Làm bất cứ nghề gì mà mỗi ngày đều cố gắng làm tốt hơn, hoặc giữ không để cho nghề mình bị xuống cấp, thì đều đáng tôn trọng.
1. Có một nghề trong tay, đó là dấu hiệu của một người đã trưởng thành, là tấm giấy thông hành để vào đời. Không có nghề nghiệp, hay vô công rồi nghề, có thể coi là điều nhục nhã của một người, chắc hẳn vì anh ta/ chị ta cảm thấy mình bị đẩy ra bên lề xã hội, không được hòa nhập vào cộng đồng nhân loại. Nói chung, ta phải tồn tại như một người có nghề nghiệp, không phải chỉ để mưu sinh, mà còn là, và chủ yếu là để hiện thực hóa bản tính làm người của mình.
Nghe như điều đó là chân lý sắt đá, nhưng vẫn có tiếng nói khác thường. Thi sĩ Hoelderlin (Đức) có lẽ là người duy nhất không coi trọng nghề nghiệp và sự nghiệp khi ông nói: “Đã đành cuộc sống đầy sự nghiệp, nhưng hãy ở đời như một thi sĩ”. Mà “làm thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (Xuân Diệu). Thi sĩ không màng, không tham dự vào việc biến đổi thế giới này. Nhưng một quan niệm như thế giờ cũng đã lạc hậu. Làm thơ, làm thi sĩ giờ đây đã trở thành một nghề hẳn hoi, chuyên nghiệp. Thơ của họ thực sự đóng góp vào thế giới tinh thần của nhiều người. Những buổi đọc thơ của họ giúp nâng cao trí tuệ và cảm xúc của người yêu thơ. Và họ được vinh danh, được trả tiền cho công việc của mình. Ngoài ra, họ còn dạy làm thơ nữa. Và công việc phức tạp cao cấp đó rõ ràng là một nghề chuyên môn. Ngẫm nghĩ lại chúng ta thấy hình như ông Hoelderlin muốn đề cao việc làm thơ, làm thi sĩ như là một siêu nghề nghiệp, siêu chuyên môn, chứ không hẳn là bác bỏ việc người ta nên có một nghề nghiệp hay sự nghiệp.
Tương tự, có lẽ cũng rất ít người nghĩ rằng tu sĩ và các vị hành đạo cũng là một nghề. Trái lại, họ là những người lo phần linh hồn và thế giới tâm linh cho những người mộ đạo. Không có họ, nhiều người không biết làm gì lúc chiều xuống, đêm về sau khi mọi việc gia đình xã hội đã xong, và những xao xuyến siêu hình trong lòng họ dậy lên. Ai sẽ an ủi họ khi họ kề cận cái chết và những hoàn cảnh khắc nghiệt khác nếu không phải là những người có “chuyên môn” và “kỹ thuật” đặc biệt.
|
Ta thường dễ nhận ra sự trống rỗng trong một ngôi nhà, trong một ngôi làng, những sự thiếu thốn vật chất, tiện nghi chung quanh mình chứ ít khi cảm thức được sự trống rỗng về tinh thần, về linh hồn trong một con người và những hậu quả ghê gớm nó gây ra cho người ấy, và vì vậy chúng ta không quen nghĩ đến những “nghề nghiệp” có khả năng lấp đầy những vực thẳm chết chóc đó.
Nhưng ta sẽ không bàn sâu chuyện đó ở đây.
2. Nghề nghiệp của mỗi người thường bắt nguồn từ năng khiếu (natural gift) hay thiên hướng (vocation) của người đó. Nhưng thiên hướng hay năng khiếu không thể tự nhiên theo thời gian mà biến thành một nghề nghiệp. Người ta phải học tập để lấy kiến thức bên ngoài bổ sung củng cố, vun bồi để nó phát triển lên, đúc kết dần dần thành một chuyên môn điêu luyện của riêng ta. Có thiên hướng xuất chúng xuất hiện rõ ràng ngay từ rất sớm ở một số người khi còn nhỏ. Và ta thường gọi đó là thần đồng, chẳng hạn thần đồng âm nhạc Mozart. Nhưng đó chỉ là ngoại lệ hiếm hoi. Phần đông chúng ta không nhận thấy rõ thiên hướng của mình mà phải nhờ đến cha mẹ, thầy giáo và những người từng trải phát hiện chỉ ra giúp. Và đó là nguồn cội của giáo dục. Như vậy có thể nói mục đích của giáo dục là vun trồng cho muôn loài kỳ hoa dị thảo, mà ta là một trong số đó, nảy nở ngập tràn trên trần gian này.
