(VnMedia) - Vừa rút khỏi Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sắt chưa lâu; Bộ Giao thông vận tải lại chuẩn bị bổ sung quy định này vào trong nghị định để áp dụng từ 2015 với ô tô và 2017 với xe máy.
>>Phạt xe không chính chủ: Giao thông đòi bỏ, công an... giữ!
>>Phạt xe không chính chủ: Chờ thông tư
>>Phạt xe không chính chủ: Rút quy định không có nghĩa là sẽ không xử lý!
Tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường vừa có công văn hỏa tốc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sắt; ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp để thống nhất quan điểm về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định và việc lấy ý kiến về tác động của văn bản đối với yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự.
Theo Bộ Giao thông vận tải, đối với quy định xử phạt chủ phương tiện “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”, đại diện các Bộ đã đồng thuận, thống nhất đề nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị định nội dung quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chủ phương tiện.
Tuy nhiên, khi bổ sung quy định này vào Dự thảo Nghị định, cần quy định rõ một số nội dung nhằm đáp ứng các yêu cầu: Cần quy định rõ đối tượng có trách nhiệm phải làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế và đơn giản hóa thủ tục nộp lệ phí trước bạ xe để thuận lợi hơn cho người dân khi làm thủ tục sang tên xe. Đặc biệt, trong trường hợp phương tiện đã chuyển nhượng qua nhiều người mà không có đủ chứng từ chuyển nhượng.
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh: Xuân Tùng |
Cần mô tả lại để xác định rõ hành vi vi phạm và đối tượng vi phạm; đồng thời giảm mức tiền phạt, quy định mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm bằng mức phạt (cũ) đã được quy định tại Nghị định số 34/2010 của Chính phủ (mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm).
Bên cạnh đó, cần bổ sung vào Dự thảo Nghị định nội dung quy định giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên, nhằm hạn chế tối đa khả năng lạm dụng, gây phiền hà cho người dân khi tham gia giao thông.
Cần bổ sung vào Dự thảo Nghị định nội dung quy định về lộ trình thực hiện xử phạt đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô khi thực hiện hành vi vi phạm nói trên được thực hiện kể từ ngày 1/1/2015; thời điểm xử phạt đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô khi thực hiện hành vi vi phạm nói trên được thực hiện kể từ ngày 1/1/2017.
Để thực hiện được những nội dung này, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương sửa đổi Thông tư số 36/2010 và Thông tư số 12/2013 (trước khi Nghị định có hiệu lực thi hành). Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về nộp lệ phí trước bạ xe để tạo thuận lợi hơn cho người dân khi làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị bổ sung sửa đổi Điều 30 của Dự thảo Nghị định; bổ sung vào Điều 74 của Dự thảo Nghị định một Khoản 4 mới là “4. Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1, Khoản 4 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe”.
Bổ sung vào Điều 76 của Dự thảo Nghị định hai Khoản mới (Khoản 4 và Khoản 5) như sau: “4. Việc áp dụng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 30 Nghị định này để xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm được thực hiện kể từ 1/12017”; “5. Việc áp dụng quy định tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định này để xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm được thực hiện kể từ ngày 1/1/2015”.
Câu chuyện xử phạt xe không chính chủ gây nhiều tranh cãi của dư luận từ đầu năm 2013 khi Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sắt thay thế cho Nghị định 34 và 71 trước đó; trong đó quy định xử phạt nặng lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện.
Tuy nhiên, sau đó quy định này liên tục bị người dân "ném đá" nên tại một cuộc họp của Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, người dân được tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng, quy định về việc xử phạt xe không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định đã có từ 10 năm nay (từ năm 2003). Tuy nhiên, hiện nay đa số các ý kiến không đồng thuận với việc xử phạt hành vi này nên đề xuất chưa đưa hành vi xử phạt chủ phương tiện không sang tên đổi chủ vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sắt lần thứ 3.
Trái ngược với ý kiến của các đơn vị ngành giao thông vận tải, đại diện lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, nên xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ. Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, sắt (Bộ Công an) Trần Sơn Hà cho biết, hành vi không chuyển quyền sỡ hữu đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 34 cùng các thông tư khác của ngành công an. Quá trình thực hiện, cơ quan công an đã làm thủ tục sang tên đổi chủ cho chủ phương tiện.
“Quan điểm của người dân là như vậy nhưng chúng tôi cho rằng nên đưa quy định về xử phạt xe không chính chủ vào trong dự thảo nghị định vì điều này đã được quy định trong các luật”, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, sắt nói.
Sau đó, giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã xảy ra những ý kiến trái chiều về việc xử phạt xe không chính chủ này. Tuy nhiên, đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định rút quy định này ra khỏi Dự thảo Nghị định lần thứ 6 chờ Thủ tướng Chính phủ có ý kiến. Tuy nhiên, vừa rút quy định này chưa được bao lâu, đến nay, Bộ Giao thông vận tải lại buộc phải bổ sung quy định này vào trong Dự thảo Nghị định.
Ý kiến bạn đọc