(VnMedia) - Trong khi những cử chỉ, hành động thiếu văn hóa trên xe buýt khiến dư luận bức xúc thì cũng không ít những cử chỉ đẹp, những hành động rất có “tình” đã giúp người đi xe buýt cảm thấy ấm lòng…
những hành động đẹp không chỉ làm ấm lòng những hành khách “yếu thế” mà còn góp phần khuyến khích những người có điều kiện kinh tế, có trình độ văn hóa cao dần yên tâm chuyển sang đi xe buýt, một phương tiện của thời đại văn minh. |
Những năm gần đây, xe buýt đã trở thành một phương tiện đi lại quen thuộc của người Hà Nội, đặc biệt là sinh viên, người nghèo, các bác hưu trí… Tuy nhiên, chuyện ứng xử với hành khách của một số lái, phụ xe không ít lần khiến dư luận bức xúc. Đã có không ít vụ việc được báo chí đăng tải, cộng thêm với nhiều lời phàn nàn trên các diễn đàn, mạng xã hội… càng khiến cho các cánh lái, phụ xe buýt bị ác cảm.
Tuy nhiên, phải công bằng mà nói, nhiều lái, phụ xe buýt cũng đã có những cử chỉ khiến hành khách đi xe cảm thấy ấm lòng.
Chị Thúy (Trung Hòa, Nhân Chính) cho biết, hàng ngày, chị đều phải ra đường Trần Duy Hưng bắt xe buýt lên khu vực chợ Đồng Xuân để bán hàng. Với chị, xe buýt đã trở thành phương tiện quen thuộc, còn lái và phụ xe cũng trở thành… người thân. “Hiện nay tôi đang mang thai đến tháng thứ 7. Mấy tháng qua, cứ khi nào thấy tôi lên xe, các anh bán vé lại ân cần xếp chỗ ngồi cho tôi. Gặp khi đông khách, các anh ấy lại nhắc nhở mấy cô cậu thanh niên nhường chỗ. Những cử chỉ như vậy làm tôi thấy rất yên tâm khi đi xe buýt” - chị Thúy nói.
Trên các trang mạng xã hội, cũng đã có nhiều lời khen dành tặng cho những người làm việc trên các tuyến xe buýt. Xuân Hưng, một “tân Amser” cho biết, hàng ngày em đều phải đi về bằng xe buýt và em thấy rằng, tuy xe lúc nào cũng đông hành khách nhưng các bác lái xe và các chú bán vé đều rất vui vẻ, hòa nhã. Điều này khiến cho em cảm thấy thích đi xe buýt hơn là phải còng cọc đạp xe 4 km từ Ngọc Khánh đến trường và ngược lại, từ trường về nhà.
Mới đây, VnMedia nhận được một bức thư rất cảm động của một độc giả, trong đó tâm sự: “Trước đây khi còn đi làm, tôi thường có xe đưa đón. Lúc mới về hưu, khi cần đi đâu, nếu không có con cái đưa đi thì tôi gọi taxi. Mấy ông bạn già của tôi bảo: sao ông không đi xe buýt? Tôi rất ngại ngần vì thường nghe nói văn hóa trên xe buýt không được ổn lắm. Thế rồi, một lần tôi quyết định sẽ “mạo hiểm” trên tuyến xe 50. Thật không may, ngay lần đầu tiên ấy, vì không chuẩn bị trước nên tôi không có tiền lẻ. Lúc cầm tờ tiền 500.000 đưa ra, tôi rất ngại và đã chuẩn bị sẵn tinh thần “ăn mắng”. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi anh bán vé trong lúc xé vé đưa cho tôi đã ghé tai nói nhỏ: “Bác cứ cầm lấy vé, hôm khác đi rồi trả cháu cũng được”. Lúc xuống xe, anh ấy còn nhắc nhở: Bác cứ từ từ thôi, cẩn thận kẻo ngã! Hành động đó khiến tôi rất cảm động và mọi sự nghi ngại khi đi xe buýt đã tan biến. Từ đó, xe buýt trở thành phương tiện ưa thích của tôi, vừa không phải phiền hà con cháu, vừa thoải mái ngắm cảnh thành phố, mà lại không… tốn tiền. Đi nhiều, quan sát nhiều, tôi thấy các chú lái xe rất tâm lý. Những hôm trời mưa ngập, các chú ấy đỗ xe ghé sát vào vỉa hè nên hành khách lên, xuống không phải lội xuống nước. Có lần, khi trời mưa bất ngờ, tôi còn thấy chú phụ xe lấy ô che cho một bà mẹ trẻ bế con nhỏ đi vào trú mưa ở hè phố rồi mới quay lại xe. Dù bị chậm một phút nhưng hành khách không ai phàn nàn mà đều có ấn tượng tốt với chú bán vé đó.”
Tuyến xe buýt 50 chỉ là một trong rất nhiều tuyến xe buýt ở Hà Nội và trên đây cũng là một số rất ít những việc làm, những cử chỉ tốt đẹp của đội ngũ những người lái xe và phục vụ trên xe buýt. Những hành động tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn bởi hiện tại, phần lớn những người đi xe buýt là những người nghèo, sinh viên hoặc các bác hưu trí. Những cách hành xử không đẹp sẽ khiến họ cảm thấy mặc cảm vì cho rằng mình “bị khinh”, không có tiền mới đi xe buýt. Tuy nhiên, những hành động đẹp không chỉ làm ấm lòng những hành khách “yếu thế” này mà nó còn góp phần khuyến khích những người có điều kiện kinh tế, có trình độ văn hóa cao dần yên tâm chuyển sang đi xe buýt, một phương tiện của thời đại văn minh.
Ngọc Quỳnh
Ý kiến bạn đọc