Làm thủ tục hành chính chỉ cần đọc "số định danh"

07:22, 09/06/2013
|

(VnMedia) - Ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa chính thức phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.


>>Tất cả thông tin cá nhân trong một mã số
 

Theo đó, Đề án sẽ bảo đảm thông tin cơ bản về công dân phải được quản lý tập trung, thống nhất từ khi công dân sinh ra (đăng ký khai sinh) đến khi chết (đăng ký việc tử) trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các Bộ, ngành, địa phương được quyền khai thác các thông tin cơ bản về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính.

 

Theo lộ trình được phê duyệt, trước mắt, trong giai đoạn 2013 - 2014, sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân.

 

Trong giai đoạn này, sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý, xác định nội hàm, giá trị pháp lý của số định danh cá nhân; tiến tới khi thực hiện thủ tục hành chính cá nhân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân để cơ quan có thẩm quyền tra cứu những thông tin cơ bản của cá nhân, không cần yêu cầu cá nhân xuất trình giấy tờ, hạn chế tối đa việc sao chụp giấy tờ liên quan đến cá nhân, giảm thủ tục và chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính.

 

Công việc này được Thủ tướng giao cho Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện.

 

Tiếp đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cấp, quản lý và sử dụng số định danh cá nhân để từ năm 2016. Theo đó, cơ quan Công an cấp số định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh trước ngày 1/1/2016; cơ quan Tư pháp phối hợp với cơ quan Công an cấp số định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016.

 Ảnh minh họa

Sẽ phát triển ứng dụng Thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch

 

Theo Đề án được phê duyệt, đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi cả nước. Từ năm 2016, thực hiện việc nhập thông tin cơ bản về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của mọi công dân sẽ được nhập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân; các cơ quan hành chính nhà nước tại bốn cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân;

Hoàn thành việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư;

Đây cũng là giai đoạn phát triển ứng dụng Thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như: giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu đến cuối năm 2020, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm các loại giấy tờ công dân khác như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ mã số thuế cá nhân và các giấy tờ khác có liên quan.

Trong Đề án này, Bộ Thông tin và Truyền thông được Thủ tướng giao nhiệm vụ phối hợp triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có nhiệm vụ xây dựng, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo kết nối liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc