(VnMedia) - Dù không quen biết nhưng bất chợt chứng kiến cảnh người lạ lâm nạn, không ít người đã không ngần ngại quên thân mình lao vào cứu giúp. Sau nghĩa cử cao đẹp ấy, nhiều người đã ra đi mãi mãi để lại nỗi tiếc thương khôn cùng cho những người ở lại.
Những tấm gương quên mình vì người khác
Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện những tấm gương hy sinh thân mình để cứu giúp người khác. Những tấm gương quên mình vì bất chợt bắt gặp người lạ lâm nạn đã gây xúc động mạnh cho dư luận.
Cho đến thời điểm này cái chết đau lòng của một học sinh ngoan, giỏi Trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An) đã qua đi được vài tháng nhưng nhiều người vẫn chưa hết xót thương và cảm phục nghĩa cử cao đẹp của một học sinh trường làng đã quên thân mình khi cứu 4 em nhỏ bị nước sông Lam cuốn trôi.
Buổi chiều định mệnh hôm đó (1/5), trên sông Lam, đoạn đi qua khu vực xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, một nhóm em nhỏ đang tắm dưới sông thì 4 em bị nước cuốn. Nghe tiếng kêu cứu, em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12, Trường THPT Đô Lương 1 đang ngồi hóng mát gần đó đã nhanh chân chạy xuống. Mặc dù thấy dòng nước chảy xiết nhưng Nam vẫn dũng cảm nhảy xuống nước cứu 4 em nhỏ.
Tuy nhiên, do bị kiệt sức nên sau khi đưa được cả 4 em nhỏ gặp nạn vào đến bờ, Nam đã bị nước cuốn trôi. Ngay sau đó, gia đình em Nam và chính quyền địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường cử lực lượng dùng mọi biện pháp tìm tung tích của nạn nhân.
Tuy nhiên, do dòng nước sâu, chảy xiết nên tận cuối buổi chiều cùng ngày, thi thể của Nam mới được tìm thấy và được gia đình đưa về nhà làm lễ an táng. Hành động hy sinh thân mình để cứu 4 em nhỏ của Nam đã gây xúc động mạnh cho nhiều người ở lại.
Nỗi đau, niềm cảm phục về nghĩa cử cao đẹp của một người con ngoan, một học sinh giỏi còn chưa nguôi thì trung tuần tháng 7 vừa qua, nhiều người lại một phen xúc động mạnh trước tấm gương quên mình vì người khác của cụ ông 92 tuổi khi lao xuống sông cùng một học sinh khác cứu 2 em nhỏ khỏi chết đuối.
|
Vụ lật tàu trên sông Cần Giờ khiến 9 người tử nạn. Ảnh: VnExpress |
Buổi chiều hôm ấy (19/7), em Phan Duy Quyết (12 tuổi, học lớp 6 Trường THCS Thanh Ngọc) và cụ Phan Công Biềng (92 tuổi, cùng trú xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã cứu sống hai em học sinh bị đuối nước.
Theo em Quyết, đầu giờ chiều 19/7, em cùng chị Trần Thị Huy Chi (học lớp 9), Lê Thị Cúc (học lớp 9), Trần Thị Thương (học lớp 11) đi chăn trâu ở Rào Gang (xã Thanh Ngọc). “Do trâu bơi qua xã Thanh Đồng nên em bơi theo để đưa trâu về. Các chị bơi theo em nhưng do nước sâu các chị bị đuối nước. Em chỉ kịp cứu được chị Thương”, Quyết kể lại.
Nghe tiếng kêu cứu, cụ Biềng đang chăn trâu gần đó đã lao xuống đưa em Cúc vào bờ rồi lặn tìm em Chi nhưng không thấy. Đến chiều tối lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới vớt được thi thể em Chi.
Mới đây nhất, dư luận lại một phen bàn tán xôn xao về nghĩa cử cao đẹp của một thanh niên đi trên tàu bị nạn trên sông Cần Giờ làm 9 người thiệt mạng ngày 2/8 vừa qua. Buổi tối hôm đó, sau chuyến tham quan, chiếc tàu H29 đang trên đường trở về Bà Rịa- Vũng Tàu, đi đến khu vực sông Soài Rạp thì gặp lúc sóng to, gió lớn rồi bị lật úp, đắm trong biển nước.
Tai nạn xảy ra đã khiến 30 sinh mạng trong con tàu đứng trước sự sống mong manh. “Chúng tôi cố gắng thoát ra ngoài và đu bám vào thành tàu, một số người bị nước cuốn trôi rồi chìm hẳn…”, anh Nguyễn Văn Hiếu nhớ lại.
Cũng chính trong nguy khốn này, người ta lại một lần nữa chứng kiến hành động cao quý, hy sinh thân mình vì người khác của những người gặp hoạn nạn. Buổi tối hôm đó, đứng trước sự lựa chọn sự sống và cái chết, anh Trần Hữu Hiệp đã nhường áo phao, nhường đi sự sống của mình cho một người phụ nữ mang thai đi cùng tàu.
Sau khi được cứu thoát đưa lên bờ, anh Đặng Hồng Phương nói trong nước mắt khi nhớ lại phút giây người ‘đồng đội’ quả cảm trao áo phao cho một phụ nữ đang hấp hối giữa dòng nước hung dữ. "Nếu có tấm áo này, chắn chắn anh ấy sẽ giữ lại mạng sống của bản thân để được đoàn viên cùng gia đình”, anh Phương đau buồn nói.
Theo anh Phương kể lại, khi chiếc tàu bị lật, 30 con người vội vã thoát ra ngoài. Một phụ nữ người thiểu số bị kẹt lại và sau đó tử nạn. 29 người khác đu bám dọc thành tàu, một số thanh niên khỏe mạnh đã đu bám được lên mũi tàu đang nổi trên mặt nước.
“Lúc đó sóng cuộn cao, gió giật mạnh khiến một số người không chịu được đã buông tay và dạt ra xa chiếc tàu, trong đó có một phụ nữ đang thoi thóp thở. Thấy vậy, anh Trần Hữu Hiệp đang mặc áo phao liền cởi ra đưa cho người phụ nữ bơi vào bờ. Riêng anh vẫn cố bám trụ vào thành tàu", anh Phương kể.
Sau khi đưa áo phao cho người phụ nữ, anh Hiệp đu bám trên phần tàu thì bị một con sóng dữ đánh văng ra xa. Vừa bơi lại chưa tới thành tàu thì anh lại bị sóng đánh tiếp ra xa. Do uống quá nhiều nước lại đuối sức nên anh tắt thở và gục trên tay anh Phương.
“Tôi cố gắng giữ xác anh Hiệp nhưng không được, con sóng ập tới kéo anh ra xa tôi”, anh Phương nghẹn ngào nói.
Thay lời kết
Trong xã hội xô bồ hiện nay, khi mà nhiều bạn trẻ có lối sống phóng khoáng, tha hoá, sẵn sàng xuống tay giết người chỉ vì 50.000 đồng hoặc học sinh lên facebook chửi thầy cô, con cái sẵn sàng bêu xấu cha mẹ trên các trang mạng vì một việc làm không hài lòng… thì những nghĩa cử cao đẹp như của em Nam, của cụ ông 92 tuổi và của anh Hiệp thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
Mặc dù sau những nghĩa cử cao đẹp ấy, không ít người đã phải đổi mạng sống của mình để dành lại mạng sống cho những người không hề quen biết nhưng sự ra đi của họ không hề vô ích. Những hành động, nghĩa cử cao đẹp của em Nam, của cụ ông 92 tuổi và anh Hiệp sẽ mãi là những tấm gương sáng cho giới trẻ ngày này học tập và nêu gương.
Ý kiến bạn đọc