Hà Nội khẩn trương mua áo chống cháy

08:01, 16/06/2013
|

(VnMedia) - Lãnh đạo Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy khẩn trương mua sắm áo chống cháy và bổ sung ngay hóa chất bọt chữa cháy; đề xuất Thành phố về chế độ bồi dưỡng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia khắc phục sự cố...


>>Nghị trường lại "nóng" vấn đề cháy nổ
 >>Toàn cảnh vụ cháy cây xăng kinh hoàng


Hàng loạt động thái tích cực đã được Lãnh đạo Thành phố chỉ đạo triển khai sau vụ cháy nổ kinh hoàng hôm 3/6 tại trạm xăng quân đội số 2B Trần Hưng Đạo khiến 9 cảnh sát chữa cháy phải nhập viện.

 

Theo đó, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch đấu thầu Dự án đầu tư trang thiết bị phòng cháy chữa cháy đã được UBND Thành phố phê duyệt; khẩn trương mua sắm áo chống cháy trang bị cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm nhiệm vụ, đồng thời bổ sung ngay lượng hóa chất bọt chữa cháy, bảo đảm đủ cơ số.

 

Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cũng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng các cơ chế chỉ huy, điều hành, phương án huy động lực lượng, vật tư, trang thiết bị.... khi có sự cố cháy nổ xảy ra; thường xuyên tổ chức diễn tập xử lý các tình huống cháy nổ.

 

Cũng theo chỉ đạo của Lãnh đạo Thành phố, Sở Tài chính bố trí kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy thuộc trách nhiệm của địa phương, đề xuất UBND Thành phố về chế độ bồi dưỡng cho các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng trực tiếp tham gia khắc phục sự cố hoặc do thiên tai gây ra như hỏa hoạn, bão lũ...

 

Lãnh đạo Thành phố yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đặc biệt là tăng cường thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về an toàn phòng, chống cháy nổ.


 Ảnh minh họa

 Nhiều chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã phải làm nhiệm vụ trong tình trạng không có bất kỳ phương tiện bảo hộ nào - ảnh: Ngọc Lân

 

Đặc biệt, sau khi có rất nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng những cây xăng tồn tại trong các khu dân cư gây nguy hiểm cho tính mạng người dân, Lãnh đạo Thành phố yêu cầu.


Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy phải kiểm tra thường xuyên công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, địa điểm kho hàng, kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, những cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao..; phối hợp với sở Công thương trong việc quản lý cấp phép kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cháy nổ, kịp thời đình chỉ các đơn vị, tổ chức, cá nhân kinh doanh không bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ; chỉ đạo di dời ngay các trạm, kho, cửa hàng xăng dầu, hóa chất ở những địa điểm không bảo đảm quy định ra ngoài theo quy hoạch đã được duyệt.

 

Chủ tịch UBND các quận, huyện thị xã có nhiệm vụ chỉ đạo rà soát, kiểm tra các trạm bán xăng dầu trên địa bàn, có văn bản kiến nghị đình chỉ, di dời ngay các cửa hàng, kho hàng xăng dầu, khí đốt hóa lỏng gần sát các khu dân cư, các cơ sở sản xuất không đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.

 

Riêng với các cây xăng của quân đội, Lãnh đạo Thành phố yêu cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô rà soát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc Bộ Tư lệnh quản lý, điều chỉnh chức năng, chỉ thực hiện cấp pháp xăng dầu cho các đơn vị quân độ, hạn chế việc bán lẻ xăng dầu, nhất là đối với các địa điểm không đảm bảo về an toàn phòng chống cháy nổ.


 Ảnh minh họa

Các Đại biểu Quốc hội đề nghị có chế độ cho những người tham gia làm công tác chữa cháy mà bị thương hoặc hi sinh như với các thương binh, liệt sĩ

  

Cũng theo Lãnh đạo Thành phố Hà Nội thì sau khi sự cố cháy nổ tại trạm xăng xảy ra, Thành phố đã biểu dương và có quyết định khen thưởng các lực lượng tích cực tham gia, nỗ lực trong việc ngăn chặn, dập tắt vụ cháy tại trạm xăng 2B Trần Hưng Đạo, đồng thời có chính sách, chế độ hỗ trợ việc khám chữa bệnh, bồi dưỡng, độngviên đối với các cán bộ, chiến sĩ bị thương.

 

Ngay sau khi hỏa hoạn xảy ra, Sở Công thương đã có văn bản đình chỉ ngay việc kinh doanh bán xẻ xăng dầu tại trạm xăng nói trên.

 

Trước đó, vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại trạm xăng quân đội số 2B Trần Hưng Đạo đã khiến 9 cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị thương phải cấp cứu tại bệnh viện. Liên quan đến vụ cháy này, dư luận hết sức lo ngại về tình trạng các cây xăng nằm trong khu dân cư. Cùng với đó, quan sát trực tiếp, qua hình ảnh hoặc các clip ghi lại vụ cháy, người dân một mặt ghi nhận và biết ơn lòng dũng cảm của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy vì nếu không có các anh, có thể téc xăng sẽ phát nổ như một quả bom và hậu quả sẽ rất kinh khủng. Mặt khác, dư luận cũng không đồng tính với việc các cơ quan có trách nhiệm để các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy phải làm nhiệm vụ trong tình trạng thiếu hoặc không được trang bị bảo hộ chữa cháy, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của họ. Ngoài ra, các phương tiện chữa cháy vừa thiếu, vừa không hiện đại đã khiến việc chữa cháy khó khăn, kéo dài thời gian.

 

Liên quan đến vấn đề này, trả lời cơ quan báo chí, Lãnh đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cho biết, hiện nay toàn Thành phố chỉ có 50 bộ quần áo chữa cháy bởi giá thành của nó rất cao, lên đến 300 triệu đồng một bộ. Thậm chí, nhiều phương tiện còn phải “đi xin lại” của Nhật.

 

Vấn đề cháy nổ, phương tiện bảo hộ và phương tiện phòng cháy, chữa cháy cũng trở thành vấn đề “nóng” trong Nghị trường Quốc hội khi đúng dịp này, Quốc hội đang tiến hành góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Nhiều đại biểu đề nghị, ngoài việc cần đầu tư trang thiết bị hiện đại, có chế độ chính sách đối với người tham gia chữa cháy thì cần phải quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình và đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về phòng cháy chữa cháy.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc