Lại có thông tin cho rằng dầu ăn bẩn có thể là nguyên nhân của vụ ngộ độc nghiêm trọng này.
>>Đau đớn 22 học sinh tử vong vì bữa ăn miễn phí
Sau khi xảy ra vụ ngộ độc nghiêm trọng trong bữa ăn trưa của học sinh tại một trường học ở bang Bihar, thuộc miền Đông Ấn Độ làm 25 em thiệt mạng ngày 16/7 vừa qua, hiện 10 trong số hàng chục em đang nằm điều trị tại bệnh viện đã hồi phục sức khỏe. Trong khi đó, các cuộc điều tra của ngành chức năng tập trung vào khả năng sử dụng dầu ăn tại bếp ăn tập thể của trường không đảm bảo an toàn.
Học sinh ngộ độc đang được cấp cứu |
Bữa ăn trưa của các em học sinh tại trường học này được cung cấp theo Chương trình bữa ăn giữa ngày, chương trình bữa ăn trường học lớn nhất thế giới, cung cấp bữa ăn cho khoảng 120 triệu em học sinh.
Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục Ấn Độ Prashant Kumar Shahi khẳng định có những dấu vết của chất phốtpho hữu cơ đã được tìm thấy trong các món ăn được chuẩn bị cho các học sinh và cho rằng đây là một vụ đầu độc. Tuy nhiên, bà Manju Devi - nhân viên nấu ăn tại trường, hiện cũng đang phải nằm viện do bị nhiễm độc thức ăn cho biết, bà đã nhìn thấy một lớp cặn ở dưới đáy chai dầu và cho rằng dầu ăn bẩn có thể là nguyên nhân gây ngộ độc.
Bà nói: “Tôi thấy dưới đáy chai dầu có một lớp cặn. Tôi cho rằng đây là do trong quá trình sản xuất dầu, thường có sự tích tụ chất bẩn ở đáy chai. Trong quá trình chuẩn bị một bữa ăn, chúng tôi chỉ sử dụng đủ lượng dầu chứ không lưu trữ sang ngày hôm sau”.
Trong khi đó, các bác sĩ đang điều trị cho các học sinh nghi ngờ các thực phẩm đã bị nhiễm thuốc trừ sâu. Báo cáo từ các phương tiện truyền thông cho rằng dầu ăn có thể được lưu trữ trong một thùng chứa thuốc trừ sâu cũ. Hiện nay, các nhà chức trách vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
Tuy nhiên, các phe đối lập trong nước đã cáo buộc chính phủ phản ứng quá chậm khi đưa các em học sinh vào bệnh viện. Phát biểu tại bệnh viện khi đến thăm các học sinh đang được điều trị tại đây, ông Pratap Rudy, một thành viên của đảng đối lập Ấn Độ cho biết: “Các bác sĩ cho rằng, nếu như các em học sinh được nhanh chóng chuyển tới bệnh viên Patna, cách trường học khoảng 80km thì có thể sẽ cứu được thêm nhiều học sinh”.
Nhiều người dân bày tỏ sự bất bình trước cái chết của các em học sinh. Họ tiếp tục đổ ra đường phố để tuần hành, biểu tình. Đã xảy ra một số vụ xô xát trong các cuộc biểu tình, nhiều xe của cảnh sát và lực lượng chức năng bị đốt. Người dân cũng yêu cầu hủy bỏ chương trình bữa ăn miễn phí vì cho rằng, các thực phẩm được sử dụng trong các bữa ăn này hầu như là các thực phẩm kém chất lượng, có thể gây hại tới sức khỏe của các học sinh./.
Ý kiến bạn đọc