Hà Nội giải quyết vụ "siêu dự án" Tây Hồ Tây kêu cứu

07:58, 12/09/2013
|

(VnMedia) - Đánh giá kết quả thực hiện công tác GPMB Dự án Khu Tây Hồ Tây quá chậm, không đảm bảo tiến độ Thành phố đã chỉ đạo, Chủ tịch Thành phố đã xác định trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị...

>>Chủ đầu tư khu đô thị hiện đại nhất Đông Nam Á "kêu cứu"

 

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, kết quả thực hiện công tác GPMB Dự án Khu Tây Hồ Tây quá chậm, không đảm bảo tiến độ Thành phố đã chỉ đạo. Ngoài nguyên nhân khách quan như cơ chế chính sách, tồn tại lịch sử… thì Thành phố đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan. Đó là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội là đơn vị được giao quản lý tổng thể nhưng chưa bao quát được tổng thể công việc phải làm, đơn vị làm; bị động và lung túng trong việc chuẩn bị các điều kiện về hồ sơ pháp lý, về quỹ đất tái định cư.

 

Chủ tịch Thành phố cũng đánh giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất chưa quyết liệt, không đeo bám việc giải quyết các vướng mắc của các Sở, Ban, Ngành, của UBND cấp huyện, chưa thực hiện hết trách nhiệm đã cam kết khi thực hiện hợp đồng GPMB với Nhà đầu tư.. Trong khi đó, chính chủ đầu tư là công ty TNHH Phát triển THT cũng được cho là còn bị động, chưa phối hợp hiệu quả với UBND cấp huyện.

 

Để giải quyết những vướng mắc cụ thể, Chủ tịch Thành phố phân định, việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất trên địa bàn quận Tây Hồ, thẩm quyền giải quyết thuộc trách nhiệm của địa phương. Do vậy, UBND quận Tây Hồ phải chỉ đạo thực hiện, trường hợp còn có ý kiến chưa thống nhất thì phải giao cho Thanh tra kết luận làm rõ để làm cơ sở xác nhận theo quy định.

 

Đối với vướng mắc do lịch sử giao đất để lại, ông Thảo giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì xem xét, đề xuất giải quyết vướng mắc để lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp tại dự án, báo cáo kết quả với UBND Thành phố trước ngày 20/9.


 Ảnh minh họa

 Lễ động thổ Khu đô thị được tổ chức từ ngày 15/11/2012, tuy nhiên đến nay công tác GPMB vẫn chưa hoàn thành

  

Về chuẩn bị quỹ nhà tái định cư, đất tái định cư, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu dô thị mới Hà nội phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, xác định tổng thể nhu cầu phải bố trí cho dự án, hình thức tái định cư, tiến đội phải đáp ứng… để tổng hợp, đề xuất, chốt tiến độ cụ thể. Vấn đề này cũng phải báo cáo Thành phố trước ngày 20/9.

 

Liên quan đến việc di chuyển mộ, lãnh đạo Thành phố khuyến khích Nhà đầu tư có giải pháp hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình có mộ phải di chuyển, báo cáo UBND cấp huyện chấp thuận và thực hiện.

 

Chủ tịch Thành phố giao UBND các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, huyện Từ Liêm điều hành toàn diện và chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về kết quả, tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB của dự án trên địa bàn.

 

Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ chịu trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu vực trugn tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, trình UBND Thành phố phê duyệt trước ngày 15/9/2013.

 

Trước đó, như VnMedia đã đưa tin, Theo ông Lee Kwon Sang, TGĐ công ty TNHH Phát triển THT đã “kêu cứu” lên lãnh đạo Thành phố vì công tác GPMB dự án diễn ra quá chậm trong khi công ty này đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Nguyên nhân được ông Lee Kwon Sang chỉ ra là do Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố Hà Nội làm việc trì trệ, chưa tích cực, chủ động dẫn đến việc chậm trễ trong GPMB.

Trước tình hình trên, Công ty THT đã đề nghị Thành phố có sự chỉ đạo mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm có mặt bằng sạch triển khai dự án, đồng thời có cơ chế đặc thù để công ty có mặt bằng sạch nhanh chóng.

Hôm 27/8, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã yêu cầu Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm về sự chậm trễ trong công tác GPMB của dự án này, đồng thời giải trình rõ việc sử dụng nguồn kinh phí phục vụ công tác GPMB do Công ty TNHH Phát triển T.H.T đã chuyển cho Trung tâm.


Trước đó, theo quy hoạch của Khu đô thị, trong số 207,6ha sẽ có 89,65ha dành cho đường giao thông, đường dạo, công viên, cây xanh và hồ điều hòa. Hơn 25ha của dự án dành cho không gian mở phục vụ hoạt động công ích của Thành phố và xây dựng trụ sở mới các Bộ, ngành dự kiến di dời về đây.

 

Phần diện tích gồm 46ha dành cho các công trình thương mại, trung tâm tài chính, văn phòng và các công trình văn hóa, giáo dục như nhà hát Thăng Long, trường học các cấp. Riêng khu đất rộng 26ha với quy mô dân số khoảng 25.000 người, được quy hoạch đa dạng với các khu chung cư cao tầng, nhà liền kề và biệt thự.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc