(VnMedia) - Do quá trình thảo luận tại hội trường cũng như qua truyền hình trực tiếp đến nhân dân, vẫn còn nhiều ý kiến xác đáng cần được tiếp thu, xem xét kỹ nên Dự án Luật Đất đai sửa đổi đã không được thông qua trong kỳ họp này như dự định ban đầu.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc tại cuộc họp báo chiều 21/6 |
Chiều nay (21/6), Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra sau 27 ngày làm việc với 44 phiên họp toàn thể tại hội trường và 10 phiên họp tổ.
Tại buổi họp báo được tổ chức ngay sau phiên bế mạc, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trả lời các câu hỏi của phóng viên xung quanh kết quả kỳ họp.
- Thưa ông, tại kỳ họp lần này, lần đầu tiên Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Ông đánh giá như thế nào về kết quả phiếu tín nhiệm đối với các chức danh thuộc cơ quan lập pháp cao hơn phiếu tín nhiệm của các chức danh thuộc cơ quan hành pháp?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đương nhiên quá trình làm phải rút kinh nghiệm nhiều. Dù sao, đây cũng là bước đầu đánh giá đối với các chức danh, trong lĩnh vực của mình được giao thì hiệu quả đến đâu để các đại biểu Quốc hội và cũng chính là cử tri đánh giá. Việc đánh giá được thực hiện theo 3 mức. Theo tôi, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng thực trạng. Khối hành pháp nhận được số phiếu tín nhiệm cao hơn lập pháp vì ngoài việc phản ánh sự tín nhiệm ra thì kết quả cũng phản ánh tình hình của đất nước, có những mặt còn khó khăn cần phải tháo gỡ, như ngân hàng, y tế, giáo dục…
Bản thân tôi vừa là người cầm lá phiếu bỏ phiếu, đồng thời là đối tượng được các đại biểu đánh giá, tôi thấy mình còn nhiều hạn chế, cần rút kinh nghiệm. Bên cạnh những phiếu tín nhiệm cao và phiếu tín nhiệm thì cũng còn những phiếu tín nhiệm thấp, Tín nhiệm không phải để mình thỏa mãn mà từ kết quả này phải cố gắng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội tốt hơn nữa, để các đại biểu đánh giá cao hơn nữa. Tôi chưa thấy thỏa mãn với kết quả này.
- Thưa ông, một số đại biểu Quốc hội và ngay cả một số Bộ trưởng cho rằng, chỉ nên lấy phiếu các thành viên chính phủ và chỉ nên lấy phiếu bất tín nhiệm. Vậy sau khi thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lần này, Quốc hội có xem xét, sửa đổi lại Nghị quyết 35 hay không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên cần rút kinh nghiệm, còn sẽ lấy phiếu tín nhiệm 2 bước hay 3 bước thì phải chờ Thường Vụ Quốc hội quyết định sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội vì đây là Nghị quyết của Quốc hội.
- Nhiều ý kiến băn khoăn rằng, sau khi lấy phiếu tín nhiệm thì việc xử lý kết quả sẽ như thế nào hay chỉ là mỗi cá nhân tự ngồi chiêm nghiệm?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Kết quả đánh giá tín nhiệm đối với từng cá nhân, nhưng cũng chính là đánh giá đối với từng ngành. Vì vậy, những Tư lệnh ngành phải lãnh đạo ngành mình làm sao khắc phục tồn tại, vươn lên, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân. Ví dụ như các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, ngân hàng.... mà cử tri thấy còn hạn chế, nhắc nhở thì các trưởng ngành này phải cố gắng.
- Liên quan đến việc Quốc hội quyết định chưa thông qua Luật Đất đai lần này, ông có thể cho biết lý do?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Trước kỳ họp, đã có gần 6 triệu ý kiến của nhân dân góp ý cho Luật Đất đai. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại hội trường, có nhiều ý kiến, trong đó có những ý kiến xác đáng cần phải được xem xét, tiếp thu. Ngoài ra, quá trình thảo luận được truyền hình trực tiếp nên nhân dân cũng theo dõi và có ý kiến nên phải có thời gian xem xét thêm.
Hơn nữa, hiện nay nhiều văn bản, Nghị định hướng dẫn chưa đầy đủ nên cần có thời gian tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu để đến 1/7/2014, khi Luật có hiệu lực thì các văn bản hướng dẫn sẵn sàng, đồng bộ. Chính vì vậy, việc lùi thời gian thông qua Luật là để vừa lấy thêm ý kiến, vừa chuẩn bị văn bản đầy đủ hơn.
Với quá nửa số đại biểu đề nghị lùi thời diểm thông qua dự thảo luật Đất đai sửa đổi, Quốc hội đã thống nhất hoãn việc biểu quyết thông qua luật này tới kỳ họp cuối năm nay (tháng 10/2013). Việc quyết định thời gian thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp thứ 6 sẽ liên quan đến quy định trong Luật Đất đai hiện hành về thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối. Theo đó, phần lớn đất được giao đến ngày 15/10/2013 là hết hạn. Vì vậy, trên cơ sở tờ trình của Ủy ban thường vụ quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân. |
Ý kiến bạn đọc