Không xử lý cán bộ để được... khen thưởng

15:25, 08/06/2013
|

(VnMedia) - Thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng, Bộ Tư pháp đã đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nhiều vấn đề, tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã bảo vệ hầu hết những quan điểm xây dựng các điều khoản đó....

Lo "giấu" sai phạm để được khen thưởng
 
Bản Thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên ký, đánh giá, các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật về cơ bản đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và Bộ Tư pháp nhất trí với nhiều nội dung của Dự thảo Luật.
 
Tuy nhiên, để bảo đảm hơn nữa tính thống nhất, đồng bộ của yăn bản trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi của văn bản sau khi được ban hành, Bộ Tư pháp đề nghi Bộ Nội vụ cân nhắc thêm một số vấn đề cụ thể.
 
Theo đó, Bộ Tư pháp thống nhất với Bộ Nội vụ về quan điểm cần thay đổi cách thức xác định tiêu chuẩn khen thưởng, hình thức khen thưởng theo hướng việc khen thưởng là đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, cần được thực hiện kịp thời và với các hình thức khen thưởng, tương xứng với tính chất của thành tích mà không xác định, hình thức khen thưởng theo trình tự từ khen thưởng hình thức thấp lên hình thức cao, hoặc “tích lũy thảnh tích”, lấy hình thức thấp làm tiêu chuẩn để đạt được hình thức khen thưởng cao.
 
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đề nghị Ban soạn thảo cân nhấc quy định “có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng xuất lao động” là tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, vì các tiêu chuẩn này chỉ có thể áp dụng đối với các ngành, sản xuất, kinh doanh hoặc nghiên cứu khoa học mà chưa thực sự phù hợp với các cơ quan nhà nước.
 
“Nhiệm vụ của các cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước là tham mưu, giúp việc trong hoạt động quản lý nhà nước, nên trên thực tế, sẽ rất khó để xác định thế nào là sáng kiến của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình khi xét tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” – Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhận định.
 
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị cân nhắc việc bổ sung tiêu chuẩn “tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh...” tại Điều 26, Điều 35, Điều 44... của Dự thảo Luật, vì đây là các tiêu chuẩn để đánh, giá trong tổ chức và hoạt động của nội bộ các tổ chức Đảng và thực hiện theo Điều, lệ của Đảng, không nên cụ thể hoá thành các quy định của Luật.
 
Bộ Tư pháp cũng đề nghị cân nhắc tiêu chuẩn “không có cá nhân bị kỷ luật từ hình, thức cảnh cáo trở lên” trong xét tặng danh hiệu “tập thể lao động xuất sắc”, vì theo Bộ Tư pháp, tiêu chuẩn này chưa thực sự phù hợp với những tập thể có cơ cấu tổ chức lớn.
 
Mặt khác, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc kỷ luật cán bộ, công chức là để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ,. công chức, viên chức và người lao động và thuộc về công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, không nên coi là một trong những tiêu chuẩn về thành tích để xét danh hiệu khen thưởng của tập thể.
 
“Với quy định này, cỏ thể tập thể đó sẽ vì lo ngại ảnh hưởng đến thành tích chung mà không xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghiêm túc, đúng hình thức xử lý theo quy định” – Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh.
 
Với các quy định của Dự thảo Luật về kéo dài các mốc thời gian cống hiến, thời gian đạt thành tích, thời gian, xây dựng và phát triển, thời gian bình xét các danh hiệu... (ví dụ việc thay đổi thời hạn từ hàng năm lên 5 năm xét một lần đối với Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang; nâng thời gian xét khen thưởng đối với một số danh hiệu vinh dự nhà nước (2 năm lên 3 năm), giải thưởng nhà nước (2 năm lên 5 năm), Cờ thi đua của Chính phủ (từ hằng năm lên 3 năm)….là tiêu chuẩn xét khen thưởng, Bộ Tư pháp đề nghị rà soát kỹ để quy định cho phù hợp với các hình thức khen thưởng, nguyên tắc khen thưởng “kịp thời” và mục đích của khen thưởng là tôn vinh thành tích của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
 
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Nội vụ cân nhắc xác định mối quan hệ giữa hình thức giấy khen với bằng khen của bộ, ngành, tỉnh.... thì hình thức nào cao hơn, hình thức nào là tiêu  chuẩn để đạt được hình thức khen thưởng còn lại. Đồng thời, đề nghị cân nhắc thêm việc quy định “hai lần trở lên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở” là tiêu chuẩn để đạt được giấy khen của vì quy định như yậy là quá cao, chưa tương thích với các tiêu chuẩn còn lại và cũng chưa tương thích với thẩm quyền khen của hình thức giấy khen.

Đảm bảo tính tiêu biểu xuất sắc của danh hiệu 
 
Tuy nhiên, giải trình về những quy định trên mà Bộ Tư Pháp đề nghị cân nhắc nói trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà cho rằng, tiêu chuẩn “sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng xuất lao động” để xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” là phù hợp và được áp dụng đối với tất cả các đối tượng tham gia và bình xét danh hiệu thi đua, vì theo trên Nghị định số 13/NĐ-CP ngày 2/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ sáng kiến thì khái niệm “sáng kiến” bao gồm cả giải pháp, đề tài nghiên cứu.
 
“Bảo vệ” cho việc quy định tiêu chuẩn “tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh...” để bình xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đối với tập thể, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng được xét tặng cho những tập thể có thành tích toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao trong đó tiêu chuẩn “tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh...”. Còn đối với tập thể có quy mô lớn, cấp Bộ, cấp tỉnh, thì lấy tỷ lệ các đơn vị trực thuộc hàng năm đạt cơ sở tổ chức đảng trong sạch vững mạnh để xem xét bổ sung vào thành tích chung của tập thể khi đề nghị khen thưởng.
 
Đối với góp ý về tiêu chuẩn “không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên” trong bình xét danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, Bộ Nội vụ cũng khẳng định rằng, quy định như vậy để đảm bảo tính tiêu biểu xuất sắc của danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, mặt khác danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” chủ yếu xét đối với tập thể có quy mô nhỏ, không xét đối với tập thể có quy mô lớn như bộ, ngành, tỉnh, cấp sở...
 
Tương tự, để bảo vệ quan điểm kéo dài các mốc thời gian cống hiến, thời gian đạt thành tích, thời gian xây dựng và phát triển, thời gian bình xét các danh hiệu… Bộ Nội vụ cho rằng, quy định như vậy là để nhằm nâng cao tiêu chuẩn, tránh khen tràn lan.
 
“Ví dụ như mốc thời gian để làm căn cứ xét khen thưởng từ Huân chương Lao động hạng Ba trở lên đối với tập thể từ 15 năm trở lên và quy định niên hạn thời gian để xét từ Huân chương Độc lập lên Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Hồ Chí Minh lên Huân chương Sao Vàng là 10 năm thay cho 5 năm như hiện nay, như vậy sẽ có nhiều đối tượng cần phải tiếp tục phấn đấu để đề nghị xét khen thưởng, tránh hiện tượng trong cùng một thời gian được khen thưởng nhiều loại huân chương khác nhau, đồng thời đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng là 5 năm xét một lần, để tôn vinh vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp và phù hợp với việc tổng kết, đánh giá kế hoạch kinh tế, xã hội của 5 năm, trừ những trường hợp có thành tích đột xuất đặc biệt xuất sắc” - Thứ trưởng Trần Thị Hà dẫn chứng.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc