Hà Nội: 4000ha xây dựng phân khu đô thị S4

07:18, 19/07/2013
|

(VnMedia) - Hà Nội vừa quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị S4, tỷ lệ 1/5000, với tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch là khoảng 4.092ha, được chia thành 23 khu quy hoạch...

 

Khu vực nghiên cứu phân khu đô thị S4 thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai 4. Phân khu đô thi S4 thuộc địa giới hành chính các phường Yết Kiêu, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Phú La, Vạn Phúc, La Khê, Dương Nội, Hà Cầu, Kiến Hưng, Phú lương, Phú Lãm, Yên Nghĩa (Quận Hà Đông); xã Đại Mỗ (huyện Từ Liêm); xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì); các xã La Phù, Đông La – huyện Hoài Đức và các xã Bích Hòa, Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng (huyện Thanh Oai).

 

Ranh giới phân khu đô thị S4 được xác định phía Bắc giáp nêm xanh thuộc phân khu đô thị GS và các huyện Từ Liêm, Hoài Đức; Phía Đông giáp vành đai xanh thuộc phân khu đô thị GS và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai; phía Tây Nam giáp tuyến đường Vành đai 4 và đến hết ranh giới quận Hà Đông cộng một phần huyện Thanh Oai.

 

Tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch phân khu đô thị S4 khoảng 4.092ha.

 

Phân khu đô thị S4 được chia thành 23 khu quy hoạch, bao gồm 53 ô quy hoạch và đường giao thông để kiểm soát phát triển.

 

Theo Quy hoạch, khu đô thị sẽ phát triển theo hình thái tự nhiên, dự báo cảnh quan tự nhiên hiện có, bao gồm hệ thống mặt nước, sông hồ hiện có là sông Nhuệ, kênh La Khê và tạo sự kết nối không gian xanh giữa khu vực hành lang xanh, nêm xanh với các dải, lõi xanh trong khu đô thị.

 

Cấu trúc không gian được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường, tạo thành các ô phối với lõi trung tâm khu ở, từ đó phát triển tiếp hệ thống lõi không gian đến các đơn vị ở hay ô quy hoạch nhỏ hơn.

 

Sẽ phát triển không gian “nén” cao tầng tại khu vực phía Bắc phân khu theo các trục chính đô thị: quốc lộ 6, tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, vành đai 3,5... tạo các trục không gian kết nối với đô thị lõi lịch sử. Các đường chính khu vực tổ chức kiến trúc hiện đại tầng cao công trình có nhịp điệu đan xen giữa khu cao tầng và thấp tầng, không gian xanh.

 

Khu vực sinh thái thấp tầng tổ chức gắn kết với các làng xóm hiện có, vành đai xanh, hành lang xanh và các vùng cảnh quan mặt nước tự nhiên. Theo đó, các khu vực đô thị sinh thái tập trung tại khu vực Tây Nam của phân khu gắn kết với vành đai xanh và công viên Thanh Trì...

 

Khu vực trọng tâm của phân khu S4 bao gồm phát triển đô thị “nén” dọc trục hướng tâm như Quốc lộ 6, tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, đường vành đai 3,5, vành đai 4 và một số khu vực dọc vành đai 4 kéo dài tập trung cao tầng, tăng cường hiệu quả sử dụng đất; Tổ chức không gian trung tâm công cộng, dịch vụ chất lượng cao gắn với các công trình giao thông đầu mối, ga đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Tổ chức khu nhà ở chất lượng cao, nhà ở sinh thái hiện đại tại một số khu vực có cảnh quan môi trường tốt (khu vực phía Nam ). Các khu nhà ở thu nhập thấp, nhà ở phục vụ di dân giải phóng mặt bằng.


 Ảnh minh họa
 

Quy hoạch giao thông

 

Theo quy hoạch, đường Lê Văn Lương kéo dài, quốc lộ 6, đường trục chính phía Nam ... sẽ là các trục giao thông hướng tâm, đồng thời là các trục cảnh quan tạo diện mạo kiến trúc cho phân khu đô thị; Đường vành đai 3,5 là tuyến đô thị cảnh quan chính của thành phố kết nối chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4; Đường vành đai 4 là tuyến đường vành đai giao thông đối ngoại kết nối các tuyến quốc lộ và cao tốc hướng tâm, nối các khu đô thị liền kề Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, các đường chính khu vực tổ chức kiến trúc hiện đại, tầng cao công trình có nhịp điệu đan xen giữa khu cao tầng và thấp tầng, hành lang xanh, khu sinh thái.

 

Tuyến đường sắt quốc gia từ Văn Điển nối với ga Hà Đông, ga Phú Diễn đi các tỉnh phía Bắc sẽ được thay bằng tuyến đường sắt Vành đia đi dọc theo đường vành đai 4.

 

Xây dựng mới đường vành đai cao tốc kết nối các tuyến quốc lộ và cao tốc hướng tâm, nối các khu công nghiệp, khu đô thị liền kề Thủ đô Hà Nội. Vành đai 4 đoạn tuyến qua khu vực nghiên cứu có quy mô 6-8 làn xe chạy chính, chiều rộng 120.

 

Tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông) nối dọc theo Quốc lộ 6.

 

Tuyến đường sắt đô thị số 7 xây dựng dọc theo đường Vành đai 3,5

 

Dọc các tuyến đường sắt đô thị dự kiến xây dựng các nhà ga, khoảng cách trung bình giữa các ga là 800 đến 1000m, trong đó có các ga kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị số 2A, số 6, số 7...

 

Các tuyến đường cấp đô thị bao gồm: Xây dựng Quốc lộ 6 có quy mô 6 làn xe chạy chính, mặt cắt ngang điển hình rộng 35m; Xây dựng mới tuyến đường Hà Nội – Xuân Mai với quy mô 4 đến 6 làn xe, mặt cắt ngang điển hình rộng 56 đến 60m; xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 mặt cắt ngang rộng 42 đến 63m với quy mô 4 đến 6 làn xe chạy chính, đoạn đi cùng với tuyến đường sắt vành đai hiện có với chiều rộng mặt cắt ngang điển hình rộng 80m. Xây dựng các tuyến đường 2 tầng nhằm giải quyết triệt để giao cắt với các đường, ngõ phố đối với các tuyến có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc nhưng khó có khả năng mở rộng; Xây dựng các tuyến đường liên khu vực quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang điển hình rộng 40 đến 45m.

 

Ngoài ra, sẽ xây dựng các tuyến đường chính khu vực là đường 4 làn xe, chiều rộng mặt cắt ngang từ 24 đến 33 m và các tuyến đường khu vực là đường 2 đến 3 làn xe, chiều rộng mặt cắt từ 17 đến 22m.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc