(VnMedia) - Quãng đời 8 năm đầy đau khổ của mẹ con bé Linh Chi, cô bé không có cả tay lẫn chân, giờ đây đã khép lại. Đôi tay chân giả vừa được lắp và những sự sẻ chia ấm áp tình người đang mở ra cho con một cánh cửa mới đến với cuộc đời…
Linh Chi, cô bé đầy nghị lực đang tập viết từng nét chữ với đôi tay giả vừa được lắp |
Sáng 27/9, đoàn Thanh niên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã có một cuộc gặp xúc động với mẹ con bé Linh Chi, cô bé không chân không tay giống như Nick Vujicic. Đó là cuộc gặp của những người thân trong gia đình, bởi trước đây, chị cũng là một nhân viên làm việc trong ngành Bưu điện, còn chồng chị hiện nay vẫn đang là một công nhân của ngành.
Lúc đoàn đến, Linh Chi đang ngồi bên cửa sổ, cặm cụi viết từng nét chữ lên một quyển vở. Nhưng khác với những lần trước, những nét chữ hôm nay được con viết bằng đôi tay mới vừa được Trung tâm đào tạo kỹ thuật chỉnh hình Việt
Đây không phải là lần đầu tiên có người đến thăm, động viên mẹ con bé Linh Chi, nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên chị Thủy trải hết nỗi lòng của một người mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ.
Sự kỳ thị khủng khiếp…
Nhớ lại cái ngày khủng khiếp cách đây 8 năm, đôi mắt chị Thủy bỗng đỏ hoe, ầng ậc nước. Theo lời chị Thủy, kể từ lúc chị mang thai cho đến trước ngày sinh con, chị không có bất cứ biểu hiện gì bất thường. Còn một ngày nữa thì lên bàn mổ, bác sĩ mới phát hiện ra đứa con trong bụng chị có những dấu hiệu lạ. “Đúng là số con bé được làm người, chứ nếu phát hiện sớm thì sẽ không ai để con phải sinh ra trong thiệt thòi như vậy” – người mẹ đầy nghị lực chia sẻ.
Nhưng điều mà chị nói nhiều, không phải là sự thất vọng, là sự sợ hãi của người mẹ sinh ra đứa con không có tay chân, mà điều chị đau đớn nhất chính là sự kỳ thị của những người xung quanh.
“Ngày ấy, khi bế con từ bệnh viện về, bước chân qua đống lửa theo phong tục trước khi vào nhà, tôi quay lại phía sau và bàng hoàng thấy một đoàn người đứng thành hàng dài, tay chỉ trỏ chỏ vào hai mẹ con tôi giống như họ đang xem tai nạn giao thông. Kể từ lúc đó, tôi biết cuộc sống của mẹ con tôi sẽ vô cùng đau đớn” – lời kể của chị Thủy khiến tất cả những ai ngồi nghe đều lặng người.
Rất khó để hình dung những nỗi đau mà người mẹ này đã phải chịu đựng khi sinh ra và nuôi đứa con tật nguyền |
Những ngày sau đó, lời dị nghị của những người thiếu hiểu biết, thiếu sự cảm thông đã khiến chị Thủy và gia đình càng thêm tủi. “Họ bảo gia đình tôi ăn ở thất đức thế nào mà lại đẻ ra đứa con tật nguyền như vậy. Nhưng họ đâu có biết, ông nội của cháu là một đại tá quân đội đã mang trong mình chất độc da cam rồi truyền sang cho con, cho cháu” – chị Thủy ngậm ngùi nói.
Ông nội của bé – đại tá Nguyễn Đình Sanh, nguyên là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái. Ông nhập ngũ từ năm 15 tuổi, đi khắp các chiến trường ác liệt nhất. Ông biết mình mang trong người chất độc da cam, nhưng không ngờ lại truyền nỗi đau sang thế hệ thứ 3 - đứa cháu nội của mình. Chính con trai ông, chồng chị Thủy, cũng mắc bệnh dị ứng máu nhưng gia đình không hề biết. Đại tá Nguyễn Đình Sanh cũng đã mất vì căn bệnh ung thư cách đây 3 năm.
Bố chồng bệnh nặng, tiền của dốc hết vào chữa bệnh cho ông. Đến khi ông mất, số tiền lương hưu vốn giúp đỡ nhiều cho vợ chồng chị nuôi con, cũng không còn. Cuộc sống gia đình chị vô vàn khó khăn khi người chồng làm công nhân, vợ đã nghỉ việc ở nhà chăm sóc cô con gái thiệt thòi, đứa con thứ 2 của anh chị cũng mắc bệnh dị ứng máu giống bố.
Và cánh cửa đã mở ra…
Chính những sự cay nghiệt của một số người đã khiến vợ chồng chị Thủy quyết định sống khép kín và từ chối mọi sự chia sẻ của người ngoài. “Vợ chồng tôi không muốn mọi người nghĩ rằng chúng tôi lợi dụng sự bất thường của con để “ăn xin”. Dù có vất vả, khó khăn đến như thế nào, chúng tôi cũng quyết tâm sẽ tự mình nuôi con, để con không phải chịu sự dè bỉu, thương hại của người đời” – người mẹ đầy nghị lực nói. Nhưng giờ đây, chị cũng tự nhận thấy, lòng tự trọng và sự tự ti đó là một phần khiến cho cuộc sống của bé Linh Chi bị thiệt thòi hơn, và cánh cửa cuộc đời tưởng như sẽ không bao giờ mở ra với con chị kể từ khi chị bế con bước qua đống lửa vào cái ngày bất hạnh ấy.
Đây cũng chính là lý do khiến cho cuộc gặp mặt giữa chị với những người trong gia đình VNPT diễn ra rất bất ngờ và xúc động. “Vợ chồng chị Thủy là nhân viên của VNPT, cũng có nghĩa bé Linh Chi là người thân của chúng tôi. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải xây dựng một kế hoạch dài hơi để đồng hành cùng bé Linh Chi trong cuộc sống sau này” – anh Phan Hoài Nam - Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn VNPT xúc động chia sẻ.
Sự sẻ chia của đoàn Thanh niên VNPT là một nguồn động viên đầy ấm áp đối với mẹ con chị Thủy. |
Đi cùng đoàn Thanh niên VNPT, ông Hoàng Đức Sơn - Phó Bí thư đảng ủy Tập đoàn VNPT cũng rất xúc động khi gặp bé Linh Chi và chị Thủy. “VNPT đã và đang làm rất nhiều công tác xã hội, chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, học bổng VNPT – chắp cánh tài năng Việt cũng đã là động lực tiếp sức cho hàng trăm học sinh nghèo vượt khó. Bé Linh Chi là con cái trong ngành, chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo chuyên môn và công đoàn VNPT.” – ông Sơn khẳng định.
Xúc động trước sự quan tâm của những người trong gia đình VNPT, chị Thủy chia sẻ: “8 năm qua, trong mơ tôi cũng không nghĩ đến ngày hôm nay. Chỉ vì sự kỳ thị của một số người mà tôi đã khép kín cuộc sống của con gái mình. Tôi rất sợ con phải chịu sự thương hại của người đời. Tôi cũng tưởng chắc chỉ có các sếp mới được quan tâm, còn mình chỉ là một công nhân. Nhưng bây giờ, tôi thấy sự quan tâm của mọi người thật chân thành. Tình cảm của những người trong Tập đoàn khiến mẹ con tôi cảm thấy rất ấm áp.” – chị Thủy xúc động nói, khuôn mặt rạng ngời một niềm vui, niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho cô con gái đầy nghị lực của chị.
Nỗi đau dường như đã lùi xa. Kể từ sau khi gặp Nick Vujicic, cùng với sự sẻ chia, động viên của rất, rất nhiều những tấm lòng nhân ái thì giờ đây, trong vòng tay ấm áp của những con người trong gia đình VNPT, cánh cửa cuộc đời mới đã bắt đầu mở ra với Linh Chi, với người mẹ đã phải chịu quá nhiều đau khổ.
Linh Chi khó khăn tập viết với đôi tay mới trước sự ngưỡng mộ của Bí thư Đoàn Thanh niên tập đoàn VNPT Phan Hoài Nam |
Bố yêu quý, con nhớ bố, nhớ bà, nhớ Dũng (em trai của Chi - PV), nhớ chị Vũ (hàng xóm)... bức thư cảm động được trong lúc ngồi một mình. Dù câu từ còn ngô nghê vì con chưa từng được học, nhưng nó chứa đựng nỗi nhớ bố và em trai sau 3 tuần cùng mẹ xuống Thủ đô làm chân tay giả |
Ngồi bên cánh cửa sổ trông thẳng sang cổng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Hoàng Đức Sơn - Phó Bí thư đảng ủy Tập đoàn VNPT nói với Linh Chi: Con hãy nhìn sang bên kia |
... Tương lai của con là ở đó. |
Tập viết, tập làm toán rất mệt, nhưng Linh Chi rất vui. Thỉnh thoảng con lại áp khuôn mặt xuống quyển vở để thư giãn. Vì xương đùi của Linh Chi quá ngắn nên việc làm chân giả cho Chi rất khó. Cô bé chưa thể tập đi với đôi chân này. |
Hạnh phúc với món quà trung thu đến muộn, cô công chúa nhỏ của chị Thủy cười tươi rói trước những người đồng nghiệp của bố mẹ |
Thích thú với trờ chơi chém chuối |
Để lại một quá khứ nặng nề, người mẹ trẻ rạng rỡ, hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn của cô con gái yêu |
Ý kiến bạn đọc