(VnMedia) - Ngày mai 10/6, lần đầu tiên sau 69 năm, Quốc hội sẽ chính thức tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trước phiên làm việc quan trọng đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí |
- Thưa ông, thứ 2 tới đây Quốc hội sẽ chính thức tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Vậy việc này có được công khai hay không?
Đương nhiên việc đó sẽ là công khai rồi. Quá trình lấy phiếu tín nhiệm, báo chí sẽ được tham gia ngay từ đầu, như quá trình bỏ phiếu và quá trình công bố kết quả.
- Vậy quy trình lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện như thế nào?
Phiếu sẽ lấy theo từng chức danh như Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, chức danh thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, rồi Bộ trưởng…. Việc kiểm phiếu sẽ được thực hiện như bình thường. Ban kiểm phiếu gồm đầy đủ đại biểu Quốc hội các tỉnh, các ngành. Ban kiểm phiếu sẽ làm việc khách quan, dân chủ. Kết quả sẽ được công bố theo 3 mức độ là tín nhiệm cao, tin nhiệm và tín nhiệm thấp kèm theo là bao nhiêu phiếu tín nhiệm cao, bao nhiêu phiếu tín nhiệm và bao nhiêu phiếu tín nhiệm thấp.
- Theo quy định thì nếu cử tri có ý kiến liên quan đến những người được lấy phiếu tin nhiệm thì Mặt trận Tổ quốc sẽ có báo cáo gửi cho các đại biểu. Vậy tình hình đó được triển khai như thế nào?
Cho đến giờ phút này chúng tôi không thấy có ý kiến nào của cử tri gửi qua Mặt trận Tổ quốc tập hợp như theo quy định, đó là trước 20 ngày.
- Vậy có ý kiến nào phản ánh về việc “chạy phiếu” không, thưa ông?
Cho đến giờ phút này thì chúng tôi chưa nhận được.
- Nhưng nếu có tình trạng đó thì mình có biện pháp nào để ngăn chặn không?
Đương nhiên đại biểu nào làm như vậy thì đại biểu đó mất uy tín. Ai phát hiện ra, người ta sẽ có ý kiến ngay. Còn thực tế thì đến giờ này thì chưa thấy có biểu hiện nào góp ý với Thường vụ về việc đó cả. Nếu có hiện tượng gì thì bao giờ cũng phải báo cáo Thường vụ Quốc hội..
- Có ý kiến cho rằng, càng gần đến lúc thời điểm lấy phiếu tín nhiệm thì hoạt động của những người được lấy phiếu càng lặng lẽ hơn, và phát ngôn của họ cũng dè dặt hơn. Ông có nghĩ rằng việc lấy phiếu có tác động đến ứng xử của những người được lấy phiếu?
Tôi nghĩ rằng đó chỉ là sự suy diễn. Hỏi gì hay nói gì là quyền của mỗi người.
- Vậy việc đánh giá sẽ phụ thuộc vào tiêu chí nào?
Ai được nhiều đại biểu quốc hội tín nhiệm cao tức là hoàn thành tốt nhiệm vụ, ai nhiều phiếu tín nhiệm là hoàn thành nhiệm vụ, còn đại biểu nào thấp quá, dưới 50% là không hoàn thành nhiệm vụ.
- Ông có lo ngại tình trạng đại biểu “xuê xoa” đánh phiếu tín nhiệm nhiều hơn hay không, thưa ông?
Đừng đánh giá đại biểu Quốc hội như thế. Đại biểu người ta có suy nghĩ, có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chứ đâu phải chuyện xuê xoa được. Anh là đại diện cho dân, anh phải lĩnh hội ý kiến nhân dân, phải tham khảo, phải suy nghĩ chứ.
- Vậy, đến giờ phút này, tất cả những công việc hậu cần cho phiên đầu tiên này đã được chuẩn bị thật sự chu đáo chưa, thưa ông?
Công tác chuẩn bị đang cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất theo quy định, từ mẫu phiếu, chuẩn bị danh sách ban kiểm phiếu, báo cáo… Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sau 69 năm Quốc hội mới làm việc này, chắc chắn sẽ còn những việc cần phải rút kinh nghiệm, cho nên cũng chưa thể khẳng định ngay được. Trong qúa trình làm sẽ rút kinh nghiệm dần. Tôi tin rằng các lần sau sẽ tốt hơn.
- Một số đại biểu cho rằng, có quá ít thời gian thảo luận về các vấn đề mà cử tri hoặc đại biểu còn băn khoăn cần được làm rõ hơn trước khi lấy phiếu, hoặc chất vấn trước khi lấy phiếu. Vậy tại sao mình lại làm ngược lại?
Việc lấy trước thực ra là để giải quyết vấn đề công bằng giữa những người được chất vấn kỳ này và những người chưa được chất vấn.
- Cá nhân ông với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về việc chuẩn bị lấy phiếu này?
Tôi vừa là đối tượng lấy phiếu, vừa chính là người bỏ phiếu cho nên phải hết sức suy nghĩ. Mình là người đại diện cho dân, đã qua tiếp xúc cử tri, qua đọc các báo cáo giám sát, qua thảo luận trên hội trường, qua thực tiễn kinh tế - xã hội vừa qua thì phải suy nghĩ xem ngành gì, lĩnh vực gì mà các đồng chí tư lệnh hoàn thành tốt để cầm lá phiếu bỏ cho chính xác. Tôi đang nghiên cứu rất kỹ báo cáo của các vị gửi đến.
- Vừa rồi, qua thí điểm bỏ phiếu tín nhiệm của Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng chưa thật sự hiệu quả. Ông có lo ngại lần này sẽ diễn ra tình trạng “hòa cả làng” hay không?
Tôi không cho rằng đó là vấn đề hòa cả làng. Cái chính là chúng ta đánh giá kết quả cho nó chính xác. Không phải cứ lấy phiếu tín nhiệm xong phải có người thấp mới là tốt.
- Nhưng thông qua các báo cáo giám sát thì thấy còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Vậy nếu kết quả lại tốt hết thì như thế nào?
Đó chỉ là một lĩnh vực thôi. Một bộ ngành nào đó có rất nhiều lĩnh vực, trong đó có trách nhiệm là chỉ đạo công tác về trái phiếu chính phủ. Do đó, vì tồn tại ở trái phiếu chính phủ mà đánh giá người ta không hoàn thành nhiệm vụ là không phải. Có thể mảng này Bộ đó làm chưa tốt, nhưng mảng khác tốt thì sao?
- Khi đánh giá các chức danh, cá nhân ông đặt phẩm chất nào lên hàng đầu?
Bao giờ tiêu chí đầu tiên cũng là hoàn thành nhiệm vụ do Đảng và nhân dân giao cho. Tiếp đó là phẩm chất đạo đức. Hai cái đó phải đi song song với nhau. Anh là tư lệnh, là lãnh đạo của một ngành, anh phải hoàn thành nhiệm vụ của mình trước tiên.
- Xin cảm ơn ông !
Ý kiến bạn đọc