(VnMedia) - Trả lời câu hỏi, liệu có bao nhiêu văn bản sai luật mà Bộ Tư pháp bỏ lọt, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: "những sai sót gây bức xúc dư luận xã hội cũng có nhưng không phải là nhiều lắm“.
Sáng 20/8, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tham gia giải trình thêm.
Theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu đã chất vấn về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong công tác nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng chương trình, xây dựng văn bản, kiểm tra văn bản pháp luật để đảm bảo cho văn bản pháp luật có chất lượng. Một nội dung quan trong khác cũng được đưa ra chất vấn là việc tổ chức để đưa các văn bản pháp luật đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành.
Chất vấn ngay tại hội trường cũng như qua cầu truyền hình, một số đại biểu cho rằng có sự dễ dãi trong chương trình xây dựng luật nên các dự án luật thường xuyên được “rút ra, rút vào”. Đặc biệt, các đại biểu quan tâm chất vấn việc dự thảo luật trình ra kém chất lượng, chưa đảm bảo tiến độ; luật ban hành nhưng Nghị định chậm ban hành nên chậm đi vào cuộc sống...
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận có một số dự án luật chưa đúng tiến độ, chất lượng còn hạn chế, trong đó có nguyên nhân chủ quan là có những luật đi vào lĩnh vực chuyên sâu nên "rất khó"; sự phối kết hợp ban đầu giữa các Bộ chưa đầy đủ... Ngoài ra, nhiều luật được đề nghị sửa đổi bổ sung nhưng phải chờ tổng kết (như luật Hợp tác xã chờ tổng kết Nghị quyết của TƯ hay luật việc làm lúc đầu đặt vấn đề là sửa đổi một số điều, sau lại thành Luật sửa đổi)...
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng dẫn những lý do khách quan: “Thời gian vừa qua tình hình kinh tế xã hội rất khó khăn, cần tập trung cao cho việc đạt được mục tiêu tổng quát mà Quốc hội đề ra. Nhiều bộ ngành kinh tế phải tập trung cao cho chỉ đạo điều hành hàng ngày nên thời gian tập trung vào công việc thể chế mặc dù được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nhiều và đó là công việc đầu tiên của Bộ trưởng nhưng trên thực tế vẫn có hạn chế nhất định” – Bộ trưởng nói.
Về chất lượng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định đã có nhiều tiến bộ, chuyển biến, nhất là việc lấy ý kiến các bộ ngành và nhân dân.
Về việc chậm ban hành và nợ văn bản, người đứng đầu Bộ tư pháp cho biết, tổng kết cuối năm 2012 của Chính phủ cho thấy vấn đề nợ đọng văn bản có chuyển biến rõ nét. Khi đó, Thủ tướng đã đánh giá là có tiến bộ vượt bậc trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ có báo cáo là nợ đọng văn bản năm 2013 đã gia tăng đột biến.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn |
Có hay không tình trạng “tham nhũng chính sách?”
Trong phần đặt câu hỏi chất vấn của mình, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã thẳng thắn nêu ra một vấn đề khá nhạy cảm, đó là: “Cử tri cho rằng, hiện nay tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tham nhũng về chính sách và pháp luật. Trên thực tiễn có rất nhiều văn bản của các Bộ mâu thuẫn “đá nhau” để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của Bộ mình. Vậy xin hỏi Bộ trưởng: Có tình trạng tham nhũng về chính sách hay không? Nếu có thì Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục?”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng đặt vấn đề về trách nhiệm khi có tới 10.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trả lời câu hỏi rằng liệu có lợi ích nhóm hay không trong việc xây dựng văn bản pháp luật, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ, chặt chẽ, qua nhiều tầng lớp, “chỉ trừ thông tư và thông tư liên tịch của các Bộ ngành thì hiện nay chưa có sự kiểm soát”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, đó là do quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo để có tổng kết, tới đây sẽ nghiên cứu để đề nghị Quốc hội khâu này. Còn từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến Nghị định của Chính phủ... quy trình rất chặt chẽ, đều được kiểm soát. Vấn đề ở chỗ có thể không phát hiện, nhưng cũng có những việc rất khó” - Bộ trưởng khẳng định.
“Ví dụ như Quốc hội nói nhiều về Nghị định kinh doanh vàng, Nghị định kinh doanh xăng dầu, về giá than, giá điện... Chủ trương tiến tới thị trường thì rất rõ, nhưng lộ trình, bước đi thế nào để đảm bảo thực hiện được mục tiêu cao nhất mà Quốc hội đưa ra là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát... phải rất chặt chẽ” - Bộ trưởng dẫn chứng nhưng cũng lại cho rằng, “vẫn không loại trừ trên thực tế vẫn có những quy định còn sơ hở”.
Cũng trong phần chất vấn của mình, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền thông tin rằng, hiện nay cử tri có trình độ dân trí cao, họ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình và mong muốn Bộ Tư pháp tham mưu với Quốc hội va Chính phủ trao quyền khởi kiện cho người dân. Theo đó, khi Thông tư trái với Nghị định hoặc Nghị định trái với pháp luật thì người dân có quyền khởi kiện.
Trình bày về quan điểm của mình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói: "Câu chuyện này đã được bàn khi xây dựng luật Tố tụng hành chính, tuy nhiên chưa có cơ sở để quy định trong Luật, ngoài ra, các nước khác cũng không đưa những văn bản này ra tòa án. Còn vấn đề bồi thường của nhà nước cũng được bàn đi bàn lại rất nhiều, nhưng các nước cũng không quy định nhà nước phải bồi thường khi có những thông tư hoặc văn bản quy phạm pháp luật trái luật bởi các văn bản đó được coi là sản phẩm của quản lý nhà nước”.
Trả lời câu hỏi rằng có bao nhiêu văn bản sai luật mà Bộ Tư pháp bỏ lọt, ông Hà Hùng Cường cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, riêng Nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Tư pháp đã thẩm định 426 văn bản với tổng số khoảng trên 20.000 nội dung, nhưng những sai sót gây bức xúc dư luận xã hội thì “cũng có nhưng không phải là nhiều lắm“. Hơn nữa, những văn bản đó Chính phủ đã có kết thúc như chứng minh n nhân dân ghi tên cha mẹ,.. Bộ trưởng cũng cho biết, qua thẩm định của Bộ Tư pháp thì "có lọt" nhưng đều có báo cáo giải trình, kiểm điểm, làm rõ.
“Bước tiến dài” trong xây dựng luật
Tham gia giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, quá trình xây dựng luật, nhất là việc ban hành văn bản dưới luật đã có những bước tiến dài, số lượng đã giảm theo từng năm. “Năm 2006, chúng ta ban hành 526 văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh, Năm 2007 còn 481 và giảm dần đến năm 2012 còn 163 văn bản” - Bộ trưởng dẫn chứng.
Đối với việc năm 2013 đột biến tăng số lượng văn bản nợ đọng, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ thừa nhận không thể không có nguyên nhân chủ quan". Ông cho biết, trong rất nhiều nguyên nhân chủ quan mà Chính phủ đánh giá, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã tự kiểm điểm trong trách nhiệm của mình, trong đó có 2 điểm đáng lưu ý, đó là trách nhiệm của người đứng đầu và chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng luật.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đưa ra một tồn tại, đó là việc “chưa nghiêm túc” đối với việc phải lường trước điều nào phải hướng dẫn, kèm theo phương án hướng dẫn trước khi trình Luật ra Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng thẳng thắn khẳng định sẽ chưa thể chấm dứt được việc nợ đọng trong một nhiệm kỳ mà chỉ hạn chế tối đa.
“Cuộc sống rất phong phú, sẽ có những phát sinh nhưng phải làm sao để những thứ phát sinh chỉ là cá biệt” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc