương đương của của đơn vị mới thành lập (khoản 3, Điều 15), đa số ý kiến cho rằng, nội dung này là không cần thiết vì đã có quy định tại khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật, hơn nữa việc thành lập đơn vị mới nếu điều chỉnh trong dự án Luật phải bảo đảm thống nhất ở tất cả các cấp, không nên chỉ quy định riêng đối với cấp hàm Trung tướng, Thiếu tướng.
 
 Về trường hợp được xét thăng quân hàm cao hơn 1 bậc (Khoản 4, Điều 15,đa số ý kiến cho rằng, khoản 3 Điều 15 Luật sĩ quan năm 1999 và Luật sĩ quan hiện hành tuy đã có quy định về trường hợp sĩ quan được thăng quân hàm cao hơn một bậc so với cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ cơ bản của sĩ quan nhưng không khả thi, khó vận dụng( ). Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung khoản này quy định “Sĩ quan được xét thăng quân hàm cao hơn 1 bậc do cấp có thẩm quyền quyết định” là chưa rõ cả về tiêu chí và đối tượng được xét, cấp quyết định, nên khả năng không giải quyết được khó khăn, vướng mắc hiện nay mà còn có thể phát sinh nhiều vướng mắc, thiếu khả thi hơn.
 
 Về cấp bậc quân  hàm cao nhất đối với các chức danh là sĩ quan hoạt động trong các đơn vị là doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc việc quy định quân hàm cáp tướng cho Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng và cho rằng, việc tổ chức quân đội làm kinh tế là phù hợp với chức năng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và lao động sản xuất”, theo đó Bộ Quốc phòng thực hiện tổ chức các loại hình doanh nghiệp hoạt động hiện nay là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc lao động sản xuất là nhiệm vụ của toàn quân, còn việc tổ chức sĩ quan, thực hiện quản lý các đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm phù hợp với quy định của Luật sĩ quan hiện hành( ). Các doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn, tài sản tại doanh nghiệp không tham gia các hoạt động quân sự, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cho quân đội thì chỉ nên bố trí diện quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
 
Về thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan (Điều 25) được sửa đổi, bố sung tại khoản 3 điều 1 dự thảo Luật, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng, Luật sĩ quan hiện hành quy định thẩm quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ về việc phong, thăng quân hàm cấp tướng là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp hiện hành, hiện nay đang được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đề xuất về thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan tại Luật này cùng với sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6.
 
Có ý kiến cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 25 là chưa rõ về nội dung như: một cấp bậc quân hàm nhưng được bố trí ở nhiều chức vụ do nhiều người bổ nhiệm… Do đó, đề nghị Chính phủ cần có quan điểm rõ về vấn đề này để làm căn cứ thảo luận sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc