(VnMedia) - Góp ý cho dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (thành phố Đà Nẵng) đề nghị sớm nghiên cứu sửa đổi căn bản luật này theo hướng bỏ phương tiện quản lý vấn đề đi lại và cư trú của người dân bằng chế độ hộ khẩu…
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): Đề nghị sớm bỏ chế độ quản lý bằng hộ khẩu |
Sáng 8/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Nhiều đại biểu cho biết đồng tình với việc siết chặt các quy định nhập hộ khẩu ở các thành phố trực thuộc Trung ương trong hoàn cảnh hiện tại, bởi các cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng nhu cầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, trong điều kiện hiện nay cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thường trú ở các thành phố thuộc trung ương so với các địa phương khác.
Theo đại biểu Kim Thúy, những điều kiện về cơ sở hạ tầng, khả năng cung ứng của các thành phố trực thuộc trung ương như y tế, giáo dục, giao thông, điện nước, nhà ở, các dịch vụ công cộng v.v... không những không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm quyền lợi cho những người chuyển vào thành phố mà còn ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của những người đã có đăng ký thường trú tại thành phố đó.
“Mặt khác theo Hiến pháp công dân có quyền tự do đi lại và cư trú nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật. Điều đó nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân, vì nó đòi hỏi việc bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, phải gắn với các quyền khác nữa, như quyền học tập, quyền chăm sóc sức khỏe v.v... Đồng thời phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng dân cư với lợi ích của mỗi công dân. Như vậy, trong khi cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, cung ứng dịch vụ của các thành phố trực thuộc trung ương chưa thể đáp ứng đầy đủ cho lượng người quá lớn cư trú tại thành phố, việc đảm bảo quyền của người này cũng đồng thời là hạn chế quyền của người khác” - đại biểu thành phố Đà Nẵng phân tích.
Nhất trí cao với dự thảo là giao cho Hội đồng nhân dân thành phố quy định diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú và chỗ ở cho thuê, mượn, ở nhờ, đại biểu Kim Thúy đồng thời đề nghị bỏ xác nhận của Ủy ban nhân dân Phường về điều kiện diện tích bình quân chỗ ở nói trên. Theo đại biểu này, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nên để họ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này bằng cách quy định chế tài để rồi khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm cả hai bên, cả bên cho thuê mượn, ở nhờ và kể cả bên đi thuê, mượn, ở nhờ.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đề nghị sớm nghiên cứu sửa đổi căn bản luật theo hướng bỏ phương tiện quản lý vấn đề đi lại và cư trú của người dân bằng chế độ hộ khẩu hiện hành, thay vào đó là phương thức quản lý mới cùng với những giải pháp mạnh mẽ hơn để phù hợp với thực tế cuộc sống.
Đồng tình với đại biểu thành phố Đà Nẵng, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) cũng cho rằng, quy định việc xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở, cho thuê, cho mượn v.v còn chung chung, chưa thống nhất với Điều 19 của Luật Thủ đô và sẽ khó khả thi.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng cho rằng, giao cho chính quyền địa phương là rất khó khăn và có rất nhiều vấn đề phát sinh hệ lụy. Do vậy, đại biểu Xuyền đề nghị nên giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý về cư trú và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của người dân.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phân tích rằng, nếu quy định cấm cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi thì việc xác định hành vi trục lợi theo tôi không phải là dễ. Khi đã khó chứng minh thì cũng không xử lý được. Đại biểu tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị, cần quy định rõ thế nào là chỗ ở hợp pháp tại Điều 20. Đây là một quy định rất căn bản, nên không thể để hiểu thế nào cũng được.
Dẫn ra rất nhiều bất cập trong thực tế, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) ủng hộ việc đảm bảo quyền của công dân là được tự do cư trú, nhưng công dân phải có nghĩa vụ đối với nhà nước, đối với cơ quan quản lý bằng cách đi đâu, di chuyển như thế nào, đến đâu thì cũng phải đăng ký.
Bốn giải pháp quản lý nhân khẩu
Góp ý cho Dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề xuất 4 giải pháp để quản lý việc đi lại và cư trú của người dân.
Theo đó, giải pháp thứ nhất là xây dựng ban hành hai danh mục: Một danh mục nơi chốn, địa điểm cấm và hạn chế cư trú của người dân. Một danh mục đối tượng bị cấm và hạn chế đi khỏi nơi đang thường trú. Đồng thời đề nghị quy định rõ việc sửa đổi, bổ sung danh mục này phải tiến hành thêm một quy trình chặt chẽ và nghiêm ngặt.
Giải pháp thứ hai là tổ chức cho người dân đăng ký cư trú ở nơi mà thực tế họ đang thường trú nhưng phải tuân theo bốn nguyên tắc, đó là mọi người dân phải đăng ký cư trú ở một nơi đang thường trú; mỗi người không được đồng thời đăng ký cư trú ở hai địa chỉ trở lên; người có người nhà hoặc ở nhiều nơi phải đăng ký cư trú ở nơi thường trú nhiều nhất, đồng thời thông tin cho nơi quản lý cư trú về quy luật di chuyển, đi lại giữa những nhà hoặc những chỗ ở nói trên; khi thay đổi nơi cư trú phải có phiếu báo nơi cũ và đăng ký cư trú ở nơi thường trú mới.
Giải pháp thứ ba là vận động tổ chức các mô hình nhà ở xã hội cho những người vô gia cư, không có nơi nương tựa để quản lý họ và đồng thời cũng bảo đảm các quyền lợi hợp pháp khác của họ.
Giải pháp thứ tư mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuất là cần sớm hiện đại hóa công tác quản lý xuất nhập cảnh và đi lại, đổi mới phương pháp ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ trong quản lý cư trú, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia gia tăng khiến quy mô nhịp độ đi lại của người dân cùng với sự dịch chuyển lao động giữa các nước trong đó có nước ta ngày càng tăng cao thì không thể duy trì cách quản lý thủ công lạc hậu như hiện nay” – đại biểu thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc