Vì sao hàng ngàn hộ dân từ chối nhận "sổ đỏ"?

06:52, 03/06/2013
|

(VnMedia) - Tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác hiện đang có hàng ngàn gia đình đang xin trả lại hoặc phân vân không biết có nên nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã trao đổi về vấn đề này tối 2/6...

Việc người dân xin trả lại hồ sơ và từ chối giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một hiện tượng “xưa nay hiếm” ở các đô thị lớn. Mỗi ngôi nhà, mỗi mảnh đất dù lớn hay nhỏ đều được coi là tài sản có giá trị quan trọng nhất của mỗi gia đình.

Thế nhưng, tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác hiện đang có hàng ngàn gia đình đang xin trả lại hoặc phân vân không biết có nên nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không. Vướng mắc của họ chính là do tiền sử dụng đất, hay nói cách khác là nghĩa vụ tài chính mà mỗi hộ gia đình phải thực hiện đã quá khả năng kinh tế của họ. 
Ngay cả khi nhà nước cho phép nợ tiền sử dụng đất thì nhiều người vẫn băn khoăn về mức lãi phạt chậm nộp lên tới mức 0,05%/ngày, tương đương với 18%/năm.

 

Đây là là chủ đề chính của chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 2/6, với phần giải đáp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

 

- Bộ trưởng có thể cho biết tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ở thời điểm hiện nay so với đầu năm 2013 ra sao?

 

Hiện có 22 tỉnh có tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp, chúng tôi đã họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Chúng tôi cũng đã có thư gửi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo công tác này. Vừa qua, một số tỉnh đã có chuyển biến tích cực như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế. Hay như Lai Châu, Tuyên Quang là những tỉnh miền núi rất khó khăn nhưng đã có chuyển biến tích cực. Như vậy, chủ yếu là do sự chỉ đạo. Có một số tỉnh chỉ đạo chưa quyết liệt mà tôi không tiện nêu tên ở đây.

 

Tôi nghĩ rằng trong sơ kết 6 tháng đầu năm tới đây, cần công khai những địa phương, đơn vị đạt thấp để các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn để phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu trong 6 tháng cuối năm.

 Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang


 
- Thưa Bộ trưởng, đã có hàng trăm đơn thư của những hộ dân ở TP. Hồ Chí Minh đề nghị giải thích rõ vì sao tiền sử dụng đất của họ lại cao như vậy? Hệ số K liệu có điều chỉnh được không và trong trường hợp không thể điều chỉnh được mà người dân lại không có đủ tiền để nộp tiền thì nên làm thế nào?

 

Hệ số K theo Thông tư 93 của Bộ Tài chính quy định là hệ số điều chỉnh giá đất do địa phương quy định để tính tiền thu sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu.

 

Trong quy định hệ số K của TP. Hồ Chí Minh vừa rồi dao động từ 2-4,5 lần so với giá quy định và có thể nói là hệ số K tương đối cao, nên người dân xin trả lại hoặc không nhận.

 

Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã bàn với Bộ Tài chính và đề nghị với TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh khác cần vận dụng Thông tư 93 sao cho phù hợp trong việc tính hệ số K.

 

Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh cũng đang có bước chuẩn bị, đã báo cáo Thành ủy và tới đây có thể điều chỉnh hệ số K xuống 1,3 - 2 lần. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao cách xử lý tình huống kịp thời của TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng mong rằng các địa phương khác cần rút kinh nghiệm qua việc làm của TP. Hồ Chí Minh trong tính toán hệ số K liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận cho người dân.

 

- Vẫn là những người dân TP. Hồ Chí Minh có băn khoăn rằng, tại sao Nhà nước có chính sách cho người dân nợ tiền sử dụng đất nhưng lại tính lãi chậm nộp cao như vậy, cụ thể là 0,05%/ngày, tương ứng với 18%/năm, cao hơn cả lãi vay sản xuất kinh doanh. Vì thế, người dân đã xin trả lại hồ sơ cũng như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù mọi thủ tục đã xong. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào đối với những trường hợp này?
 

Trong Nghị định 120 của Chính phủ có quy định, khi người dân chưa có đủ điều kiện về kinh tế thì có thể ghi nợ tiền sử dụng đất. Việc ghi nợ nếu trong phạm vi 5 năm thì có chỉ phải trả theo giá ở thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Từ thông tin trên, đối chiếu lại quy định này thì thấy có thể ở một số địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh vấn đề ghi nợ chưa được triển khai hoặc người dân chưa biết được chính sách này để có thể làm đơn đề nghị được ghi nợ.

 

Chúng tôi cho rằng, về phía các địa phương thì chính sách này người dân phải được biết, các cơ quan chuyên môn phải giải thích rõ cho người dân.

 

Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị với người dân, trong trường hợp nếu điều kiện kinh tế cho phép thì không nên nợ, còn nếu có ghi nợ thì cố gắng trong 5 năm trở lại, vì sau 5 năm thì việc tính giá sẽ được tính tại thời điểm nộp tiền, lúc đó sẽ rất khác.

 

- Thưa Bộ trưởng, vừa rồi là những băn khoăn của những người được cấp Giấy chứng nhận. Nhưng cũng còn có băn khoăn của những người thực thi nhiệm vụ này. Một nhóm cán bộ, viên chức của văn phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một tỉnh miền núi cho biết, chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận mà họ được giao cao gấp 2 lần những năm trước cộng lại ,nhưng kinh phí không có thêm, thậm chí kinh phí đo đạc cũng không có. Vậy họ phải làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ?

 

Quả thật là nhiệm vụ thì nặng như vậy nhưng kinh phí thì hết sức hạn hẹp. Trong một vài năm gần đây, việc thu phí sử dụng đất đai rất ít, đặc biệt là tại các tỉnh trung du, miền núi. Trong thời gian qua, có một số tỉnh có điều kiện đã dành một khoản kinh phí hỗ trợ. Nhưng các tỉnh trung du, miền núi thì rất khó khăn.

 

Năm 2012, Chính phủ cũng có hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho 42 tỉnh, nhưng trong năm 2013 thì rất khó khăn, chúng tôi cũng chia sẻ với các tỉnh. Trong điều kiện kinh tế khó khăn chung của đất nước hiện nay, chúng tôi cũng cố gắng tìm mọi biện pháp để bàn với Bộ Tài chính và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để hỗ trợ cho các tỉnh, vì đây là nguồn của Trung ương hỗ trợ cho địa phương chứ không có chương trình riêng nên phải tùy theo khả năng ngân sách Trung ương.

Nhưng chúng tôi mong muốn Chính phủ và Quốc hội dành một khoản nhất định, đặc biệt là trong năm 2013 này và những năm tiếp theo để hỗ trợ cho những tỉnh có tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận còn quá thấp, nhất là với những tỉnh trung du, miền núi.

 

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.


Xuân Hưng - (ghi)

Ý kiến bạn đọc