Tái cơ cấu nông nghiệp để "cứu" nông dân

15:42, 13/06/2013
|

(VnMedia) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  sẽ tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp. Đây được xem là giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề căn cơ của ngành nông nghiệp hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã khẳng định như vậy tại phiên chất vấn chiều ngày 12/6.

Bộ trưởng Cao Đức Phát là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Đã có hơn 20 câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Cao Đức Phát, nội dung xoay quanh các vấn đề như việc trồng bù rừng khi xây dựng thuỷ điện; dừng thuỷ điện 6 và 6A Đồng Nai; chất lượng giống cây trồng vật nuôi; tình trạng nông dân được mùa nhưng giá rớt…

Trổng rừng thay thế: Vẫn chỉ là lời hứa

Liên quan đến vấn đề xây dựng thuỷ điện, Đại biểu Tô Văn Tám đặt vấn đề: "Khi các chủ đầu tư khi xây dựng dự án thuỷ điện có hứa sẽ trồng bù rừng nhưng hiệu quá thấp, rất thấp. Theo Bộ trưởng vì sao có tình trạng này? Bộ trưởng sẽ làm gì  nếu chủ đầu tư “quên” lời hứa?"

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã phối hợp kiểm tra và thấy rằng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về bố trí diện tích đất để trồng rừng thay thế. Hiện, Bộ đã rà soát quy hoạch để hướng dẫn doanh nghiệp.

Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng giải thích thêm, hiện nay các dự án thuỷ điện sử dụng một diện tích rừng rất lớn. Theo quy định, lấy bao nhiêu phải trồng bù bấy nhiêu, tuy nhiên việc thực hiện rất hạn chế. Nguyên nhân là do chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện mặc dù đã được Chính phủ yêu cầu.

Nguyên nhân thứ hai là quỹ đất để trồng rừng lại không có đủ, vừa qua Liên bộ Nông nghiệp, Công Thương và Tài nguyên đã đề xuất cho phép áp dụng cơ chế  ở địa phương làm thuỷ điện nhưng không có quỹ đất để trồng rừng thì phân địa phương khác hoặc trồng rừng phân tán. Với phương án này,  "Hi vọng, trong thời gian tới sẽ khắc phục được tình trạng này"- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa.

Cũng liên quan đến vấn đề thuỷ điện, đại diện cho các cử tri tỉnh Đồng Nai, Đại biểu Trương Văn Vở chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Cao Đức Phát trong việc thu hồi vườn Quốc gia Cát tiên để xây dựng thuỷ điện 6, 6A.

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình, đích thân ông đã vào tận nơi kiểm tra và làm báo cáo gửi Chính phủ, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp báo cáo gửi Chính phủ để trình Quốc hội xem xét. "Chúng tôi sẽ báo cáo trung thực việc dự án tác động lên vườn Quốc gia cát tiên" - Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng "hứa".

Để nhân dân tỉnh Đồng Nai yên tâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói rõ thêm.

Giải thích rõ thêm theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội để "nhân dân Đồng Nai yên tâm", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, dự án thuỷ điện 6, 6A Đồng Nai đang trong giai đoạn đánh giá tác động môi trường. Nếu tác động xấu đến môi trường và ảnh hửởng rừng quốc gia Cát Tiên thì sẽ cho dừng dự án.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trong ngành nông nghiệp cũng là một vấn đề nóng được nhiều đại biểu chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đặt câu hỏi: “Chăn nuôi suy giảm, người nông dân điêu đứng, Bộ trưởng có giải pháp nào giúp nông dân?”

Cùng mối quan tâm, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) hỏi: Nông nghiệp đang rất khó khăn, nông dân đang lỗ kép, doanh thu giảm nghiêm trọng, Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì để giúp nông dân thoát nghèo?”. Đại biểu này cũng cho rằng, cần hỗ trợ tài chính trực tiếp cho nông dân.

Trong khi đó, đai biểu Nguyễn Ngọc Hòa (thành phố Hồ Chí Minh) "vặn" Bộ trưởng:  Ta đã chủ động được bao nhiêu phần trăm cây con giống, thức ăn, vaccine thú y? Nông nghiệp có bị lệ thuộc nước ngoài hay không vì nhiều đầu vào cho ngành đang phải nhập khẩu? Giải pháp nào để khắc phục căn bản là gì?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì băn khoăn: Chất lượng nông sản thấp, hàng ứ đọng, khó tiêu thụ, được mùa rớt giá, dân mãi vẫn khó thoát nghèo. Nguyên nhân ở đâu? ‘Thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng bán tràn lan, gây ô nhiễm thực phẩm, trách nhiệm của Bộ như thế nào?

Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam mới phát triển mạnh mẽ về số lượng nhưng một số mặt hàng chất lượng thua kém với những nước lân cận, chỉ ở mức trung bình khá. Do đó, việc nâng cao chất lượng nông sản là nhiệm vụ chính của ngành trong thời gian tới…

Chia sẻ khó khăn với nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, “Bộ đã thực hiện quyết liệt đồng bộ 3 nhóm biện pháp cùng với cơ cấu lại ngành chăn nuôi, giải quyết những khó khăn hiện tại, hướng tới hiệu quả cao hơn, giảm giá thành chăn nuôi và nông dân có lãi”.

Về giải pháp đột phá "cứu" nông dân, Bộ trưởng nói sẽ khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chỉ có như vậy mới giải quyết căn cơ các tồn tại của ngành - Bộ trưởng quả quyết.

Giám sát chặt kiểm định chất lượng

Chất vấn về vấn đề nông nghiệp, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng phân bón cho nông dân.

"Phân bón kém chất lượng nhưng đưa lên Trung tâm kiểm định 3 lại bảo đủ, vậy trách nhiệm Bộ trưởng như thế nào?" - Đại biểu Lù Thị Lìu (Lào Cai) thẳng thắn đặt câu hỏi:

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đơn vị này không thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà "có lẽ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ". Ông cũng khẳng định, các đơn vị  thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm đúng pháp luật, có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Sau khi Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, kiểm tra chất lượng phân bón thuộc trách nhiệm Bộ Khoa học - Công nghệ. và thừa nhận có hiện tượng như đại biểu nói, đó là việc Trung tâm 3 có xác nhận đảm bảo nhưng sau lại không đảm bảo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân giải thích: Trung tâm này được đầu tư đảm bảo đủ năng lực kiểm định chất lượng, song ở sự việc này, có 2 tình huống. Bản thân doanh nghiệp đưa mẫu đăng ký chất lượng và mẫu kiểm định là khác nhau. Thứ hai, có tình trạng doanh nghiệp bị phát hiện sản phẩm không đạt yêu cầu. Mẫu do cơ quan chức năng lấy kiểm tra và mẫu ở doanh nghiệp là khác nhau. Chế tài xử phạt quá nhẹ, không đủ răn đe nên người ta tiếp tục làm hàng giả hoặc tái phạm…”

Chốt vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "mong Bộ trưởng có đề án nâng cao năng lực kiểm tra của cơ quan chức năng". Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: "Không làm rõ được sai đúng, giả hay thật thì chẳng nhẽ dân ta phải dùng hàng giả mãi hay sao?"

Sau phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát là tới Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. 


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc