(VnMedia) - Theo thống kê, các cặp kết hôn đồng tính hiện chỉ được hưởng 1/70 số lượng quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân so với những người khác giới.
Đó là con số được ban tổ chức đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến của cộng động người đồng tính, song tính và chuyển giới về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000.
Theo Ts Bùi Minh Hồng, đại diện Ban soạn thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi cho biết, dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình lần này có nhiều nội dung mới liên quan đến người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Một trong những vấn đề được những người đồng tính, song tính và chuyển giới quan tâm đó là việc kết hôn và chung sống như vợ chồng giữa những người đồng tính ngay từ đầu đã được đề cập, thảo luận trong dự thảo và tại các tổ biên tập.
Quá trình thảo luận, có 3 vấn đề chính được nêu ra: Đó là tình trạng phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Vấn đề có thừa nhận kết hôn đồng tính và chung sống như vợ chồng hay không?.
Về vấn đề phân biệt đối xử, đại diện Ban soạn thảo cho biết, cho đến nay trong xã hội đã có thay đổi trong việc đối xử với người đồng tính và các cặp đồng tính kết hôn với nhau. Quan điểm của các chuyên gia được đưa ra tại các cuộc hội thảo là thừa nhận việc chung sống như vợ chồng và xem là quyền của cá nhân và con người.
“Việc thừa nhận như vậy đã có nhiều thay đổi so với trước đây khi Luật Hôn nhân gia đình ra đời vào năm 2000. Thời điểm đó, việc kết hôn và chung sống giữa những người đồng tính bị coi là bệnh tật, xấu xa…và bị xã hội lên án. Nay đã được thừa nhận như một quyền sống, quyền của con người”, Ts Hồng nói.
|
Theo thông kê, các cặp kết hôn đồng tính đang chỉ được hưởng 1/70 quyền và nghĩa vụ so với các cặp bình thường. |
Tuy nhiên, trước vấn đề các cặp đồng tính quan tâm là liệu pháp luật có cho phép các cặp đồng tính kết hôn như những người khác giới hay không, Ts Hồng cho rằng, việc có cho phép đăng ký hay không vấn đề này cần phải có lộ trình chứ không thể thay đổi ngay một lúc.
Ông Hồng đưa ra dẫn chứng, hiện trên thế giới có 18 nước thừa nhận hôn nhân đồng tính. Tham khảo pháp luật các nước trên đều thấy rằng, họ đều giải quyết vấn đề này có lộ trình. Trước hết thừa nhận quyền chung sống, quyền sở hữu tài sản, sau đó mới thừa nhận quyền hôn nhân hợp pháp.
Ví dụ: tại Hà Lan quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính vào năm 1998, nhưng đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp giữa họ. Canada thừa nhận quyền chung sống giữa những người cùng giới tính vào năm 1999, đến năm 2005 mới thừa nhận. Còn tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng đã hợp pháp hoá quan hệ đồng tính vào năm 1997 (Trung Quốc) và 2009 (Ấn Độ)…
“Đa số các chuyên gia, ý kiến được đưa ra tại các cuộc hội thảo đều tán thành phương án không thừa nhận kết hôn đồng tính nhưng không căn thiệp vào đời sống vợ chồng của các cặp người cùng giới. Trên cơ sở như vậy, dự thảo về căn bản không thay đổi quy định đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, dự thảo bỏ quy định cấm kết hôn đồng tính và đưa ra quy định về tài sản, con cái giữa những người đồng tính chung sống như vợ chồng”, Ts Hồng cho biết.
Đề cập đến vấn đề kết hôn đồng tính với người nước ngoài, Ts Hồng cho biết, dự thảo không sửa đổi quy định so với trước đây, giữ nguyên quy định không cho phép kết hôn với người nước ngoài cùng giới tính ở Việt Nam.
“Mỗi bên phải tuân theo điều kiện của mỗi nước. Nếu kết hôn ở Việt Nam thì phải tuân theo điều khoản quy định của Việt Nam. Không thể kết hôn với người nước ngoài cùng giới tính ở Việt Nam. Trường hợp đã được kết hôn ở nước ngoài thì khi về nước cũng không được thừa nhận và di trú. Vấn đề này cũng xẽ xem xét giải quyết theo lộ trình và kinh nghiệm của Thế giới”, ông Hồng nói.
Trước những thông tin từ Ban soạn thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình đưa ra, đơn vị tổ chức hội thảo cho biết, theo thống kê tham khảo từ Luật Hôn nhân gia đình và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, chưa kể các quyền khác trong Bộ Luật dân sự, Bộ Luật Hình sự, pháp luật lao động…các cặp đồng tính chỉ được hưởng 1/70 số lượng quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân so với những người khác giới.
Cụ thể, trong 70 quyền và nghĩa vụ mà những người khác giới được hưởng thì các cặp đồng tính chỉ được hưởng một quyền duy nhất đó là: “Quyền giải quyết hậu quả quan hệ tài sản giữa các bên chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn”.
Mặc dù, hiện pháp luật mới thừa nhận 1/70 quyền và được “cởi trói” trong việc cấm kết hôn giữa những người đồng tính bằng cách không thừa nhận nhưng cũng không cạn thiệp vào đời sống vợ chồng nhưng phát biểu tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến đại diện cho những người chuyển giới tán thành với ý kiến của Ban soạn thảo là cần có bước đệm cho việc thừa nhận và cho phép những người đồng tính đăng ký kết hôn như người khác giới và coi đây là thời kỳ quá độ, chuẩn bị tư tưởng.
“Cảm xúc của tôi khi cầm dự thảo không còn cấm kết hôn đồng tính nữa tôi rất mừng. Đây là thay đổi lớn song bước đệm còn quá khiêm tốn so với một số nước trên thế giới đã cho phép kết hôn nhưng chỉ khác về tên gọi. Tuy nhiên tôi vẫn rất mừng. Hy vọng trong tương lai gần, pháp luật sẽ có nhiều thay đổi trong quy định với người đồng tính, song tính và chuyển giới”, Huy, một thành viên trong nhóm người chuyển đồng tính, song tính và chuyển giới chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc