Các cặp đôi đồng tính góp ý cho luật hôn nhân

20:16, 14/09/2013
|

(VnMedia) - Hội thảo sẽ có sự tham gia của 40 người đồng tính, đại diện cho cộng đồng LGBT tại khu vực miền Bắc, trong đó có những cặp đôi hiện đang chung sống với mong muốn có được sự bảo hộ của pháp luật….

>>
Người đồng tính Việt Nam, họ là ai?
>>Đại biểu Quốc hội lắng nghe người đồng tính
>>Hà Nội đề xuất tiếp tục cấm kết hôn đồng tính
>>Người đồng tính "phập phồng" chờ cơ hội kết hôn
 
Ngày 17/9 tới đây, nhóm 6+, nhóm hoạt động vì một hình ảnh tích cực của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) cùng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cộng đồng LGBT về những điều khoản liên quan đến quan hệ cùng giới được quy định trong dự thảo luật HN&GĐ do Chính phủ trình Quốc hội.
 
Theo đại diện của nhóm LGBT, hội thảo được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ những thông tin mới nhất với cộng đồng LGBT về nội dung dự án luật đệ trình liên quan đến mối quan hệ giữa hai người cùng giới tính.
 
Đặc biệt, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ thảo luận và lắng nghe ý kiến của cộng đồng LGBT về nội dung dự án luật liên quan đến cộng đồng LGBT
 
“Hội thảo sẽ mạnh dạn đưa ra các đề xuất tới Chính phủ và Quốc hội trong việc sửa luật liên quan đến LGBT, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử, được áp dụng triệt để trong Luật HN&GĐ” – đại diện của tổ chức LGBT cho biết.
 
Hội thảo sẽ có sự tham gia của 40 người đồng tính, đại diện cho cộng đồng LGBT tại khu vực miền Bắc, trong đó có những cặp đôi hiện đang chung sống với mong muốn có được sự bảo hộ của pháp luật.


 Ảnh minh họa

Một cặp đôi đồng tính chia sẻ tại một buổi hội thảo


Trước đó, Báo cáo giải trình của Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, theo quan điểm của Ban soạn thảo, hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Do đó, việc thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau với lộ trình, bước đi phù hợp. Trong hoàn cảnh ở nước ta hiện nay, Chính phủ cho rằng Nhà nước và pháp luật không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng Nhà nước cũng không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục; cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự và sự ổn định của xã hội.

Sau khi thẩm tra, Thường trực Ủy ban đã tán thành với quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính và thấy rằng, thời điểm này trong xã hội vẫn còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này, cơ quan soạn thảo cần tổng kết việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính, tiến hành khảo sát thực trạng người đồng tính tại Việt Nam, kinh nghiệm của các nước trong khu vực, các nước có các điểm tương đồng về truyền thống văn hóa với Việt Nam, đồng thời có đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý... đối với quy định trong dự thảo.

Cần tiếng nói của "người trong cuộc"

Trước đó, trong một buổi hội thảo, trao đổi với VnMedia, anh Lương Thế Huy, công tác tại viện iSEE cho rằng, dù chưa được như mong muốn thì sự thay đổi trong cách nhìn nhận của xã hội và đặc biệt là trong luật luôn là sự khích lệ đối với người đồng tính.

“Theo quan điểm cá nhân tôi cũng như tổ chức quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới thì cộng đồng sẽ cảm thấy được khích lệ đối với bất kỳ nỗ lực nào từ phía nhà nước nhằm thừa nhận và bảo vệ quyền của người đồng tính, cho dù nỗ lực đó là ít hay nhiều. Tuy nhiên, mong muốn của cộng đồng là đạt tới một sự bình đẳng cao và một sự thừa nhận tuyệt đối" - anh Huy nói.
 
Tuy nhiên, anh Huy cho biết, có một điều khiến anh băn khoăn, đó là, trong báo cáo có nói là cần phải nghiên cứu thêm và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, nhưng lại không nói đến việc lấy ý kiến của chính những người mà mình đang làm luật cho họ - cộng đồng người đồng tính.
 
"Từ trước đến nay, chỉ có những kiến nghị theo hướng một chiều từ cộng đồng người đồng tính hoặc từ các tổ chức bảo vệ cho người đồng tính gửi đi chứ chưa có một yêu cầu nào tham vấn ý kiến của người đồng tính. Ngay cả việc Ban soạn thảo lấy ý kiến của các tổ chức thì đó cũng là các tổ chức nhà nước, những người "bên ngoài". Trong khi đó, người làm luật phải hiểu rằng mình đang làm luật cho ai. Có thể mọi người đang nghĩ rằng, người đồng tính là những người đua đòi, nhưng thật sự họ có phải là những người như vậy không? Có người đồng tính bẩm sinh và người đồng tính giả không?... thì người làm luật cần phải hiểu rõ. cần phải biết rõ mong muốn và nguyện vọng của họ. Khi hai bên cùng bàn với nhau sẽ ra được một Luật thực sự phù hợp." - anh Huy bày tỏ. 
 
"Chúng ta vẫn hay nói rằng, cần đưa pháp luật vào cuộc sống. Nhưng còn một vế nữa, đó là đưa cuộc sống vào pháp luật. Nếu người làm luật thực sự hiểu được cuộc sống thì sẽ tạo ra được một luật có bóng hình, mong ước của những người liên quan trong đó”. - thành viên của cộng đồng LGBT nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc