(VnMedia) - Bão số 2 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm vì vân liên tục đổi hướng nên rất khó dự báo chính xác. Để đối phó với cơn bão, từ Trung ương đến các địa phương đều đang quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách.
Quyết liệt từ Trung ương
Ngày hôm qua (22/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo PCLBTW sáng ngày 22/6/2013, chỉ đạo việc ứng phó với cơn bão số 2.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo PCLBTW-Ủy ban quốc gia TKCN đã có Công điện khẩn số 11/CĐ-TWhồi 10 giờ 30 ngày 22/6/2013 (công điện số 3 về cơn bão số 2) chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 2 gửi Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; các tỉnh, thành phố vùng miền núi, trung du và đồng bằng và các Bộ Quốc phòng, Ngoại Giao, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thồng, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Giáo dục - Đào tạo, Y tế chỉ đạo công tác đối phó với bão;
Trong khi đó, Bộ Y Tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đã có các công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc việc chủ động triển khai công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2.
Bộ Tham mưu Bộ đội biên phòng đã tổ chức chỉ đạo kiểm đếm, nắm bắt tàu thuyền; thông báo, hướng dẫn các tàu trú, tránh bão, cung cấp kịp thời thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Trong lúc này, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình tàu thuyền; đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 11/CĐ-TW ngày 22/6/2013 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
gư dân xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đưa thuyền vào bờ tránh bão số 2 - ảnh: Tuổi Trẻ |
Cấp bách ở khắp các tỉnh, thành
Tại các địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và Đà Nẵng đã có các công điện chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 11/CĐ-TW của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống luạt bão Trung ương, hiện nay, các địa phương đã tổ chức trực ban, theo dõi sát diễn biến cơn bão; phối hợp chặt chẽ với biên phòng tuyến biển kiểm đếm nắm chắc số tàu thuyền; cung cấp thông tin và hướng dẫn, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển trú, tránh bão; rà soát, sẵn sàng các phương án bảo vệ các vị trí xung yếu, các công trình đang thi công.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h00 sáng nay (23/6), Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 19.998 phương tiện/71.587 lao động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão số 2 để chủ động phòng tránh.
Theo đó, ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa có 25 phương tiện/298 lao động đang hoạt động. Khu vực vịnh Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Quảng Trị) còn 19.973 phương tiện với 71.289 lao động, trong đó 392 tàu với 2.751 lao động đang hoạt động. Số còn lại đang neo đậu hoặc trên đường di chuyển vào bờ.
Hà Nội: 100% nhân viên thoát nước trực chống ngập
Trước diễn biến phức tạp của bão số 2 có thể gây mưa lớn cho các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đang khẩn trương tiến hành các biện pháp chồng ngập.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội Vũ Tiến Hùng, Ban chỉ huy đã yêu cầu các phòng, ban nghiệp vụ, các Xí nghiệp trực thuộc thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn tiến của cơn bão. Khi có mưa bão, yêu cầu các đơn vị bố trí 100% lực lượng công nhân thực hiện ứng trực tại các vị trí theo phương án thoát nước mùa mưa năm 2013 đã được duyệt. Các phòng nghiệp vụ giám sát việc tổ chức ứng trực của đơn vị báo cáo với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và bộ phận thông tin liên lạc của Công ty.
Xí nghiệp Cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở được giao nhiệm vụ chủ động hạ mực nước hồ điều hoà Yên Sở, hạ mực nước trên các kênh dẫn, kênh bao và các con sông đến mực nước quy định.
Trong khi đó, ông Hùng yêu cầu các xí nghiệp duy trì 1, 2, 3, 4, 5, 6 hạ mực nước tại các hồ điều hoà do đơn vị quản lý đến mức thấp nhất, rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy, bố trí đầy đủ lực lượng ứng trực có đầy đủ phương tiện, công cụ dụng cụ, thiết bị cơ giới để giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công. Kiểm tra và xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố đảm bảo khả năng thu nước. Chuẩn bị vật tư đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương.
Phó Tổng Giám đốc Vũ Tiến Hùng cũng yêu cầu xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp, xí nghiệp Dịch vụ phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện máy móc thiết bị trong tình trạng sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh khi có yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Công ty và các XN duy trì.
Hồ chưa, đê biển an toàn
Thống kê cho thấy, các hồ chứa ở khu vực từ Ninh Bình trở ra hiện tại vẫn hoạt động bình thường. Tính đến 16h chiều qua (22/6), do mới bắt đầu vào mùa mưa nên dung tích trữ của các hồ chứa vừa và lớn ở mức thấp, bình quân đạt 47% thiết kế; mực nước hiện tại dưới mực nước dâng bình thường từ 2-3m. Một số hồ chứa có mức nước cao là hồ Tà Keo (Lạng Sơn) 335,2/336,2m đạt (88%); hồ Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh) 75,0/76,5m đạt (73%); Đầm Hà Động (Quảng Ninh) 59,0/60,7m đạt (78%). Các hồ chứa nhỏ dung tích trữ ước đạt bình quân từ 20-40%, mực nước còn thấp hơn thiết kế.
Trước những cơn bão, đê biển luôn là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Hiện nay, những hạng mục đê biển triển khai thi công trong năm 2013 tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh cơ bản đã hoàn thành như mặt cắt thiết kế, đảm bảo yêu cầu phòng chống lụt bão. Riêng các tuyến đê tại Quảng Ninh đang thi công như đê Đồng Rui, Đông Nam (huyện Tiên Yên), đê Hải Xuân (thành phố Móng Cái); đê Vành Kiệu III (thành phố Uông Bí), các chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn khi có bão xảy ra.
Hồi 7 giờ sáng nay (23/6), vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ khoảng 130km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc sau đó có khả năng lệch dần về hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, cấp 12. Biển động mạnh
Vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. |
Ý kiến bạn đọc