Dự báo bão số 5 đổ bộ vào đất liền đêm 2/8

21:01, 31/07/2013
|

(VnMedia) - Bão số 5 đang di chuyển nhanh và có khả năng còn mạnh thêm. Dự báo rạng sáng ngày 2 hoặc nội nhật ngày 3/8, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền các khu vực thuộc Bắc Bộ với cường độ cấp 8, cấp 9...

 

Như VnMedia đưa tin, 7 giờ sáng nay (31/7), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 5 trên Biển Đông. Trước diễn biến rất nhanh của cơn bão số 5, cuối giờ chiều nay (31/8), Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đã họp khẩn để bàn biện pháp phòng chống. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

 

Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, sau khi hình thành, cơn bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc. Lúc 4 giờ chiều nay 31/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

 

“Đêm nay và ngày mai, dự báo bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc và tiếp tục mạnh lên. Thời điểm mạnh nhất khi bão cập đến phía Đông của Đảo Hải Nam khoảng độ cấp 10” – ông Tăng đưa ra dự báo.

 

Ông Bùi Minh Tăng cũng cho biết, hiện nay, các đài khu vực cũng đưa ra nhiều dự báo khác nhau, theo đó, dự báo của Hồng Kông cho rằng có thể lên cấp 11, Mỹ và Nhật Bản dự báo cấp 9 và Việt Nam, Trung Quốc đưa ra dự báo cường độ bão mạnh nhất sẽ khoảng cấp 10.


 Ảnh minh họa

 Hình ảnh dự báo đường đi của bão số 5

 

“Sau khi tiếp cận phía Đông của đảo Hải Nam, bão sẽ vượt qua đảo, dự kiến bão số 5 sẽ vào đến vịnh Bắc Bộ của Việt Nam trong chiều và đêm ngày 2/8. Xác suất bão vào bờ của chúng ta là rất lớn, nhiều khả năng, bão số 5 sẽ ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam vào rạng sáng ngày 3/8 hoặc muộn nhất cũng nội nhật trong ngày 3/8” - ông Tăng nói và cho biết thêm, mặc dù còn phân tán nhưng hầu hết dự báo của các nước đều cho rằng bão sẽ đổ bộ vào Việt Nam, tuy nhiên cũng chưa thể khẳng định chắc chắn vì từ nay đến khi bão đổ bộ còn khoảng gần 72 giờ nữa.

 

Dự báo về cường độ của bão, ông Tăng cho biết khi vào vịnh Bắc Bộ, bão có thể chỉ khoảng cấp 9 và khoảng cấp 8 – cấp 9 khi vào đất liền, tương tự như cơn bão số 2. Ông Tăng cũng đề nghị mọi công tác phòng chống trên vịnh Bắc Bộ như cấm biển, kêu gọi tàu thuyền... phải hoàn tất vào trưa ngày 2/8. Còn các công tác phòng chống trên bờ cũng phải xong trước tối ngày 2/8

 

Một vấn đề đáng lo ngại trong cơn bão số 5, đó là tình hình mưa. Những ngày vừa qua, ở Bắc Bộ đã phải hứng chịu một đợt mưa lớn từ tối 27/7 đến tối 30/7. Dự báo mưa sẽ tiếp tục diễn ra trong và sau khi bão số 5 đổ bộ. Trong khi đó, hiện tại mức nước ở hồ Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La đều đã vượt mức quy định. Tuy nhiên, ông Tăng cho biết mưa đợt tới có thể chỉ tập trung chủ yếu ở các vùng đồng bằng hạ nguồn chứ không tập trung ở vùng thượng nguồn như đợt mưa trước.

 

Thông tin tại buổi họp, ông Tăng cho biết, trong 10 ngày qua, trên lãnh thổ Lào và Thái Lan đã xảy ra mưa rất lớn, thượng nguồn Lào nước lên rất nhanh khiến cho lũ sông Cửu Long năm nay lên sớm. Ngoài ra, cơn bão số 5 đổ bộ có thể sẽ tiếp tục gây mưa ở Thái Lan. Vì vậy, cần đề phòng lũ sông Cửu Long.

 

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5 để chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão có thể gây ra. Theo Phó Thủ tướng, vùng nguy hiểm được xác định là phía Bắc Vĩ tuyến 14, vì thế cần tăng cường kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển và thông báo vị trí di chuyển trú, tránh bão, đặc biệt là các tàu hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, đảm bảo an toàn cho ngư dân có lồng bè, ao đầm nuôi trồng thủy sản.

 

Do bão số 5 có khả năng gây mưa lớn tại các tỉnh phía Bắc nên các cơ quan chức năng cần kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, khu vực khai thác khoáng sản, khu dân cư có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt các ngầm qua sông, suối, những đoạn đường bị ngập sâu cần có lực lượng kiểm tra, giúp đỡ. Ngành giao thông cần chủ động có các biện pháp đề phòng tình trạng chia cắt tại các tuyến đường giao thông chính. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chủ động tiêu nước đệm, tránh ngập úng khi xảy ra mưa lớn. Các địa phương cần tổ chức trực ban phòng, chống lụt bão 24/24h.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc