(VnMedia) - Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, bão số 10 đã tăng lên cấp 9, giật cấp 11 và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh. Trong 24 giờ tới, bão có thể tăng lên cấp 11, giật cấp 13...
Hồi 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Nam và Tây Nam, di chuyển chậm lại mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 112,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Chiều 27/9, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã họp khẩn cấp nhằm đánh giá tình hình và đưa ra phương án phòng chống cơn bão số 10. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì cuộc họp.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, chiều nay, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung Ương đã họp bàn biện pháp ứng phó.
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng chiều và đêm 29/9, bão sẽ quét qua quần đảo Hoàng Sa với cường độ khoảng cấp 10, cấp 11, sau đó sẽ di chuyển với tốc độ nhanh hơn. Ông Tăng cũng cảnh báo, khả năng bão số 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vùng bờ biển của nước ta là rất lớn.
Điều đáng lo ngại là trong những ngày qua, các tỉnh khu vực Trung bộ đã có mưa to và rất to, khiến mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Tây Nguyên lên nhanh. Cùng với đó, các hồ chứa tại các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế mực nước đã tích từ 70- 100% thiết kế, các hồ chứa khu vực Tây Nguyên cũng đạt trên 80% thiết kế.
Thông báo vùng nguy hiểm, kêu gọi tàu thuyền
Để chủ động đối phó với cơn bão số 10, chiều nay, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ cần thông báo và hướng dẫn các phương tiện tầu thuyền hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Theo đó, vùng nguy hiểm của bão số 10 trong 24 giờ tới được xác định từ Bắc vĩ tuyến 14 độ và Nam vĩ tuyến 18 độ. Vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của bão.
Các địa phương cũng được yêu cầu tổ chức neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; tuyệt đối không để người trên tàu, thuyền khi có bão đổ bộ.
Các địa phương có phương án kiểm tra, rà soát, sẵn sàng sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng, chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại do bão có thể gây ra.
Các địa phương, Bộ, Ngành chỉ đạo, kiểm tra an toàn hồ, đập, đê điều, công trình đang thi công. Các hồ vận hành xả nước theo quy định để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, đồng thời hạn chế gây ảnh hưởng, thiệt hại cho vùng hạ du; chuẩn bị chống úng cho các diện tích có khả năng bị ngập úng.
Đối với các khu vực miền núi và các tỉnh Tây Nguyên, yêu cầu tổ chức điều hành đảm bảo an toàn giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; nghiêm cấm người vớt củi khi có lũ; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân ở các vùng có nguyc ơ cao xảy ra lũ quét, vùng sạt lở nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
Khu vực miền núi và các tỉnh Tây Nguyên cũng được yêu cầu kierm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình phòng chống lụt bão; các hồ vận hành xả nước theo quy định để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, đồng thời hạn chế gây ảnh hưởng, thiệt hại cho vùng hạ du; chuẩn bị chống úng cho các diện tích có khả năng bị úng.
Các địa phương, các Bộ, Ngành cần duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 16 giờ chiều 27/9, Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 32.796 phương tiện với 176.718 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Cụ thể, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa có 38 phương tiện với 349 người, khu vực quần đảo Trường Sa có 1.077 phương tiện với 11.430 người, khu vực khác và neo đậu tại bến có 31.681 phương tiện với 164.939 người.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc