(VnMedia) - "Treo" lơ lửng ở độ cao 94m (cao hơn mặt đường khoảng hơn 80m), với 13 triệu m3 nước, hồ Xạ Hương (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đang được ví như một “quả bom nước” khổng lồ, có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào nếu xảy ra mưa vượt tần suất...
13 triệu m3 nước treo lơ lửng
Có mặt tại đập Xạ Hương - một con đập đất có độ cao thân đập thuộc loại lớn nhất cả nước, khi Bắc Bộ vừa thoát cơn siêu bão số 7 và đang phập phồng lo mưa lũ của hoàn lưu sau bão, chúng tôi đặc biệt chú ý đến những cây cờ đỏ cắm chi chít ở thân đập. Vừa chỉ những cây cờ, anh Chính, một công nhân vận hành tại đập cho biết, đó là những nơi đánh dấu có hiện tượng thấm nước, một hiện tượng cực kỳ nguy hiểm đối với một con đập đất.
Những cây cờ cắm chi chít đánh dấu nơi thân đập bị rò rỉ nước |
Theo anh Chính, lúc bình thường, đất khô nên liên kết với nhau rất rắn chắc. Tuy nhiên, khi bị thấm, nó sẽ nhão ra như bùn và chảy sệ xuống. Khi đó, bản thân con đập cũng không chịu được sức nặng của chính nó chứ chưa nói đến việc chịu áp lực nước lên thân đập.
Lúc này, trời vẫn đang nắng gay gắt nhưng mực nước bên trong hồ Xạ Hương đang được giữ ở mức thấp tối thiểu để phòng đợt mưa sắp tới. Phía bên dưới, mênh mông màu xanh của những cánh đồng lúa và những làng mạc dân cư đang sinh sống yên bình. Tuy nhiên, đối với họ, nỗi lo phập phồng về “quả bom nước” Xạ Hương lại luôn là nỗi lo thường trực, nhất là từ sau khi họ chứng kiến trận đại hồng thủy vào cuối tháng 10 năm 2008.
Trao đổi với phóng viên, ông Văn Đăng Khánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo - đơn vị chịu trách nhiệm vận hành hồ Xạ Hương cho biết, hồ được khởi công xây dựng từ năm 1977 và đưa vào sử dụng năm 1984. Với dung tích khoảng 13 tiệu m3 nước, hồ Xạ Hương được ngăn với hạ lưu bằng một con đập đất - một trong những đập cao nhất ở Việt
Trong khi đó, phía hạ lưu của đập cận kề thành phố Vĩnh Yên, các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh; nhà máy hóa chất 95 của Bộ Quốc phòng; khu vực phòng thủ, các công trình quốc phòng, anh ninh của Quân khu 2 và khoảng 60.000 dân đang sinh sống.
Khoảng 60.000 người với rất nhiều công trình quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc đang nằm bên dưới con đập đất đã lão hóa sau 30 năm vận hành mà không được sửa chữa, nâng câp |
Và nỗi lo “quả bom nước”
Theo ông Khánh, mặc dù là công trình trọng điểm phòng chống lụt bão hàng năm của tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đến nay, sau 30 năm vận hành và sử dụng, hồ Xạ Hương không hề được sửa chữa, nâng cấp nên đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, đập đất xuất hiện hiện tượng bị thấm, cống lấy nước bị rò rỉ nhưng chưa được khắc phục. “Mái hạ lưu đập xuất hiện thấm nhiều, nước chảy thành dòng trong rãnh nước. Qua khảo sát, công ty cho khoan 3 lỗ khoan cho thấy trong thân đập có nhiều lỗ rỗng, khe nứt. Đập Xạ Hương không còn đảm bảo an toàn khi trữ nước ở cao trình mực nước dâng bình thường (+91,5m)” - ông Khánh lo lắng nói.
Ông Chính: Nước thấm lâu ngày trong thân đê là một hiện tượng rất nguy hiểm |
Theo ông Khánh, đây là đập đất động chất không có tường, không có lõi chống thấm bên trong đập (như đập Hòa Bình), khi bị thấm xuống hạ lưu, nó sẽ làm lớp đất đắp bị bão hòa nước, trở thành bùn, không còn khả năng chống lại áp lực nước từ trên xuống.
“Chị cứ tưởng tượng, cao trình mực nước thiết kế +91,50, trong khi Hà Nội cao trình là +6 đến +8, Vĩnh Yên là +9. Tức là mực nước hồ cao hơn mặt đường dưới hạ lưu khoảng trên 80m. Đập đất cũng cao 42m. Với lượng nước như vậy, độ cao như vậy nên nếu có sự cố là rất nguy hiểm. Dân ở đây họ gọi hồ này là quả bom nước. Nếu vỡ thì “phụt một cái” là trôi hết ngay, từ nhà cửa, cây cối đến con người hay các công trình đường xá cầu cống... Vỡ đập còn kinh khủng hơn vỡ đê. Khi đó phải gọi là thảm họa chứ không còn là thiệt hại nữa” - ông Khánh mô tả.
Chỉ cần mưa vượt tần suất, hồ Xạ Hương sẽ biến thành một quả bom nước dội xuống phía hạ lưu |
Tiếp xúc với phóng viên, ký ức kinh hoàng về trận mưa lịch sử năm 2008 vẫn còn in đậm trong tâm trí người đứng đầu công ty vận hành hồ Xạ Hương. Ông Khánh kể rằng, hồi năm 1994, do lũ lớn, cánh tràn của đập đã bị gãy. Khi trận mưa lũ xuất hiện từ ngày 31/10/2008 đến ngày 8/11/2008, mực nước hồ tăng nhanh trong thời gian ngắn. “Mặc dù cánh tràn đã mở hết nhưng có thời điểm mực nước hồ lên đến cao trình +93,7m, gây nguy hiểm cho công trình đầu mối, đe dọa tính mạng, tài sản và nhân dân vùng hạ du. Chúng tôi đã phải kéo hết cỡ cánh cống để xả nước.” - ông Khánh nhớ lại.
Vào thời điểm đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã phải huy động 2 trung đoàn bộ đội để ứng cứu và chuẩn bị phương án di dời dân. Cũng may mà không xảy ra sự cố nguy hiểm.
“Cứ vào mùa mưa là chúng tôi mất ăn mất ngủ bởi chỉ cần mưa vượt tần suất là có thể xảy ra sự cố. Trước khi bão đến là phải xả đệm. Mấy cơn bão trước chúng tôi đã xả nước đến ngưỡng tràn, gần như xả hết. Tuy nhiên, vừa rồi nước dưới hạ lưu ngập quá nên đồng chí Chủ tịch tỉnh yêu cầu đóng bớt cửa cống lại cho dân đỡ khổ. Hồi năm 2008, khi nước ngập dưới hạ lưu quá nặng, đồng chí chủ tịch tỉnh cũng đích thân yêu cầu chúng tôi đóng bớt cửa xả lại nhưng tôi không đồng ý. Nếu đóng lại, nước hồ dâng lên tràn mặt đập thì cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ vỡ đập là rất cao” - ông Khánh kể thêm.
Đứng trên đỉnh của con đập ở độ cao +94m, nhìn xuống dưới hạ lưu nơi có khoảng 60.000 người dân đang sinh sống, ai cũng phải rùng mình tự hỏi: nguy hiểm như vậy mà tại sao cho đến giờ này, con đập vẫn chưa được nâng cấp, sửa chữa? Trong tình hình biến đổi khí hậu, mưa bão bất thường như hiện nay, liệu ai dám đảm chắc chắn rằng sẽ không có một thảm họa xảy ra?
Kỳ sau: 70 tỷ đồng và sinh mạng 6 vạn dân
Ý kiến bạn đọc