Một khi chúng ta đã thấy rõ năng khiếu và thiên hướng của mình rồi, ta thấy con đường trước mặt dường như mở ra thênh thang vô tận. Hãy đi theo con đường đó cho đến khi bạn thành thạo đến độ có thể nhắm mắt mà đi vẫn tới đích. Có nghĩa là hãy làm đúng cái nghề mà ta có khả năng nhất vốn đã bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ. Ta sẽ thấy hạnh phúc vì được là mình, được trở nên chính mình, như triết gia Đức Martin Heidegger từng nói: “Deviens ce que tu es” hay gần đây là lời kêu gọi của ban nhạc huyền thoại Bee Gees: “Be who you are”. (Cả hai câu nói đều có nghĩa gần giống nhau là: “Hãy trở nên chính mình”). Đến đây, dường như chúng ta đã chạm tới một câu ngạn ngữ Việt
Câu nói ấy thời nay còn đúng nữa không?
Thường thì chúng ta không được trời cho cùng lúc nhiều năng khiếu hay thiên hướng khác nhau. Mỗi người chỉ có một dấu hiệu nổi trội, ban đầu còn mờ nhạt, dần dần theo thời gian mà rõ lên. Có thể diễn dịch câu ngạn ngữ Việt đó theo hướng này: khi đã tinh thông một nghề, thì cái “thân” hay “bản ngã” (identity) của ta được vinh hiển, tức là ta được làm người trọn vẹn. Cái từ “làm người” trong tiếng Việt rất hay. Không phải “to be human” mà là: làm người. Nghĩa là tính cách “người” luôn gắn với tính cách “làm”, tức là làm người và làm nghề là một. Nói cách khác, không “làm” hay chưa làm một nghề tinh thông, ta chưa xứng đáng với bản tính người của ta. Ta không thể hình dung ra một người trưởng thành về lý trí mà lại không có nghề. Nếu có một người như thế, hẳn đó là một người không may, họ bị khuyết tật từ nhỏ. Càng tinh thông một nghề, sự hiện diện của ta trong xã hội, trong cộng đồng càng rõ ràng và độc đáo. Đó có thể là ý nghĩa của chữ “vinh”.
Nhưng đấy có thể chỉ là cái nhìn trừu tượng. Nhìn dưới diễn trình lịch sử, nhiều người sẽ phản đối quan điểm đó. Vì trong thực tế, sự phát triển của công nghệ - máy móc ngày càng làm cho nhiều người trở nên vô dụng, mất công ăn việc làm, nhiều ngành nghề truyền thống bị mai một, chẳng hạn, những nghề thủ công mỹ nghệ… Một số người lành nghề (nghệ tinh) trong các địa hạt ấy không thấy mình vinh hiển (thân vinh) nữa. Họ chỉ còn ngậm ngùi nghĩ về một thời vang bóng.
Một lần nữa, vấn đề không phải hoàn toàn như vậy. Có rất nhiều nghề thủ công không bao giờ có thể mất đi được, ví dụ: nghề làm kim hoàn, sửa đồng hồ, hớt tóc, đan len, trồng hoa, trang điểm…
3. Làm bất cứ nghề gì mà mỗi ngày đều cố gắng làm tốt hơn, hoặc giữ không để cho nghề mình bị xuống cấp, thì đều đáng tôn trọng, dù đó là công việc khó khăn phức tạp của một bác sĩ phẫu thuật hay công việc đơn giản của một người phục vụ quán cà phê. Họ là những người tự trọng, tức là biết tôn trọng cái nghề nuôi sống mình, đóng góp cho xã hội, và là cái bản tính thứ hai của mình. Người Anh có câu: It’s NOT the job you DO, It’s HOW you DO the job. Đó chính là sự chuyên nghiệp. Người Pháp thì nói: Il n’y a pas de sot métier (Không có nghề nào xấu.) Là một người thợ mộc và đóng những chiếc ghế gỗ vừa đẹp, vừa chắc chắn để có thể sử dụng lâu dài thì đáng kính trọng hơn một chính trị gia tham nhũng và đưa ra những chính sách sai lầm. Đơn giản là hãy làm một người thợ mộc lương thiện trong sáng thay vì một chính khách bụng dạ đen tối. Có một người thợ mộc như thế tên là Joseph ở một vùng đất hẻo lánh xa xôi trên đất Do Thái thời xa xưa. Ông Joseph sống tử tế, làm nghề đàng hoàng khiến “đức Chúa trời” cảm động và người đã cho con một yêu dấu của mình là Jesus xuống đầu thai trong lòng bà Maria, vợ của ông Joseph. Mặt khác, từng có những nhà chính trị khét tiếng xấu xa ở xứ mình vì lợi ích riêng tư mà phạm tội để rồi mãi mãi bị người đời sau phỉ nhổ. Họ đã không yêu nghề của họ, mà chỉ lợi dụng nghề đề mưu lợi riêng tư.
Có một nghề trong tay là sự khởi đầu công cuộc làm người của mình, hoặc nói cách khác, với một nghề trong tay, chúng ta như một cái bình rỗng được rót đầy. Nghề nghiệp là cánh tay nối dài của ta, để ta nắm bắt được nhiều hơn cuộc sống, thu lượm được nhiều hơn hoa trái, và cũng để giúp đỡ nhiều hơn mọi người chung quanh.
Ý kiến bạn đọc