(VnMedia) - Nâng thời gian tạm trú lên 2 năm; điều kiện diện tích bình quân nhà ở sẽ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quy định… là những điểm quan trọng trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú vừa được Quốc hội thông qua chiều 20/6.
Chiều 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú với số đại biểu tán thành là 443, bằng 88,96%; Số đại biểu Quốc hội không tán thành 18, bằng 3,61%; Số đại biểu Quốc hội không biểu quyết 1, bằng 0,20%.
“Quyết” thời gian tạm trú là 2 năm
Trước khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình về một số điểm mà Ủy ban tiếp thu ý kiến của đại biểu và đã sửa đổi hoặc lý do mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như Dự thảo Luật.
Cụ thể, về thời gian tạm trú để đăng ký thường trú vào quận của các thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định nâng điều kiện thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật cư trú hiện hành. Thậm chí, có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định điều kiện thời hạn đăng ký tạm trú để tránh phiền hà cho người dân.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Luật cư trú hiện hành quy định công dân có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên thì được đăng ký thường trú, nhưng “trên thực tế cho thấy, quy định điều kiện 1 năm tạm trú là quá ngắn”.
Mặt khác, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng phân tích: tình trạng tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc trung ương ngày càng cao, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan, dẫn đến việc quản lý trật tự, an toàn xã hội, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công gặp nhiều khó khăn.
“Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định thời gian tạm trú là 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương là phù hợp. Quy định này góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại các thành phố này, làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học vào nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, giảm sức ép về các vấn đề xã hội và cơ sở hạ tầng cho các địa phương”.
Quy định thời gian tạm trú là 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương là phù hợp |
Diện tích bình quân do Hội đồng nhân dân quy định
Quá trình lấy ý kiến cho thấy, đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết phải quy định điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Đồng thời, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý giao cho Hội đồng nhân dân thành phố quy định về diện tích bình quân. Một số ý kiến đề nghị giao thẩm quyền này cho Chính phủ hoặc quy định ngay trong Luật này về diện tích bình quân.
Về quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nếu quy định ngay trong Luật này giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định về điều kiện diện tích bình quân thì có ưu điểm bảo đảm sự thống nhất, nhưng không phù hợp với điều kiện cụ thể đối với các địa phương khác nhau. Còn nếu giao thẩm quyền này cho Hội đồng nhân dân thành phố thì sẽ thuận lợi và hợp lý hơn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Đồng thời, quy định như vậy cũng thống nhất với các quy định về quản lý dân cư của Luật Thủ đô. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định giao thẩm quyền này cho Hội đồng nhân dân thành phố quy định.
Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, quy định về xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân là cần thiết, bởi lẽ quy định này đảm bảo sự chặt chẽ, tránh việc tùy tiện, hạn chế được việc kê khai thiếu trung thực về điều kiện diện tích bình quân trong đăng ký thường trú.
Sẽ có Nghị định xử phạt
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quá trình lấy ý kiến của các đại biểu cho thấy, các đại biểu đều nhất trí bổ sung vào khoản 8 và khoản 10 Điều 8 Luật Cư trú về hành vi bị nghiêm cấm như trong dự thảo Luật. Cụ thể: “Thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác có liên quan đến cư trú; sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú” (Khoản 8) và tách Khoản 10 thành 2 khoản là “Giải quyết cho đăng ký cư trú khi biết rõ người được cấp đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó” (Khoản 10) và “Đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc người được cấp đăng ký cư trú thực tế không sinh sống tại chỗ ở đó” (Khoản 11).
Liên quan đến việc một số đại biểu đề nghị quy định rõ chế tài xử lý đối với các hành vi bị nghiêm cấm nói trên, theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Luật cư trú hiện hành chỉ quy định các hành vi cụ thể bị nghiêm cấm, còn chế tài xử lý đối với các hành vi này sẽ do pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hình sự quy định.
“Trên cơ sở quy định của Luật cư trú, Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, trong đó có lĩnh vực quản lý cư trú” - Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích rõ.
Điều kiện để được đăng ký hộ khẩu ở các thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Có chỗ ở hợp pháp; trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên; trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên.
2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.
3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp.
4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình.
5. Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này thì phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;
b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;
c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
6. Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô”. |
Ý kiến bạn đọc