Cho thoát nghèo sau khi hỗ trợ... 1 chiếc bồn cầu?

07:54, 22/07/2013
|

(VnMedia) - Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình nhằm phát triển kinh tế - xã hội dành cho đồng bào dân tộc, thiểu số. Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số vẫn đang là vùng chậm phát triển, tỷ lệ nghèo đói còn cao so với mặt bằng chung của cả nước.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử đã trao về vấn đề này trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 21/7.

 Ảnh minh họa

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 21/7

 
- Thưa Bộ trưởng, hiện nay nhà nước đang đầu tư cho những xã đặc biệt khó khăn mỗi năm 1,5 tỷ đồng, dành cho 4 hạng mục bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ pháp lý, đào tạo nghề và hỗ trợ phát triển sản xuất. Số tiền này không giúp cải thiện được gì nhiều. Có ý kiến cho rằng điều này là bất hợp lý và thiếu tính khả thi. Vậy Bộ trưởng nghĩ như thế nào về trường hợp này?

Chương trình 135, giai đoạn 2006 – 2010 có định mức cho mỗi xã là 1 tỷ đồng, mỗi thôn bản là 25 triệu đồng. Bắt đầu từ giai đoạn 2013 – 2015 của chương trình 135 (bắt đầu thực hiện từ 2014) sẽ nâng lên mức mỗi xã 1,5 tỷ. Tuy nhiên, kiến nghị của các xã tại địa phương, ý kiến tâm tư nguyện vọng của cử tri đều nói đây là một định mức rất thấp, chưa đủ sức làm xoay chuyển tình hình. Với trách nhiệm tham mưu, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu và đề xuất phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để có một lộ trình tăng dần định mức cho các địa phương đặc biệt khó khăn. Chính sách của chúng ta dứt khoát phải sát với dân, từ cộng đồng. Vùng nào có nhu cầu về chính sách gì thì chính phủ phải đáp ứng chính sách đó.
 
Thưa Bộ trưởng, người dân ở một số địa phương có gửi thư về thắc mắc rằng một số dự án thuộc chương trình chính sách hỗ trợ định canh định cư ở địa phương đang thực hiện thì bị bỏ dở dang, không biết khi nào hoàn thành. Tại sao lại có tình trạng này và bao giờ thì những dự án đó mới có thể được tiếp tục hoàn thành để phục vụ đời sống của bà con?

Hiện tượng đó là có. Có những chương trình đã giải ngân đến 40-50% nhưng bị bỏ dở hoặc xây xong nhưng không được sử dụng một cách có hiệu quả. Để tránh lãng phí thì một là tiếp tục hoàn thiện để đưa vào sử dụng, thứ hai là tìm hiểu và xác định lại nhu cầu. Nếu không có nhu cầu thì phải cắt để đầu tư sang hạng mục khác cho có hiệu quả. Thực tế 10 năm trở lại đây có tình trạng gây lãng phí và người dân phản ánh là đúng. Tình trạng này có vai trò lớn của chính quyền và cấp ủy địa phương. Chúng ta phải làm việc trách nhiệm hơn, sát với người dân hơn. Khi các địa phương duyệt dự án phải tính đến nhu cầu thực tế của từng địa phương, phù hợp với phong tục tập quán của các dân tộc vùng đó.

- Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề định canh định cư, nhưng tại sao đến nay tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt vẫn là tình trạng khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng tái định cư, thưa Bộ trưởng?

Theo đánh giá của tôi, những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đặc biệt là vùng miền núi đá phía Bắc có độ dốc lớn, độ chia cắt lớn thì không bao giờ khắc phục được vì không thể biến đá thành đất được. Các địa phương phải chủ động xác định cho được quỹ đất tương ứng với số dân để đảm bảo định mức đất sản xuất tối thiểu cho người dân. Nếu vượt quá thì nhà nước phải cân đối đất, phải sắp xếp lại dân cư.

-  Như vậy vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng?

Đúng vậy. Điều này Chính phủ và chính quyền địa phương phải làm chứ người dân không thể tự làm được.
 
- Chị Tôn Thị Mừng, là một hộ nghèo ở ấp Chì Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Gia đình này 2 năm vừa qua đã được xếp vào diện hộ nghèo, được nhà nước hỗ trợ hai lần tiền dầu và tiền ăn tết 100.000/người cùng một chiếc bồn cầu. Thế nhưng gần đây nhà chị bất ngờ được cho thoát nghèo. Gia đình chị hiện đang gặp nhiều khó khăn, đất đai không có, nước sạch cũng không, điện thì câu từ một hộ nghèo khác. Chồng chị là bộ đội phục viên về đi làm thuê, hai đứa con còn nhỏ hay đau ốm. Chị Phong hỏi rằng, hộ của chị như vậy cho thoát nghèo có đúng không, và hỗ trợ 2 lần tiền dầu, 1 chiếc bồn cầu như vậy đã cho thoát nghèo có đúng không?
 
Hai lần tiền dầu là Chính phủ cho người nghèo ăn Tết chứ không nằm trong tiêu chí thoát nghèo. Tôi đề nghị các đồng chí kiểm tra lại trường hợp này, nếu còn khó khăn như vậy thì gia đình này vẫn là hộ nghèo. Tương tự như vậy, các địa phương phải rà soát lại người nghèo và công nhận cho thật khách quan và đúng với tiêu chí quy định của Trung ương.
 
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.


Tuệ Khanh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc