Người nghiện thích cai nhưng sợ quản lý

07:43, 25/06/2013
|

(VnMedia) - Những người nghiện rất mong muốn từ bỏ ma túy nhưng rất sợ bị quản lý, phân biệt đối xử. Do vậy, muốn cai nghiện hiệu quả, cần làm thế nào để người nghiện tự nguyện. Ngoài ra, cần cho họ có sự lựa chọn...


 Ảnh minh họa

 Tọa đàm trực tuyến về công tác hỗ trợ người cai nghiện ma túy - ảnh: Tuệ Khanh

 

Lâu nay, ở Việt Nam, việc cai nghiện ma túy thường là bắt buộc vào các trại tập trung, nhốt trong nhà, xích chân xích tay hay thậm chí là cho vào... cũi. Tuy nhiên, đây không phải là những biện pháp hiệu quả.

 

Trong buổi tọa đàm trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều 24/6, các chuyên gia và cả những người đã từng cai nghiện được ma túy đều cho rằng, việc điều trị bệnh nghiện nhất thiết phải có sự tự nguyện từ người bệnh.

 

- Có ý kiến cho rằng không phải cứ nghiện ma túy là tập trung tất cả vào 1 trung tâm, một lớp để điều trị, điều này liệu có đúng?

 

Ông Fabio Mesquita - Tiến sỹ, bác sỹ, Chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới: Phương pháp tốt nhất để điều trị nghiện phải dựa trên sự tự nguyện. Thực tế làm việc với người đã từng nghiện ma túy cho thấy, hầu hết những người nghiện ma túy đều có tiền sử nghiện rất lâu. Việc làm thế nào để bảo họ đi cai nghiện rất khó. Nhưng với sự trợ giúp của gia đình, cộng đồng, nhà nước thì chúng ta có thể giúp được họ.

 

Thay vì trừng phạt họ, hãy tăng cường các hoạt động mang tính gắn kết xã hội để giúp người nghiện tự nguyện điều trị các vấn đề của mình. Nhiều nước đã có bài học về điều trị nghiện hiệu quả, tuy nhiên, điều rõ ràng là họ phải có sự lựa chọn, một phương pháp duy nhất không bao giờ giải quyết được mọi vấn đề.

 

Tất nhiên, phương pháp đưa ra phải dựa trên cơ sở khoa học, thực chứng, hiệu quả thực tế. Có nhiều loại ma túy khác nhau, ví dụ nghiện heroin có thể dùng methadone nhưng đây cũng không phải là giải pháp hoàn hảo, giải quyết được 100% vấn đề. Vì người nghiện còn dùng nhiều loại ma túy khác. Người nghiện cần được hỗ trợ từ cộng đồng, được hỗ trợ về tâm lý,tham gia các hoạt động xã hội, được dậy nghề, được tư vấn việc làm,… Giải pháp methadone tốt, nhưng chỉ là một phần của nhóm giải pháp. Điều quan trọng là người nghiện được lựa chọn, không ai lựa chọn thay cho họ được.

 

- Thay đổi mô hình cai nghiện từ tập trung sang tự nguyện tại cộng đồng sẽ mang lại sự tích cực quan trọng, nhưng nhiều người quan niệm rằng đã nghiện ma túy thì chờ đợi sự tự nguyện thì rất khó?

 

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: Một trong những giải pháp quan trọng là chúng ta thay đổi những quy định tư pháp để tạo điều kiện hỗ trợ cho người nghiện ma túy được điều trị như người mắc bệnh bình thường. 
 

Mâu thuẫn hiện nay là chúng ta muốn họ đến các cơ sở cai nghiện nhưng thủ tục lại trở thành rào cản đẩy họ ra xa. Nếu chúng ta mở rộng hệ thống điều trị và người nghiện đến khám, điều trị dễ dàng như mọi thứ bệnh khác thì họ sẽ đến với chúng ta. Hiện tại, họ đang trốn chúng ta nên chúng ta không nắm được chính xác là có bao nhiêu người nghiện mà chỉ nắm dược những người đã lập hồ sơ hoặc đã từng hỗ trợ họ cai nghiện. Một số người nghiện mới không tự nguyện khai báo vì họ thấy việc đưa họ đi cai nghiện không đáp ứng được yêu cầu của họ.

 

- Theo số liệu của Bộ Công an, số người nghiện hiện là 170.000 người nhưng thực tế lớn hơn. Vậy làm thế nào để những người không có trong danh sách quản lý tự nguyện đến các cơ sở khám chữa bệnh để chúng ta có thể cập nhật danh sách cũng như tạo điều kiện chăm sóc họ tốt hơn?

 

Chị Huỳnh Như Thanh Huyền - mạng lưới quốc gia của những người sống chung với HIV/AIDS tại Việt Nam (VNP+): Cộng đồng những người nghiện ma túy rất mong đợi Chính phủ không chỉ áp dụng một mô hình cai nghiện và cho dù triển khai mô hình nào hãy dựa trên tinh thần tự nguyện. Nếu đảm bảo được quyền riêng tư của họ và chứng minh để họ thấy có thể tham gia một cách tự nguyện thì họ sẽ đến đăng ký tham gia các chương trình cai nghiện.

 

Trung tâm chỉ là một mô hình, người nghiện có thể tham gia các mô hình cai nghiện khác như cai nghiện bằng methadone, mô hình cai nghiện tại cộng đồng và các mô hình khác. Tôi tin rằng khi có nhiều mô hình như vậy, họ sẽ lựa chọn mô hình phù hợp cho mình.

Với kinh nghiệm của một người đã nghiện ma túy tôi thấy rằng, những người nghiện rất mong muốn từ bỏ ma túy nhưng rất sợ bị quản lý, phân biệt đối xử. Thậm chí cả khi có việc làm, họ vẫn sợ cơ quan quản lý truy hỏi về khả năng tái sử dụng ma túy. Chúng tôi rất mong đợi nhiều mô hình, sự trợ giúp, động viên tinh thần từ cộng đồng và được như vậy họ sẽ tự nguyện đi cai nghiện.


Ma túy tổng hợp đang ngày càng gia tăng
 

- Việc điều trị nghiện những dòng gốc thuốc phiện bằng methadone đã được chứng minh là khá hiệu quả cả về chất lượng điều trị cũng như giảm thiểu gánh nặng kinh tế cho nhà nước, nhưng tới đây việc điều trị nghiện này có được nhân rộng ra toàn quốc không vì hiện nay các điểm uống còn khá ít?

 

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Đến thời điểm này chúng ta có khoảng 60 điểm hỗ trợ điều trị nghiện bằng methadone. Ủy ban Quốc gia đã giao Bộ Y tế mở rộng mô hình này cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chúng ta có Đề án mục tiêu đến năm 2015 phải có khoảng 70-80.000 người trong số 171.000 người có hồ sơ quản lý tiếp cận được với methadone. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy, rõ ràng methadone chỉ là một trong số các giải pháp, những người dùng được methadone chỉ là những người nghiện các chất dạng thuốc phiện, trong khi đó xu thế hiện nay là ma túy tổng hợp ngày càng tăng, nhiều nước ở khu vực lân cận cũng đi con đường giống như chúng ta như Thái Lan - bây giờ gặp vấn đề chủ yếu là ma túy tổng hợp.

 

Cũng có thể đến một lúc nào đó, ma túy tổng hợp lại chiếm tỷ trọng lớn hơn. Chúng ta phải xác định là không có mô hình nào duy nhất cả, không có phác đồ nào là đúng cho tất cả mọi người.

 

Để thích ứng với điều này, chúng ta phải chuẩn bị cả cách thức hỗ trợ họ nhất là đối với những người dùng ma túy tổng hợp. Tôi đang có chỉ đạo xây dựng mô hình cai nghiện ở cộng đồng phải rất đa dạng và phong phú. Có thể phải có một nơi vừa là trung tâm y tế, vừa là câu lạc bộ cho người nghiện sinh hoạt, lại có thể vừa là công viên để thư giãn, nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Chúng ta phải đi theo mô hình như vậy. Xây dựng các mô hình như vậy thì may chăng mới có thể hỗ trợ người nghiện cả hiện tại cũng như mai sau.

 

- Nhiều ý kiến cho rằng, khi chúng ta cho người nghiện uống methadone, vô hình chung là thay thế từ ma túy nặng hơn xuống một thứ ma túy có liều thấp hơn?

 

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Trong y tế, người ta xếp methadone cũng là một chất gây nghiện, tuy nhiên, cũng giống như các bệnh mãn tính khác, nếu có một loại thuốc nào đó để sử dụng giảm tác hại của bệnh tật, thì chúng ta nên coi đó là một thuốc chữa bệnh. Không nên quá nặng nề hiểu rằng, đó là việc đưa một chất gây nghiện khác vào người. Bởi vì Methadone có thể phải dùng lâu dài, nhưng lại giúp người nghiện không lệ thuộc vào heroine nữa, sức khỏe được hồi phục, tinh thần thoải mái, cách nhận thức cũng như hành vi chuẩn mực như người bình thường và hòa nhập được với cộng đồng.

 Bà Zhuldyz Akisheva - Giám đốc quốc gia Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: Vào ngày 26 tháng 6 hàng năm, thế giới sẽ kỷ niệm ngày thế giới phòng chống lạm dụng và buôn bán ma túy bất hợp pháp. Theo báo cáo tình hình sử dụng ma túy toàn cầu sẽ được công bố vào ngày 26/6 tới đây, hiện nay trên thế giới 315 triệu người nghiện ma túy. Một nguy cơ đáng lo ngại là ngoài các loại ma túy truyền thống có rất nhiều loại ma túy mới, xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
 
Chiến dịch nâng cao nhận thức toàn cầu của UNODC năm nay với tên gọi “Hãy bay bằng sức mình, không phải bằng ma túy” có mục tiêu nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là các bạn trẻ về những tác hại của ma túy, đặc biệt là tác hại của các chất hướng thần mới (NPS).


Tuệ Khanh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc