Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Nếu thiệt hại về người, ăn nói thế nào với dân?”

21:25, 29/08/2013
|

Lo ngại những “quả bom nước” đe dọa hàng triệu dân cư sinh sống ở vùng hạ du, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải kiểm soát, kiểm tra gay gắt hơn vì “mấy sự cố đập vừa rồi không thiệt hại về người, nếu không thì ăn nói thế nào với dân?”...


>>Vĩnh Phúc: Rùng mình lo thảm họa "quả bom nước"
>>6 vạn dân sống trong lo sợ chờ 70 tỷ
 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quán triệt: Bảo đảm an toàn hồ chứa có tầm quan trọng đặc biệt, vì bên cạnh việc cung cấp năng lượng, điều tiết nước chống lũ lụt, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, mỗi hồ chứa với hàng triệu m3 nước, nếu thiếu an toàn, sẽ là những “quả bom nước” đe dọa hàng triệu dân cư sinh sống vùng hạ du.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương tiến hành các biện pháp quản lý mới nhằm thay đổi triệt để tình hình an toàn hồ đập hiện nay.

 

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng nay, 29/8, một thực trạng đáng báo động về nguy cơ mất an toàn ở các hồ chứa quy mô nhỏ đã được nhiều cơ quan quản lý và các địa phương phản ánh sau khi một số sự cố xảy ra.

 

Trong 5 năm qua, nhiều sự sự cố vỡ đập hồ đã xay ra như vụ vỡ đập hồ Z20, Khe Mơ, Vàng Anh (Hà Tĩnh), Khe Làng, 271 (Nghệ An), sạt lở mái hạ lưu hồ Vưng (Hoà Bình), Bà Râu (Ninh Thuận), sụt lún tại thân đập Bản Muông (Sơn La), Hoàng Tân (Tuyên Quang);với thuỷ điện là công trình Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông, thuỷ điện Đăm Bol-Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực, thuỷ điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum) vỡ đập khi thi công, thuỷ điện Ia Krel 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước, thuỷ điện Ea Súp 3 (Đăk Lăk) bị vỡ bể áp lực trong quá trình chạy thử.

 

Báo cáo của 4 Bộ chức năng là: NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cũng như phản ánh trực tiếp từ các địa phương cho biết, trong số gần 7.000 hồ các loại, hiện cả nước có 317 hồ thuỷ lợi bị hư hỏng công trình đầu mối, chủ yếu tập trung vào nhóm hồ chứa nhỏ có dung tích trữ dưới 3 triệu m3 hoặc chiều cao đập nhỏ hơn 15m là các đập còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đối với thuỷ điện, các nhà máy có công suất lắp máy dưới 30 MW, nhiều dự án chưa thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập như kiểm định, cắm mốc chỉ giới, phương án bảo vệ, phương án phòng chống lụt bão...


 Ảnh minh họa

 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị

 

Phải lo an nguy tính mạng nhân dân

 

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quán triệt: Bảo đảm an toàn hồ chứa có tầm quan trọng đặc biệt, vì bên cạnh việc cung cấp năng lượng, điều tiết nước chống lũ lụt, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, mỗi hồ chứa với hàng triệu, hàng tỷ m3 nước, nếu thiếu an toàn, sẽ là những “quả bom nước” đe dọa hàng triệu dân cư sinh sống ở vùng hạ du. Các sự cố hồ chứa thời gian qua là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ đối với thực trạng này.

 

“Nhiều nơi hiện nay còn thiếu quan tâm đúng mức vấn đề an toàn hồ đập. Trong khi các hồ lớn, các dự án thuỷ điện lớn được quản lý tốt hơn, vì chủ đầu tư cũng như các đơn vị xây dựng chuyên nghiệp, cơ quan quản lý quan tâm hơn, thì công tác chuẩn bị đầu tư, thi công, vận hành các hồ nhỏ, cả thuỷ điện và thuỷ lợi, rất có vấn đề, nhất là nguy cơ xảy ra sự cố. Nếu không có giải pháp với các hồ dưới 3 triệu m3, thủy điện công suất dưới 30 MW hoặc đập cao dưới 15m là có thể phải trả giá. Vì vậy, cần kiên quyết xử lý để thay đổi tình trạng này”, Phó Thủ tướng phân tích.


Phó Thủ tướng cũng nêu những sai phạm "không thể chấp nhận được" về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với an toàn hồ đập. Cụ thể là: Đã quy định rõ trước khi đưa vào vận hành hồ chứa phải có quy trình vận hành và phải trình địa phương thông qua, nhưng hiện còn 26 hồ chưa có. Tương tự, 38 hồ khác chưa đăng ký an toàn đập; 55 hồ chưa có báo cáo an toàn đập; 64 hồ chưa có phương án bảo vệ đập; 51 hồ không có phương án phòng chống lụt bão; 94 hồ không có cắm mốc chỉ giới an toàn dưới hạ du; 32 hồ không kiểm định an toàn hồ; 119 hồ chưa có hệ thống quan trắc đập.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, các bộ, ngành và địa phương tuỳ theo phân cấp quản lý, gọi từng “ông chủ” hồ, đập nói trên lên lập biên bản sai phạm, đồng thời yêu cầu khắc phục ngay, nếu không, sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động.

 

“Mấy sự cố đập vừa rồi không thiệt hại về người, nếu không thì ăn nói thế nào với dân? Công tác quản lý thế này “hiền” quá, phải kiểm soát, kiểm tra gay gắt hơn, vì đây là vấn đề liên quan đến an toàn tính mạng người dân”, Phó Thủ tướng quán triệt.

 Ảnh minh họa

Hồ Xạ Hương -  một "quả bom nước" ở Vĩnh Phúc

 

Thay đổi triệt để trong quản lý đầu tư, xây dựng

 

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương tiến hành các biện pháp quản lý mới nhằm thay đổi triệt để tình hình hiện nay.

 

Theo đó, trước mắt, các cơ quan, địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, một mặt đảm bảo mục tiêu xây dựng thêm các hồ chứa theo nhu cầu, mặt khác, thanh lọc những dự án, nếu thấy không hiệu quả, không khả thi, không bố trí được các phương án di dân, tái định cư thì kiên quyết dừng.

 

Tiến hành các biện pháp nâng cao năng lực các tổ chức tư vấn, thiết kế, Ban Quản lý dự án và đưa ra tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với các công việc đặc thù liên quan tới vấn đề an toàn.

 

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương làm đầu mối thông tin, rà soát an toàn về các hồ chứa cả thuỷ điện, thuỷ lợi hằng năm để có các quyết định kịp thời trước mùa mưa lũ. Ban Chỉ đạo PCLB địa phương cũng chịu trách nhiệm tương tự trên địa bàn.

 

“Đặc biệt, tiến hành kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, có thể thuê chuyên gia, cơ quan chuyên môn. Đảm bảo ở cấp cơ sở từ tháng 4 hằng năm, trước mùa lũ phải có được đánh giá bao nhiêu hồ, những hồ nào đảm bảo yêu cầu, hồ nào có vấn đề, hồ nào đã xử lý, rồi báo cáo, ký kết chịu trách nhiệm chứ không chung chung được. Chúng ta chỉ “quên” một hồ là có khi phải trả giá ngay”, Phó Thủ tướng lưu ý.

 

Xác định đây là vấn đề hệ trọng, Phó Thủ tướng cho biết sẽ có dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về quản lý an toàn hồ đập để thống nhất hành động, thể hiện được quyết tâm đảm bảo sự an toàn hồ đập cho dân, an tâm cho người dân.


(chinhphu.vn)

Ý kiến bạn đọc