Báo động học sinh tự tử liên tiếp vì...phạm luật giao thông !

13:38, 02/06/2013
|

Hơn một tháng qua, 3 thanh niên còn rất trẻ đã tự tử chỉ vì nỗi lo không có tiền nộp phạt khi bị tạm giữ xe máy do vi phạm luật giao thông. 2 trong số đó đã không qua khỏi.

Nam sinh uống thuốc sâu tự tử vì bị giữ xe hai lần liên tiếp

Cuối tháng 5/2013 vừa qua, sau hai lần liên tiếp bị CSGT lập biên bản tạm giữ xe vì lỗi vi phạm giao thông, do nhà nghèo không có tiền nộp phạt, trong phút thiếu suy nghĩ, một nam sinh lớp 12 ở Đồng Nai đã uống thuốc sâu tự tử.

Theo đó, ngày 29/4, Lê Hồng Tiến (sinh năm 1995, trú tại ấp 8, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, đang học lớp 12) mượn xe máy của gia đình để đi chơi với nhóm bạn. Đến 20h cùng ngày, người bạn học cùng trường của Tiến là Nguyễn Hữu Tính cầm lái chở Tiến về nhà thì bị công an phườngThanh Xuân (thị xã Long Khánh) bắt giữ, lập biên bản với lỗi không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe. Chiếc xe máy cũng bị công an tạm giữ.

Khi bị bắt xe, Tính nói sẽ là người đóng tiền phạt. Thế nhưng, thời hạn nộp phạt đã qua mấy ngày nhưng Tính vẫn không thực hiện lời hứa. Tiến qua nhà bạn hỏi chuyện thì người nhà Tính cho biết “nó đã bỏ nhà đi mấy ngày nay rồi". Sau đó, Tiến về nhà kể lại mọi chuyện cho ba, mẹ nghe rồi xin tiền đi đóng phạt để lấy xe máy. Biết nhà nghèo, nên khi bị mẹ mắng, Tiến không dám cãi nửa lời.

Ảnh minh họa

Sợ hãi vì hai lần liên tiếp bị giữ xe do vi phạm giao thông, Tiến đã có hành động bồng bột, tự tước đi mạng sống của mình, khiến người thân vô cùng đau xót.


Sáng ngày 22/5, bà Lợi (mẹ Tiến) đưa cho Tiến 1,6 triệu đồng để đóng tiền phạt và lấy xe về. Tiến sang nhà hàng xóm mượn chiếc xe Cup 50 để đi cho nhanh. Khi lái xe chưa ra khỏi khu vực xã Xuân Bắc thì bị CSGT huyện Xuân Lộc yêu cầu kiểm tra hành chính. Không xuất trình được giấy tờ, nam học sinh lại bị lập biên bản, tạm giữ phương tiện với lỗi không có giấy đăng ký lái xe, không có bảo hiểm xe máy.

Quá sợ hãi vì hai lần liên tiếp bị cảnh sát lập biên bản nhưng không có tiền đóng phạt, thêm việc nhớ lời người hàng xóm dặn “xe không có giấy tờ, đừng chạy đi xa công an bắt” khiến Tiến hoang mang. Không biết làm sao nên Tiến đi vào nhà bạn cùng lớp là Đỗ Thông Minh (ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) chơi.

Đang buồn nên Tiến rủ Minh mua rượu về uống nhưng người bạn này không đồng ý. Sau đó, cả hai mua một ít bánh trái và vào trong rẫy của nhà Minh ngồi chơi. Đến chiều cùng ngày, Tiến đưa Minh hai tờ biên bản vi phạm giao thông rồi nói với bạn: “Mày đem hai tờ giấy phạt cùng tiền này về cho cha mẹ tao giùm, tao chưa về nhà được đâu”. Cầm lấy tiền và biên bản vi phạm giao thông, Minh về nhà ăn cơm và để Tiến ở lại rẫy điều một mình.

Đến khoảng 19h cùng ngày, lúc Minh mang cơm ra rẫy cho bạn thì nghe mọi người trong ấp ồn ào chạy đi xem có người bất tỉnh gần đường ray xe lửa. Linh cảm có chuyện chẳng lành, Minh chạy ra thì hoảng hốt phát hiện bạn mình đang nằm bất động, miệng sùi bọt mép. Người dân vội báo công an địa phương, đồng thời đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do liều thuốc độc quá nặng nên nạn nhân Tiến đã tử vong sau hơn một ngày cấp cứu.

Hai nữ sinh quẫn trí tự tử vì bị phạt vi phạm giao thông

Cách sự việc nam sinh ở Đồng Nai tự tử vì không có tiền nộp phạt vi phạm giao thông chừng một tháng trước đó, tại xã An Phú (thành phố Pleiku, Gia Lai), hai thiếu nữ còn rất trẻ đã uống thuốc diệt cỏ tự tử, một người sau đó đã tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nạn nhân vi phạm giao thông, bị tạm giữ xe máy, sợ không có tiền nộp phạt nên đã quẫn trí quyên sinh. Hai nạn nhân là Nguyễn Như Phụng (sinh năm 1993) và Dương Thị Thủy (sinh năm 1998).

Theo đó, do cuộc sống gia đình khó khăn, sống bằng nghề làm rẫy thuê, nên Phụng đã phải nghỉ học từ năm lớp 6 để giúp cha mẹ lo việc gia đình và chăm em nhỏ.

Tháng 4/2013, Phụng ngỏ ý muốn đi kiếm việc làm thuê để đỡ đần cha mẹ. Phụng đã mượn xe máy của một người bà con, chở theo Thủy đến huyện Đức Cơ (Gia Lai) để xin việc. Do không đội mũ bảo hiểm nên Phụng bị công an xử phạt. Khi công an kiểm tra hành chính thì Phụng không có bằng lái, không đội mũ bảo hiểm… nên bị phạt 2,5 triệu đồng và bị giữ xe.

“Khi bị công an giữ xe, Phụng gọi điện về kể và nói hai đứa đã xin được việc làm phụ bưng bê cho một quán phở ở thị trấn Chư Ty. Con bé nói để nó làm hết tháng, lúc nào nhận lương thì sẽ chuộc xe về trả cho người thân”, ông Hai – bố Phụng - đau đớn kể lại.

Người cha tạm yên tâm khi con gái đã gọi điện báo tin và nêu phương án giải quyết hợp lý thì đột ngột đến ngày 21/4, trong lúc đang làm rẫy, ông Hai nhận được tin con gái mình và em Thủy đã uống thuốc cỏ tự tử tại khu vực nghĩa trang xã và được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu.


Ảnh minh họa

Cũng xuất phát từ việc bị giữ xe do vi phạm giao thông, nhưng lo không có tiền nộp phạt nên Phụng đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai xúc rửa dạ dày, gia đình Thủy và Phụng xin đưa hai em về nhà. Tuy nhiên, vài ngày sau, cả hai lại nhập viện với tình trạng nôn mửa, đau thượng vị, đau họng… dẫn đến suy gan, suy thận.

Do đây là loại thuốc diệt cỏ cực độc, chưa có thuốc chữa trị hiệu quả nên gia đình nạn nhân một lần nữa xin cho con mình xuất viện. Sau khi về nhà, gia đình hai nạn nhân liền đưa con sang Đăk Nông nhờ một thầy lang cứu chữa bằng thuốc nam. Sau khi khám bệnh, thầy lang chỉ nhận chữa cho Thủy và cho biết tình hình của Phụng đã vô phương cứu chữa, nên gia đình Phụng đã đưa em về. Đến đêm 29/4, Phụng đã tử vong.

Vì sao nhiều thanh niên tự tử chỉ vì vi phạm giao thông?

Hai vụ việc đau lòng trên xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn đã đặt ra câu hỏi vì sao có những thanh niên dễ dàng tự tước đi mạng sống của chính mình chỉ vì một lý do không quá nghiêm trọng là vi phạm giao thông.

Chúng tôi đã trao đổi với tiến sỹ (TS) Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) – để lý giải nguyên nhân của những sự việc trên.

Theo TS Trịnh Hòa Bình, sự việc ba thanh thiếu niên tự tử xuất phát từ lý do vi phạm giao thông đã nói ở trên, cùng với rất nhiều vụ người trẻ tuổi tự tử vì các lý do nhỏ như cãi nhau với người yêu, bị bố mẹ mắng… xảy ra trong thời gian qua, là một hiện tượng bất thường và đáng lưu tâm.

“Về bản chất, các trường hợp tự tử xảy ra từ trước đến nay thường có nguyên nhân là do sự bế tắc đến mức không chịu đựng được, không giải tỏa được, gần như không còn lối thoát khác của các nạn nhân. Tuy nhiên, các vụ việc người trẻ dễ dàng tìm đến cái chết chỉ vì những lý do rất nhỏ, không hề nghiêm trọng, hoàn toàn có thể giải quyết được, liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây là một hiện tượng không hề bình thường, đáng báo động. Cần có những nghiên cứu, phân tích để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này”, ông Bình nhận định.

Lý giải về các trường hợp cụ thể tự tử chỉ vì vi phạm giao thông, TS Bình cho rằng: “Tôi cho rằng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ của những thanh niên trên. Thứ nhất, đây có thể xem là một cách phản ứng của họ đối với xã hội. Tuổi đời còn trẻ, nhiều khi suy nghĩ còn chưa chín chắn nên người trẻ dễ có những phản ứng bất phục, không thừa nhận một số trật tự xã hội, nhất là khi những điều này có thể gây tâm trạng uất ức cho họ. Khi không làm gì được để thay đổi trật tự đó, một số người trẻ trong lúc thiếu suy nghĩ đã tìm đến cái chết như một cách phản kháng”.

“Nguyên nhân thứ hai khiến một số bạn trẻ có hành động dại dột như trên là do họ thiếu kỹ năng ứng xử trước các tình huống bế tắc, khó khăn trong cuộc sống. Do tuổi đời còn ít, chưa trải nghiệm, va chạm cuộc sống nhiều nên họ không có kinh nghiệm giải quyết những tình huống khó khăn hay vượt qua những thời điểm khủng hoảng trong cuộc sống, cụ thể ở đây là bị giữ xe nhưng sợ nhà nghèo không có tiền để nộp phạt. Vì không chịu được áp lực do những tình huống bế tắc gây ra nên một số bạn đã tìm đến cái chết như một cách tự giải thoát”, TS Bình phân tích.

Từ những vụ việc cụ thể như trên, TS Trịnh Hòa Bình còn cho rằng: “Đây là một trong những biểu hiện cho thấy một tâm trạng nặng nề đang lan rộng trong xã hội. Điều này khiến cho một số người bị mất phương hướng, dẫn tới bế tắc và không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của mình. Khi một người đang buồn chán lại bị rơi vào một đám đông cũng có tâm lý buồn chán như vậy sẽ có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc”.

Để khắc phục được tình trạng một số người trẻ dễ dàng tự tử vì những lý do nhỏ, TS Bình cho rằng, quan trọng nhất là “phải có sự chia sẻ kịp thời từ phía gia đình, bạn bè, người thân” để giúp những người trẻ đang có tâm trạng buồn chán, bế tắc “nhanh chóng lấy lại được sự vui vẻ, lạc quan và tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống”. Từ đó, họ mới không có những suy nghĩ và hành động thiếu suy nghĩ như tự tử.


trithuctre

Ý kiến bạn đọc