Không chiến đấu trực diện với kẻ thù như lực lượng quân sự, các chiến sĩ ngành giao bưu vận chỉ đảm bảo đưa, đón khách, vận tải vũ khí, hàng hóa, công văn và tài liệu an toàn. Thế nhưng, khi đụng địch, họ đã mưu trí lập nhiều chiến công. Trong cuộc chiến ấy đã có không ít đồng chí đã hy sinh anh dũng.
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Ban Giao bưu vận được thành lập từ ngày 20/6/1962 theo Quyết định của Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Trần Nam Trung, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục ký. Ngay từ khi ra đời, ngành giao bưu vận đã nhận những nhiệm vụ nặng nề nhất và cũng là giai đoạn cuối cùng của một ngành chuyên môn phục vụ lãnh đạo kháng chiến và giành được nhiều kết quả đáng tự hào.
Trong đó, từ năm 1966 đến 1970, ngành Giao bưu vận nhập vào Bộ Tư lệnh Miền thành Phòng Giao bưu trực thuộc Cục Tham mưu (J14). Lực lượng Phòng Giao bưu đã chiến đấu hàng trăm trận trên những cung đường, hành lang, các trạm, loại khỏi vòng chiến đấu trên 2.500 tên địch, bắt sống trên 150 tên, phá hủy 10 xe tăng, bắn rơi, phá hủy 16 máy bay các loại, bắn chìm 13 tàu chiến, diệt 5 đồn bót, bức rút 25 đồn bót khác của địch.
Để có được những chiến công đó, hàng ngàn chiến sĩ ngành giao bưu vận đã ngã xuống khi tuổi đời mới đôi mươi. Đơn cử như trường hợp của chiến sĩ Nguyễn Văn Minh, trong một lần được phân công dẫn đoàn khách gồm 90 người các tỉnh và hàng trăm đồng bào cư trú tránh khu vực địch càn quét về Khu 8 dự họp vào năm 1963. Minh đã hội ý chớp nhoáng và thống nhất với đồng chí Trạm trưởng cho phân tán khách và dân để bảo vệ. Lúc này, Minh cùng hai chiến sỹ giao liên đánh lạc hướng địch và nổ súng cho lộ mục tiêu thu hút hỏa lực địch về phía mình. Đoàn xe địch từ dàn hàng ngang đã chuyển thành vòng vây bao vây tổ giao liên. Minh bắn liền hai quả “bê-ta” vào đoàn xe địch. Địch bắn trả dữ dội vào tổ giao liên.
Chiến đấu giằng co đến khi hết đạn và bị thương nặng, Minh cố lấy hết sức bẻ gãy nòng súng Thomson và hô to “Hồ Chủ Tịch muôn năm” rồi anh dũng hy sinh. Địch bỏ mạng tại chỗ 6 tên. Đoàn cán bộ và nhân dân được an toàn. Năm ấy liệt sỹ, đảng viên Nguyễn Văn Minh mới 19 tuổi và được tuyên dương Chiến sỹ thi đua và truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Giao bưu vận đi công tác trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. |
Khác với đồng chí Minh bảo vệ khách, đồng chí Minh Đức (tức Mười Ba) tham gia bảo vệ Đội vận tải hàng chiến lược của trạm B23 và cũng hy sinh anh dũng. Đó là vào rạng sáng ngày 25/7/1966, khi đồng chí Minh Đức đi công tác về cách đơn vị khoảng 500 mét thì đụng biệt kích Mỹ. Cuộc chiến đấu nổ ra, Đức bị đạn bắn thương nặng. Thấy vậy, đồng chí Phạm Thanh Dân (sau này là Trưởng Ban Bảo vệ Bưu điện TP Hồ Chí Minh, đã nghỉ hưu) đã đến đỡ đồng đội để kiểm tra vết thương thì Đức thì thào: “Trái lựu đạn tôi đã rút chốt sẵn cài dưới người, hãy cẩn thận… Tiền đảng phí tôi để trong bòng nhớ lấy đóng giùm…”. Khi anh Dân định xé áo Đức để băng bó vết thương thì Đức ngăn lại nói: “Cái áo tôi mới lãnh hồi chiều, để lại cho anh em mặc” rồi ra đi.
Cũng ở tuổi đời còn khá trẻ nhưng Võ Văn Hai đã tham gia công tác của Ban Giao bưu vận khu 6 và mưu trí trước những tình huống khó khăn. Đầu năm 1967, khi nhận lệnh chuyển thư “hỏa tốc” giao liên Võ Văn Hai không may bị lọt vào ổ phục kích của biệt kích Mỹ tại cung đường Hồng Lam - Hồng Chính. Chúng bắn Hai bị thương nhưng em đã nhanh trí vùi tài liệu xuống cát. Thấy Hai còn nhỏ tuổi lại bị thương nên chúng bắt sống. Hai nắm chặt quả lựu đạn được rút chốt sẵn chờ bọn chúng đến gần và ném tiêu diệt gần 10 tên địch và Hai anh dũng hy sinh khi mới 16 tuổi. Những tên thoát chết điên cuồng, dã man lôi xác Hai chặt đầu cắm trên ngọn cây, còn xác em chúng ném xuống hầm dông. Thương tiếc và cảm phục sự gan dạ, dũng cảm của em, đồng bào đã tìm đầu và xác Hai ráp lại chôn cất tử tế.
Bước đường vinh quang
Ngày 30/4/1975, Tiểu Ban tiếp quản Bưu điện Sài Gòn của chế độ cũ gồm: Ban Giao bưu, Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Trần Văn Thâm – Phó Ban Giao bưu Trung ương Cục miền Nam phụ trách đoàn tiếp quản.
Như vậy, trải qua 13 năm (1962 - 1975), Ban Giao bưu vận Trung ương Cục miền Nam đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa phục vụ chiến trường, trong đó có cả vàng, ngoại tệ các loại. Đưa rước hàng triệu lượt cán bộ, bộ đội, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục, các Khu, Tỉnh và khách quốc tế đi lại an toàn.
Trong đó, toàn ngành Giao bưu vận miền Nam đã có gần 5000 liệt sỹ và 20 đơn vị Giao bưu - Thông tin và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Điều này cũng đã nói lên được tính ác liệt và tinh thần chiến đấu quả cảm của cán bộ, chiến sỹ Giao bưu vận miền Nam.
Khi chiến tranh qua đi, những chiến sĩ Ban Giao bưu còn sống năm ấy lại trở về với những công việc giản dị của mình như công tác tại Bưu điện TP.HCM, các Bưu điện tỉnh, thành và các đơn vị của ngành Bưu điện. Một số khác chuyển sang công tác tại các ngành “tay trái”, cùng góp sức xây dựng đất nước sau hòa bình thống nhất.
Những chiến công vẻ vang của Ban Giao bưu vận đã góp phần hun đúc nên truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Sáng tạo - Nghĩa tình”, tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của ngành Bưu điện. Tiếp nối truyền thống đó, bước vào thời kỳ Đổi mới, ngành Bưu điện đã làm nên kỳ tích tăng tốc phát triển, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, xây dựng mạng lưới BCVT Việt Nam hiện đại, đồng bộ, ngang tầm thế giới, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận là ngành đi đầu trong sự nghiệp Đổi mới.
Ý kiến bạn đọc