(VnMedia) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Điều lệ và Tổ chức hoạt động của quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia với quy mô 1000 tỷ đồng. Các nhà khoa học và một số người dân quan tâm tới sự nghiệp phát triển khoa học của nước nhà tỏ ra rất vui mừng khi khoa học công nghệ (KHCN) đã được chú trọng đầu tư lớn và bài bản, tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn. Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” tối 22/9, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đã nói rõ về cơ chế sử dụng, đầu tư của các quỹ hỗ trợ phát triển khoa hoc- công nghệ.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân |
- Một giáo sư hỏi: “Tôi đánh giá rất cao cơ chế rõ ràng, minh bạch, định lượng của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Các điều kiện như phải có bao nhiêu bài báo, công trình nghiên cứu mới được giải ngân, giải ngân tới đâu sẽ loại bỏ được một số đề án của các “tiến sỹ giấy, giáo sư giấy”. Tuy nhiên, theo tôi còn rất nhiều các vấn đề lớn của đất nước, những vấn đề thiết thực liên quan đến nhu cầu của dân sinh thì không có người làm vì sẽ không có tạp chí quốc tế đăng tải. Những công trình nghiên cứu được đăng tải là những đề án lẻ tẻ của các nhóm nghiên cứu mà không có các cụm công trình nghiên cứu khoa học mang tính hệ thống quốc gia”. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về băn khoăn của vị giáo sư này?
Trước hết, xin cảm ơn các nhà khoa học đã rất quan tâm và chia sẻ với chúng tôi các băn khoăn như vậy. Tuy nhiên, điều này cũng chứng tỏ công tác truyền thông đến với các nhà khoa học và xã hội còn rất nhiều bất cập. Tôi xin bổ sung thông tin để các nhà khoa học yên tâm: Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chỉ là 1 trong 2 quỹ lớn mà Chính phủ cho phép thành lập nhằm hỗ trợ cho hoạt động KHCN. Quỹ này tập trung giúp cho DN đổi mới công nghệ, đặc biệt là các DN KHCN, để nâng cao trình độ công nghệ, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh khi chúng ta hội nhập quốc tế.
Cách đây nhiều năm, Chính phủ đã cho phép thành lập Quỹ Phát triển KHCN quốc gia. Đây là quỹ có hệ thống từ Trung ương đến địa phương và là nơi tài trợ cho nghiên cứu cơ bản như giáo sư nói, tức là đòi hỏi kết quả đầu ra phải có công bố quốc tế, phải có những kết quả cụ thể thì mới được giải ngân.
Nhưng xin giáo sư yên tâm là bên cạnh 2 quỹ này, Bộ KHCN cũng được Chính phủ giao thành lập 16 chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về KHCN và gần 10 chương trình quốc gia về phát triển công nghệ, trong đó có những chương trình rất lớn như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia… Và như vậy, những cụm công trình lớn, những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, kể cả những công trình không được công bố quốc tế, không được đăng ở các tạp chí quốc tế vẫn được Nhà nước chăm lo, thậm chí được nhà nước hỗ trợ rất mạnh, ví dụ như: dàn khoan dầu khí; chế tạo động cơ cho ô tô, xe máy; các chương trình hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Thưa Bộ trưởng, vậy cơ chế, điều lệ hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có hạn chế được tình trạng đề án khoa học "cất ngăn kéo" như đang xảy ra hay không?
Nói về đề tài cất ngăn kéo thì không chỉ có cơ chế chính sách của chúng ta mà bản thân trong khoa học cũng đã có những loại đề tài làm ra để xếp “ngăn kéo”, đó là nghiên cứu cơ bản. Nó phải đi trước thời đại, vì thế phải để trong “ngăn kéo” cho đến khi trình độ phát triển xã hội đạt được một mức độ nào đó thì mới có thể ứng dụng được nó. Tuy nhiên, những đề tài nghiên cứu ứng dụng mà “xếp ngăn kéo” là không chấp nhận được.
Trước đây, tỷ lệ này còn khá lớn vì giữa nghiên cứu và sản xuất của chúng ta chưa có những cầu nối để nghiên cứu xong có thể ứng dụng được. Vì vậy, với sự ra đời của các quỹ có 2 mặt tích cực, một là, nó tạo cơ chế rất thuận lợi cho giới khoa học khi có ý tưởng nghiên cứu được phê duyệt là được cấp tiền để thực hiện ngay; hai là, các quỹ này tài trợ theo cơ chế đặt hàng nên những đề tài nào có địa chỉ ứng dụng, có khả năng thương mại hóa thì được Nhà nước đặt hàng và quỹ tài trợ và chắc chắn sau khi nghiên cứu xong sẽ có người tiếp nhận kết quả và đưa vào sản xuất kinh doanh.
Vì thế, chúng tôi tin tưởng với cơ chế quỹ, chắc chắn tình trạng đề án khoa học “xếp ngăn kéo” sẽ giảm đi nhiều.
- Một số nhà khoa học lo ngại rằng, với các đầu tư của quỹ thì chúng ta mới chỉ khuyến khích được sự phát triển của các nhà khoa học riêng lẻ mà không tạo được tập thể các nhà khoa học mạnh. Bộ trưởng nghĩ sao về ý kiến này?
Điều đó chỉ đúng với Quỹ phát triển KHCN quốc gia ở giai đoạn ban đầu, tức là tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, thường là do một nhóm, thậm chí cá nhân nhà khoa học làm được. Vì vậy, nó là tập hợp của những nghiên cứu mang tính đơn lẻ.
Tuy nhiên, giới khoa học có thể yên tâm là bên cạnh quỹ đó còn có các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, các chương trình quốc gia về KHCN với cơ chế hoạt động sẽ tạo ra các tập thể khoa học mạnh. Bởi vì chúng ta không thể nghiên cứu về vi mạch, về vắc xin… chỉ với một vài nhà khoa học mà phải bao gồm một tập thể khoa học từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, và khâu đầu tư cho sản xuất, kinh doanh để tạo ra những sản phẩm lớn cho xã hội.
- Thưa Bộ trưởng, một số “nhà khoa học nông dân” hỏi rằng: “chúng tôi đang đứng ở đâu trong các đề án này? Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến.
Những nhà khoa học nông dân hoàn toàn có thể yên tâm, vì nếu họ có ý tưởng sáng tạo thì Nhà nước đều có thể hỗ trợ, trước đây là qua hệ thống các quỹ hỗ trợ KHCN và bây giờ có có thêm Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Bên cạnh đó, năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định về sáng kiến, trong đó quy định tất cả những người có sáng kiến, có thể chưa đạt đến tầm của một phát minh, sáng chế, nhưng vẫn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ.
Nhân đây, tôi đề nghị Sở KHCN các địa phương quan tâm đến những người dân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, hỗ trợ cho họ tối đa kinh phí để hoàn thiện sáng kiến cũng như giúp họ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, thương mại hóa sáng kiến vào sản xuất kinh doanh đem lại lợi ích cho những nhà khoa học nông dân cũng như xã hội.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Ý kiến bạn đọc