(VnMedia) - Ngày 7/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát “việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012”. Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp...
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012”.
Theo báo cáo, việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật kinh tế, xã hội cấp bách đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế, bảođảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, nhất là các địa phương vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thể hiện chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Báo cáo cũng đánh giá, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có cố gắng, nỗ lực thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Tuy vậy, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, có nhiều hạn chế, hậu quả là thiếu nguồn lực rất lớn, lãng phí thất thoát đã xảy ra nhưng chưa lượng hóa được.
Qua giám cũng sát cho thấy, do mở rộng phạm vi đầu tư, bổ sung quá nhiều mục tiêu làm gia tăng số lượng dự án và tổng mức đầu tư nhưng không tính đến khả năng kinh tế, khả năng cân đối vốn dẫn tới tình trạng thiếu vốn lớn, làm chậm tiến độ hoàn thành nhiều dự án; cùng với việc khảo sát, thiết kế, thẩm định chưa tốt và khâu tổ chức thực hiện còn nhiều sai sót, vi phạm đã gây lãng phí và phân tán nguồn lực.
Đoạn Quốc lộ 22B xử lý kỹ thuật tăng 399 tỷ, trong khi toàn bộ tiền dự án đầu vào được duyệt chỉ có 437 tỷ |
Từ các tồn tại nêu trên, UBTVQH cho rằng, có trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH trong việc đưa ra một số chủ trương nhưng chưa đánh giá được hết những tác động trên nhiều mặt, cùng với trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong hai nhóm vấn đề., đó là trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Trước tình hình trên, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát lại tổng mức đầu tư của tất cả các dự án, phân loại và kiên quyết không bố trí vốn cho phần điều chỉnh tổng mức đầu tư không phù hợp với các quy định của nghị quyết Quốc hội, UBTVQH và Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ trung hạn giai đoạn 2013 - 2015, sử dụng nguồn vốn ngân sách tập trung, các nguồn lực khác, chuyển đổi hình thức đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa để bổ sung nguồn vốn đầu tư hoàn thành các dự án trong danh mục sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ;
Rà soát toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các VBQPPL có liên quan đến triển khai thực hiện vốn trái phiếu chính phủ, kịp thời đề xuất sửa đổi, bãi bỏ những quy định không phù hợp, trái thẩm quyền;
Chấn chỉnh lại công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, theo đó quy hoạch phải đi đôi với khả năng thực hiện, mang tính thống nhất, đồng bộ; chỉ đạo các bộ quản lý ngành cần rà soát lại quy hoạch, có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương, bảo đảm thống nhất; xem xét lại cơ chế phân cấp, công tác thẩm định, đấu thầu, chỉ định thầu, quyết toán công trình;
Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong công tác tham mưu, thực hiện vốn trái phiếu chính phủ, dẫn đến nhiều sai sót, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 qua kết quả giám sát, thanh tra, kiểm toán và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Vẫn cần sử dụng thêm trái phiếu chính phủ
Đồng tình phân tích những hạn chế nói trên cũng như những đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thảo luận tại hội trường ngày 7/6, nhiều đại biểu cũng đề nghị tiếp tục sử dụng thêm nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 cho các dự án trọng điểm đang thi công dở dang, đặc biệt là một số dự án trong các lĩnh vực cần được ưu tiên, nhất là các trường học đang xuống cấp đến mức mất an toàn, có thể sập đổ bất cứ lúc nào; một số công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tưới tiêu của một số tỉnh Tây Nguyên...
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) cũng nhất trí với đề nghị ưu tiên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2011 - 2015 khoảng hơn 7500 tỷ đồng cho một số dự án đang triển khai thực hiện còn thiếu vốn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng đề xuất, đối với các công trình còn thiếu vốn, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu thì cần phải tạo ra một điểm mở cho nền kinh tế. “Có nghĩa là có thể vừa chống lãng phí trong đầu tư cho các dự án dang dở vừa tăng đầu tư theo cách sản xuất. Đồng thời, theo Báo cáo của Chính phủ thì nợ công hiện tại vẫn còn ở mức an toàn nên tôi đề nghị Quốc hội xem xét phát hành thêm vốn trái phiếu Chính phủ để giải quyết số vốn còn thiếu của các dự án đang triển khai và các dự án phải giãn, hoãn”
Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có cam kết về trái phiếu Chính phủ để tiến hành hoàn thành dự án.
Nhiều dự án tăng vốn "khủng khiếp" |
Ý kiến bạn đọc