(VnMedia) - Chiều tối 5/8 sau khi điều tra nguyên nhân vụ lật tàu trên sông Cần Giờ khiến 9 người tử nạn, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có báo cáo nêu ra hàng loạt yếu tố không đảm bảo an toàn của chiếc tàu bị lật.
Xung quanh vụ lật tàu H29 trên vùng biển Cần Giờ làm 9 người chết, chiều tối ngày 5/8, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, trước đây đơn vị này đã từng từ chối đăng kiểm cho chiếc tàu này.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau vụ tai nạn xảy ra, đơn vị này đã tiến hành thu thập, xem xét các tài liệu và thông tin về công tác đăng kiểm tàu. Từ kết quả thu thập được, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định trước đây đã không thực hiện đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cho tàu H29BP.
Lý giải về việc không đăng kiểm cho tàu H29, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, ngày 13/8/2012, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được thư điện tử của Tổ chức Đăng kiểm Séc (CS Lloyd) đề nghị hợp tác trong lĩnh vực đăng kiểm tàu thủy. Sau khi trao đổi thống nhất, ngày 25/9/2012, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổ chức CS Lloyd và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc. Tại buổi làm việc, CS Lloyd và Công ty Việt Séc giới thiệu về công nghệ chế tạo và đăng kiểm tàu đóng bằng vật liệu PPC (Vật liệu nhiệt dẻo- PV).
CS Lloyd khẳng định đã có đủ tiêu chuẩn, quy phạm phục vụ cho việc đóng loại tàu này và công tác đăng kiểm của họ được Cộng đồng Châu Âu (EC) công nhận. CS Lloyd đồng ý cung cấp cho Cục Đăng kiểm Việt Nam các tiêu chuẩn, quy phạm dùng cho đóng tàu PPC. Tuy nhiên, đến ngày 4/11/2012, CS Lloyd chỉ gửi được hướng dẫn T-202 của tổ chức này về “Vật liệu và hàn vật liệu phi kim loại - nhựa”, không có các tiêu chuẩn và quy phạm cần thiết.
Chiếc tàu bị lật được tìm thấy trên biển Cần Giờ. Ảnh: VnExpress. |
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau đó, đơn vị này đã tìm hiểu từ các tổ chức đăng kiểm hàng đầu trên thế giới và được biết các tổ chức đăng kiểm này đều không có tiêu chuẩn, quy phạm đóng tàu bằng vật liệu PPC.
Tiếp đến, ngày 17/6/2013, Công ty Việt Séc có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho 2 tàu biển bằng PPC do công ty này sản xuất theo mẫu H790 (sức chở 12 người) dựa trên các hồ sơ kiểm tra chứng nhận do CS Lloyd cấp. Sau khi xem xét các hồ sơ liên quan do Công ty Việt Séc cung cấp, và kết quả buổi làm việc giữa đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam với Công ty Việt Séc, Cục Đăng kiểm nhận thấy, tàu H790 được đóng không có thiết kế do Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định; không có tiêu chuẩn về vật liệu và kết cấu thân tàu để thiết kế và đóng tàu; không có sự giám sát kỹ thuật của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong quá trình đóng tàu.
Thêm vào đó, CS Lloyd tự ý tổ chức giám sát đóng tàu tại Việt Nam mà không thông báo cho Cục Đăng kiểm Việt Nam; Hồ sơ đăng kiểm do CS Lloyd cấp cho tàu sơ sài, không chứng tỏ tàu đáp ứng thỏa mãn các quy định về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của Việt Nam. Mặt khác, tàu H790 được CS Lloyd chứng nhận là phương tiện vui chơi giải trí, không thỏa mãn công dụng thực tế của tàu.
Trước tình trạng trên, ngày 4/1/2013, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi Công ty Việt Séc thông báo những vấn đề chưa phù hợp trong việc đóng mới và đăng kiểm tàu bằng vật liệu PPC; đồng thời đề nghị công ty này cung cấp thêm các tài liệu liên quan để phục vụ cho việc đăng kiểm tàu H790 theo quy định. Tuy nhiên, cho đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định vẫn chưa nhận được phản hồi từ Công ty Việt Séc.
Tiếp đó, ngày 22/7/2013, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi CS Lloyd đề nghị họ dừng hoạt động giám sát kỹ thuật đóng tàu tại Việt Nam. Cùng ngày, CS Lloyd đã có thư trả lời là không tổ chức đăng kiểm nào trên thế giới có quy phạm về tàu đóng bằng vật liệu PPC; họ chỉ sử dụng Hướng dẫn T-202 và một số tiêu chuẩn về nhựa nói chung của châu Âu (không phải tiêu chuẩn chuyên dùng cho đóng tàu) phục vụ cho việc đăng kiểm tàu đóng mới bằng vật liệu PPC. Vì vậy, với các tiêu chuẩn như vậy không đủ để thực hiện việc đăng kiểm tàu trong đóng mới.
“Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, tàu bị tai nạn H29BP được Đăng kiểm Hải quân cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, và tàu này khác với mẫu tàu H790 mà Công ty Việt Séc đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng kiểm”, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao khẳng định.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Việt Nam, tàu biển phải được thiết kế và đóng theo các tiêu chuẩn và quy phạm được công nhận; trong đó đặc biệt quan trọng là tiêu chuẩn về vật liệu và quy cách kết cấu thân tàu. Nhưng đối với PPC, hiện nay chưa có tiêu chuẩn này. Trong trường hợp tàu đóng bằng vật liệu phi truyền thống (tức là chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật được công nhận), IMO cho phép áp dụng phương pháp thiết kế dựa trên rủi ro.
Thực chất của phương pháp này là quá trình nghiên cứu và thử nghiệm lâu dài, ứng dụng nhiều phương pháp lý thuyết và thực tiễn khác nhau, nhằm xác định tất cả các rủi ro mà tàu dự kiến đóng có thể gặp phải trong quá trình đóng mới và hoạt động (cháy, nổ, đâm va, mắc cạn, mất ổn định, chìm đắm, vật liệu bị lão hóa, không đủ sức bền, không chịu được môi trường biển, không có khả năng chống cháy, nguy hại với sức khỏe và môi trường, …), để từ đó có các biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho tàu, người sử dụng và môi trường.
“Đối với vật liệu PPC, chúng ta chưa có điều kiện để thực hiện phương pháp thiết kế này. PPC là vật liệu nhẹ, khác với các loại vật liệu đóng tàu truyền thống, nên trong thiết kế tàu cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến tính ổn định, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu”, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định.
Trước đó, tối 2/8, tàu khách H29 chở 30 công nhân, chuyên gia của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu. Khi đi qua sông Soài Rạp (Cần Giờ, TP HCM), tàu được cho là gặp sóng lớn và bị chìm. 21 người được cứu, 9 người mất tích.
Ý kiến bạn đọc