Hà Nội sẽ chống ngập như thế nào nếu siêu bão đổ bộ?

12:08, 13/08/2013
|

(VnMedia) - Theo đánh giá, bão Utor có xác suất đổ bộ lớn vào đất liền Trung Quốc nhưng vẫn có 30% khả năng đi vào phía bắc vịnh Bắc Bộ và gây mưa lớn sau bão. Trong trường hợp xấu, nếu  mưa lớn xảy ra, Hà Nội sẽ chống ngập như thế nào?.

>>Hà Nội đổ tiền chống ngập có hiệu quả?
 
Cơn bão số 6 vừa qua, tuy không đổ bộ trực tiếp vào Hà Nội nhưng đã gây mưa lớn kéo dài gần 2 ngày, khiến hàng loạt tuyến phố của Hà Nội bị ngập sâu. Không chỉ gây ngập úng cho các quận, huyện nội thành, tại các huyện ngoại thành, nước ngập cao khiến nhiều đoạn đường đê bị tràn bờ, buộc Hà Nội phải xả nước vào nội thành để giảm áp lực, tránh vỡ đê.

Với cơn bão số 7 đang diễn ra ở Biển Đông, theo đánh giá của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, các mô hình dự báo đều đánh giá, siêu bão Utor có xác suất đổ bộ lớn vào đất liền Trung Quốc nhưng vẫn có 30% khả năng đi vào phía bắc vịnh Bắc Bộ. Vùng gió mạnh cấp 10 của bão có thể bao trùm vùng núi phía bắc và Quảng Ninh còn vùng gió cấp 6 bao trùm vùng đông bắc. Chiều 15/8, bão Utor bắt đầu gây ảnh hưởng tới vịnh Bắc Bộ, với gió cấp 9 - 10.

Đại diện cơ quan khí tượng cho hay, nguy cơ đáng lo ngại nhất là khả năng mưa lớn sau bão. Theo đó, ngày 15 đến hết 17/8, một đợt mưa lớn sẽ xuất hiện, tập trung ở vùng núi phía Bắc, khu đông bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng). Riêng mưa ở đồng bằng Bắc Bộ còn phụ thuộc vào đới gió đông nam.

Đến thời điểm này, chưa thể xác định liệu bão có ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ nước ta và gây mưa lớn cho khu vực Hà Nội hay không nhưng qua cảnh ngập lụt trong cơn bão số 6 vừa qua, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là trong trường hợp xấu, nếu mưa lớn tiếp tục xảy ra và kéo dài, Hà Nội sẽ đối phó với tình trạng ngập úng như thế nào?.

Để chủ động phòng chống úng ngập cho khu vực nội thành thành phố, đầu mùa mưa, bão, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đã đưa ra 3 phương án chống ngập:

Tình huống 1: Dự báo mưa vừa khoảng 50mm.
 
Với lượng mưa này, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội dự đoán, trên các trục chính của thành phố cơ bản không có điểm úng ngập, chỉ tồn tại một số khu vực trũng, hệ thống thoát nước chưa được cải tạo hoặc một số khu vực có công trình, khu đô thị… thi công chưa hoàn thành bàn giao có thời gian thoát nước kéo dài hơn gây đọng nước trên mặt đường.
 
Với tình huống này, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ huy động lực lượng ứng trực tại các vị trí có địa hình trũng, không có hệ thống thoát nước hoặc khả năng tự chảy của hệ thống thoát nước kém. Kiểm tra rà soát địa bàn, kịp thời giải quyết các điểm úng ngập mới phát sinh, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo các ghi thu, ga hàm ếch không bị cản trở.
 
Kiểm tra và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các họng thu nước, đảm bảo dòng chảy tự nhiên thông thoáng. Sử dụng các phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút nước, tăng nhanh thời gian thoát nước tại các khu vực cục bộ có địa hình trũng, trọng điểm.

 Ảnh minh họa

 Người tham gia giao thông ở Hà Nội loay hoay giữa dòng nước ngập sau trận mưa ngày 8/8 vừa qua. Ảnh: Vạn Xuân


Tình huống 2: Dự báo mưa to từ 50-100mm.
 
Huy động lực lượng ứng trực theo phương án và lực lượng xung kích thực hiện vệ sinh các họng thu nước mặt như ghi thu, hàm ếch…, kiểm tra, kịp thời xử lý các vật cản làm ảnh hưởng và thu hẹp dòng chảy. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời từ hiện trường đến lãnh đạo công ty và ngược lại.
 
Vận hành tối đa công suất của trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt (khi nước tại đạp Thanh Liệt có chiều hướng chảy vào thì đóng đập). Vận hành với công suất tối đa các thiết bị cục bộ khác…
 
Đặt các tổ bơm di động tại các khu vực trũng: Tôn Đản, Phạm Văn Đồng… Vận hành các cửa đập điều tiết để khai thác khả năng điều hòa nước của các hồ như hồ Tây, hồ Đống Đa, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu…
 
Sử dụng các phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút nước, giảm thiểu thời gian úng ngập tại các khu vực úng ngập cục bộ có địa hình trũng, trọng điểm. Trong đó, đặc biệt chú ý đến khoảng 20 khu vực có thể xảy ra úng ngập trong khu vực nội thành khi lượng mưa lên tới 100mm.
 
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phân luồng, điều tiết giao thông. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực khắc phục hậu quả sau mưa, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
 
Tình huống 3: Dự báo mưa rất to trên 100mm
 
Cùng với các biện pháp được thực hiện trong tình huống 2, khi có mưa rất to trên địa bàn, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ thực hiện thêm các biện pháp: Huy động 100% cán bộ công nhân viên đi làm, vệ sinh các họng thu nước mặt như ghi thu, hàm ếch….Kiểm tra, kịp thời xử lý các vật cản làm ảnh hưởng và thu hẹp dòng chảy.
 
Kiểm tra, kiểm soát các cửa cống ra sông Nhuệ (khi có hiện tượng chảy vào) đảm bảo nước sông Nhuệ không tràn vào nội thành. Phá dỡ toàn bộ các đập chặn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước.
 
Trong trường hợp mực nước sông Nhuệ lên cao và tình hình úng ngập trong nội thành đã được kiểm soát thì sẽ mở đập Thanh Liệt đưa nước về trạm bơm Yên Sở hỗ trợ tiêu nước cho sông Nhuệ và khu vực quận Hà Đông.
 
Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để điều hòa nước hợp lý giữa nội thành và ngoài thành: Khai thác hết công suất các trạm bơm nội thành, vận hành các trạm bơm nông nghiệp như: Đông Mỹ, Siêu Quần. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo vận hành trạm bơm Yên Lệnh hỗ trợ tiêu nước sông Nhuệ.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc