Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:: “Quốc hội rất hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ”

17:44, 15/06/2013
|

(VnMedia) - Sau 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13, nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm chất vấn, nhiều thông tin cũng được các vị Bộ trưởng, trưởng ngành và Phó Thủ tướng giải trình, làm rõ.

 

Mặc dù trong chương trình chính thức chỉ có 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành và 1 vị Phó Thủ tướng tham gia trả lời chất vấn, tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động chất vấn, đã có tới 7 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành và hai Phó Thủ tướng cũng tham gia đăng đàn.

 

Nhận định về các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nói: “Nhìn chung, Quốc hội đánh giá cao và rất hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ, của các Bộ trưởng trong triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Các vị đã cùng với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và đồng bào cử tri trên cả nước phấn đấu nỗ lực vượt qua những khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực trong giai đoạn khó khăn chung. Đó là những kết quả đáng trân trọng. Đồng thời chúng ta cũng hoan nghênh và đánh giá cao từ báo cáo đến báo cáo bổ sung của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và báo cáo trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội”.

 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các kỳ họp trước và kỳ họp này đều nói lên một quyết tâm phấn đấu để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; phấn đấu để giải quyết được những tồn tại, khó khăn đang hiển hiện; thúc đẩy, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, tăng trưởng tốt hơn, bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đặt ra cho năm 2013.


 Ảnh minh họa

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

 

Nông nghiệp nông thôn: Cái lợi “lang thang” ở đâu?

 

Nhận xét về từng vấn đề trong các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nói: Trong lĩnh vực nông nghiệp, Quốc hội yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, các ngành, sau phiên chất vấn này tiến hành các giải pháp cần thiết để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết cả về lượng, cả về chất để đảm bảo cho ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.

 

Quốc hội yêu cầu Bộ Nông nghiệp chú ý vào công tác quy hoạch vùng, ngành và các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, rừng và các ngành liên quan; Tiến hành tái cơ cấu mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng những mô hình cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả; Thực hiện yêu cầu thúc đẩy công nghiệp hóa và đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng, tăng năng suất và có hiệu quả, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp.

 

Ngành Nông nghiệp cũng phải quản lý hệ thống doanh nghiệp cả trong khâu sản xuất, phân phối và lưu thông; quản lý chặt chẽ theo pháp luật để kiên quyết chống những hiện tượng tiêu cực, bất cập hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, trong lưu thông các sản phẩm đầu vào cũng như đầu ra; Giải quyết được quan hệ lợi ích giữa nhà sản xuất, người lưu thông và người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp.

 

“Ba quan hệ này, lợi ích chưa được hài hòa. Nhà sản xuất là người nông dân cũng thiệt, người tiêu dùng cũng thiệt mà không biết cái tiền đó, cái lợi đó nó lang thang ở trên đường và nó đến những đâu. Như vậy hiện tượng đó trong quản lý cần nghiêm hơn, chặt chẽ hơn, kể cả biện pháp hành chính và biện pháp pháp luật cần thiết khác” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

“Mục đích cuối cùng của chúng ta là xây dựng ngành nông nghiệp, thế mạnh của đất nước ta trong thời gian tới phát triển bền vững, có sức cạnh tranh và xuất khẩu được hàng hóa, cạnh tranh được trên thương trường khu vực, thế giới và quan trọng nhất là đem lại đời sống cho người nông dân tốt hơn, có lợi hơn cho người nông dân, nông dân làm ruộng, nông dân chăn nuôi, nông dân làm rừng, nông dân làm biển... đều phải có chính sách, biện pháp cần thiết” – Chủ tịch Quốc hội nói.

 

Về trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng mới rừng, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt quan tâm tới 5 triệu ha rừng phòng hộ, đi liền với nó là giải quyết vấn đề thủy điện.

 

“Rừng do làm thủy điện bị ngập, mất rừng, chưa trồng bù được thì phải có kế hoạch trồng bù. Ba Bộ trưởng đã cùng cam kết với Quốc hội sẽ có chương trình, kế hoạch để làm tốt việc này. Đi theo đó là giải quyết chính sách đặc thù cho người dân ở các vùng lòng hồ di dời” – Chủ tịch Quốc hội nhắc lại.

 

Về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phong trào xây dựng nông thôn mới cần phải được đẩy mạnh và rút kinh nghiệm tổng kết, sơ kết, để có chương trình, có điều chỉnh kế hoạch nhằm triển khai cho tập trung.


 Ảnh minh họa

Cuối kỳ họp này Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn

 

Văn hóa tư tưởng: Khắp nơi xuống cấp

 

Đối với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội yêu cầu và lưu ý các chiến lược, kế hoạch, dự án, chương trình để xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

“Bộ trưởng cần làm cho rõ để lần sau báo cáo với Quốc hội xem thực hiện đến mức nào. Nhưng đặc biệt lưu ý tại phiên chất vấn này, những tồn tại trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, thể thao mà Bộ trưởng có trách nhiệm là người đứng đầu ngành cần quan tâm để khắc phục cho được” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng, gắn liền với văn hoá là tư tưởng, biểu hiện về đạo đức.

 

“Tôi chưa khẳng định đến mức nào, nhưng rõ ràng chúng ta đều nhận xét, đều đặt câu hỏi và Bộ trưởng cũng khẳng định là có nhiều biểu hiện suy thoái. Trong gia đình, quan hệ bố mẹ, cha con, anh em ruột thịt cũng có vấn đề; trong trường học, quan hệ thầy trò, học sinh, bạn bè với nhau có vấn đề; trong xã hội có vấn đề; trong công chức, công sở có vấn đề tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu, trong văn hóa doanh nghiệp v.v... cũng có vấn đề. Tóm lại, từ trong nhà cho đến ngoài xã hội, ngoài đường đều có những biểu hiện tiêu cực xuống cấp.Ttrong sáng tác các sản phẩm văn học nghệ thuật cho tới biểu diễn các tác phẩm văn học nghệ thuật đều có vấn đề. Trong sản xuất ra sản phẩm, lưu hành sản phẩm và buôn gian bán lận sản phẩm, ăn cắp sản phẩm đều có vấn đề về văn hóa. Tất cả những biểu hiện tiêu cực này tác động vào đạo đức đời sống của xã hội” – Chủ tịch Quốc hội đau đáu liệt kê những “vấn đề” tồn tại của xã hội.

 

Nhắc lại câu rất cảm động của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rằng "chấm bài thi rất nhiều bài bị nhòe, các cháu viết, các cháu khóc. Các cô giáo thầy giáo chấm cũng khóc’, Chủ tịch Quốc hội nói: “Nếu chúng ta có những tác phẩm tốt, chúng ta có những biện pháp tốt, chúng ta có cách làm tốt thì văn hóa truyền thống dân tộc của chúng ta sẽ tốt. Đây chính là trách nhiệm của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch. phối hợp với các bộ ngành khác”.

 

Người đứng đầu Quốc hội cũng bày tỏ: “Quốc hội muốn Bộ trưởng khẳng định quyết tâm cao, tìm mọi biện pháp và phải ngăn chặn, đầy lùi tất cả những biểu hiện này”.
 

Giảm chênh lệch giàu nghèo, vững vàng trước mọi cám dỗ

 

Đối với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc hội đặt ra bốn vấn đề lớn, một là đào tạo nghề, hai là hợp tác để đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, ba là chính sách cho người có công và bốn là giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu, nghèo.

 

Đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Quốc hội đặt ra 2 yêu, đó là chức năng, nhiệm vụ, vai trò công tố và chức năng, nhiệm vụ, vai trò kiểm sát tư pháp của Viện; tăng cường kiểm sát tư pháp để đảm bảo hoạt động tư pháp thực sự tuân thủ pháp luật; xây dựng giám sát đội ngũ làm công tác tư pháp để đảm bảo lực lượng này có năng lực, được đào tạo, có phẩm chất vững vàng trước mọi cám dỗ.

 

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, đến kỳ họp sau, các Bộ trưởng, Trưởng ngành được Quốc hội chất vấn, đặt câu hỏi lần này sẽ tiếp tục có báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện.

 

“Cuối kỳ họp này Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn, chúng ta đã có 23 nghị quyết rồi, kỳ họp này chúng ta lại có nghị quyết, kỳ họp sau lại lên báo cáo việc thực hiện nghị quyết đối với Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc