Những bất cập trên các cây cầu vượt "nhẹ" ở Hà Nội

07:10, 11/09/2013
|

(VnMedia) - Sau khi được thông xe và đưa vào sử dụng, 5 cây cầu vượt nhẹ trong nội đô Hà Nội đã giúp giảm đáng kể ùn tắc giao thông tại các điểm ngã tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các cây cầu đó cũng đang bộc lộ nhiều khuyết điểm.

>>
Cầu vượt “mềm mại” nhất Thủ đô sắp thông xe
 
Đầu năm 2012, sau khi triển khai hàng loạt các giải pháp chống ùn tắc giao thông: Đổi giờ làm, giờ học; phân làn phương tiện; cấm đỗ xe trên 262 tuyến phố chính… nhưng tình hình ùn tắc giao thông ở Thủ đô không có nhiều biến chuyển, Hà Nội đã quyết định xây dựng một số các cây cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép, có thể tháo dỡ dễ dàng nếu không hiệu quả tại một số ngã tư.

Cuối tháng 4/2012, sau 3 tháng tích cực xây dựng, 2 cầu vượt nhẹ đầu tiên tại các ngã tư: Chùa Bộc – Thái Hà – Sơn Tây và Láng Hạ - Thái Hà- Huỳnh Thúc Kháng đã chính thức được thông xe đưa vào sử dụng. Sau khi 2 cây cầu được thông xe đã giúp giảm ùn tắc đáng kể tại các nút được xây cầu. Lãnh đạo UBND Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải thành phố, tiếp tục cho xây dựng một loạt các cây cầu khác tại các điểm: Láng - Lê Văn Lương, Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà - Láng Hạ và Nam Hồng - Mai Dịch - Nội Bài…

Mới đây nhất, cây cầu thứ 5 trong nội đô - một trong những cây cầu được cho là “mềm mại” nhất Thủ đô cũng đã được hoàn thiện, thông xe và đưa vào sử dụng tại ngã tư Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Bạch Mai - Huế, giúp phần giảm ùn tắc giao thông tại các ngã tư này. Và sắp tới đây, vào ngày 10/10, cây cầu vượt bằng thép lớn nhất Việt Nam tại ngã tư DeaWoo cũng sẽ được thông xe và đưa vào sử dụng, chào mừng sự kiện Giải phóng Thủ đô.
 
Phải thừa nhận một thực tế rằng, sau khi các cây cầu vượt nhẹ được đưa vào sử dụng, ùn tắc tại một số tuyến phố nơi cầu bắc qua đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thời gian gần đây những cây cầu vượt này đã bộc lộ một số khiếm khuyết cần được khắc phục.

Nhược điểm dễ nhận thấy nhất đầu tiên tại các cây cầu vượt này là dù có tác dụng chống ùn tắc thật sự nhưng hiệu quả dường như không được triệt để, vì chỉ giúp thông thoáng cho những tuyến đường có lối lên - xuống cầu, trong khi đó, hướng còn lại vẫn xảy ra ùn tắc.

 Ảnh minh họa

Nhiều người tham gia giao thông ở Thủ đô cho rằng, lối lên - xuống của cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương và Láng Hạ - Thái Hà quá nhỏ, gây bất tiện cho người tham gia giao thông.

Điển hình như tại một số cầu vượt trên đường Láng Hạ - Lê Văn Lương, Láng - Nguyễn Chí Thanh, việc chống ùn tắc của các cây cầu vượt này dường như chỉ đạt hiệu quả “nửa vời” ở những chiều có cầu bắc qua, còn tại những tuyến đường không có lối lên - xuống cầu, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra vào các giờ cao điểm trong ngày.

Khảo sát của chúng tôi tại hai điểm cầu trên vào chiều 10/9 cho thấy, tại các tuyến đường có cầu vượt bắc qua ,giao thông khá thông thoáng. Tuy nhiên, dọc tuyến đường Láng – nơi hai cầu vượt chạy cắt ngang, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra kéo dài cả cây số.

Đi làm về qua tuyến đường này, chị Thanh Huyền, phố Trường Chinh (Hà Nội) cho biết, mặc dù có cầu vượt bắc qua nhưng tại tuyến đường này vào các giờ cao điểm sáng, chiều hầu như ngày nào ùn tắc cũng xảy ra.

“Tôi nghe nhiều người khen cầu vượt giúp giảm ùn tắc giao thông nhưng xem ra đây chỉ là giải pháp "nửa vời" vì cầu vượt chỉ có hiệu quả với những tuyến đường có lối lên - xuống”, chị Huyền cho biết.

Không chỉ có hạn chế ở ngay hiệu quả của các cây cầu này, các lối lên - xuống của một số cầu vượt cũng đang là nhược điểm làm giảm tác dụng trong việc chống ùn tắc giao thông. Thường xuyên đi làm qua hai cây cầu vượt trên đường Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng-Thái Hà và Láng Hạ - Lê Văn Lương – Láng, chị Nguyễn Mai Anh, phố Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết, từ khi hai cây cầu này được thông xe, chị rất hay đi làm qua và đã giảm được cảnh ùn tắc nhờ việc đi qua cầu. Tuy nhiên, hai cây cầu này có lối lên xuống quá bé, gây bất tiện cho người tham gia giao thông.

Sau phản ánh của chị Mai Anh, sáng 10/9, VnMedia đã có mặt tại hai cây cầu này và nhận thấy phản ánh trên hoàn toàn có cơ sở. Theo khảo sát, tại 2 đầu lên – xuống của 2 cây cầu vượt này, lối lên xuống khá nhỏ chỉ khoảng từ 2-2,2 mét mỗi làn xe. Đã vậy, tại các đường bao quanh thành cầu ở các lối lên xuống lại được xây thu hẹp vào phía trong lòng cầu, dẫn đến lối lên xuống càng nhỏ.
 
“Sau khi Hà Nội xây dựng hai cây cầu vượt này, việc đi lại qua các ngã tư này đã được thông thoáng hơn. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn nữa cho người tham gia giao thông, ở hai đầu lên xuống của cây cầu này nên mở rộng hơn để cho các phương tiện dễ lên – xuống”, chị Mai Anh nêu ý kiến.
 
Sau khi thông xe cây cầu vượt nhẹ thứ 5 ở nội đô Hà Nội nằm tại phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt đã giúp giảm ùn tắc. Tuy nhiên, tại cây cầu được cho là “mềm mại” và có tính nghệ thuật nhất Thủ đô này cũng đang bộc lộ nhiều khuyết điểm.

 Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ lối lên xuống của cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương quá nhỏ là do bờ bao xây quanh cầu được xây quá hẹp vào phía trong lòng cầu.

Anh Văn Thanh, một người dân phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) cho biết, cầu vượt này quá dốc nên khi qua lại đây anh có cảm giác rất sợ. “Ngay hôm đầu thông xe, tôi đã háo hức đi qua cây cầu này nhưng do cầu được xây dựng quá dốc nên đi qua mà tôi có cảm giác rất mất yên tâm. Đã từng đi qua một số cây cầu vượt nhẹ khác của Hà Nội nhưng tôi chưa thấy cây cầu nào dốc như cây cầu này”, anh Thanh nói.
 
Cùng đi qua cây cầu vượt mới thông xe này, anh Đức Học, phố Chùa Bộc (Hà Nội) lại cho rằng, cầu vượt nhẹ Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Huế có mặt đường không được bằng phẳng như những cây cầu khác. “Đi qua tất cả các cây cầu vượt nhẹ của Hà Nội nhưng đây là cây cầu tôi cảm thấy mặt đường xấu nhất. Mỗi khi điều khiển xe qua đây tôi đều cảm thấy bánh xe giật cục, lúc nhô lên khi lại thụt xuống. Cầu mới thông xe mà mặt đường đã vậy thì không biết sử dụng được một thời gian nữa, chất lượng sẽ xuống cấp như thế nào”, anh Học nói.

Trao đổi với VnMedia, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc đô thị Hà Nội cho rằng, việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ tại các ngã tư là một giải pháp tình thế và đây là sự cố gắng rất lớn của Hà Nội trong việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở Thủ đô. Giải pháp xây dựng các cây cầu vượt bằng thép này đã góp phần giảm đáng kể các vụ ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng thừa nhận, việc xây dựng các cây cầu cũng đang tồn tại một số nhược điểm về mặt gắn kết lưu thông giữa cầu và các tuyến đường xung quanh chưa hợp lý, dẫn đến ùn tắc ở các điểm kế cận. Điển hình như cây cầu vượt ở tuyến đường Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt có kết nối giữa các tuyến chưa hợp lý nên vẫn tạo ra các điểm ùn tắc tại một số điểm tại các tuyến phố sát bên.

Mặt khác, mặc dù cầu vượt nhẹ được lắp ghép bằng thép nhưng việc tổ chức xe trên cầu chưa được tính hết công suất như cầu vượt nhẹ ở ngã tư Chùa Bộc – Sơn Tây – Thái Hà, hạn chế tải trọng của xe qua lại nên gây ùn tắc phía đầu cầu bên đường Ngã Tư Sở.
 
“Với TP.HCM, hạn chế này đã được giải quyết bằng việc xây dựng những cây cầu có kết cấu lớn hơn nên dễ dàng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, ông Nghiêm cho biết.

Theo ông Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc đô thị Hà Nội, hình thức của các chân cầu cũng đang là một hạn chế. Các chân cầu hiện tại, mặc dù được lấy ý kiến rất nhiều người nhưng chưa có sự gắn kết với không gian xung quanh cho hợp lý hơn nên gây mất mỹ quan đô thị.
 
“Còn việc lối lên xuống của các cây cầu rộng hay hẹp đã được cân nhắc tính toán kỹ trước khi xây dựng. Lối lên - xuống nên mở rộng hẹp thế nào để vừa cho các phương tiện lên - xuống cầu, nhưng cũng phải tránh ùn tắc giao thông cho các điểm ở dưới đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Nghiêm cho biết.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc