6 phương án xây cầu vượt Đàn Xã Tắc

07:24, 06/06/2013
|

(VnMedia) - Chiều 5/6, tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự án xây cầu vượt Đàn Xã Tắc, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra 6 phương án để các đại biểu nghiên cứu, bàn bạc và cho ý kiến.

 

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông Vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; các Hội, Viện kiến trúc, lịch sử, khoa học kỹ thuật, cầu đường...

 

Tại Hội nghị, 5 trong 6 phương án được đưa ra lấy ý kiến đều theo hướng Đông sang Tây, nghĩa là nằm trong đường vành đai 1. Các phương án này tính đền tương lai phát triển của Thành phố đến năm 2030.

 

Trong số 6 phương án nói trên, phương án 1 sẽ tách hai chiều đi và về theo hướng vành đai 1 (Kim Liên – Ô Chợ Dừa).

 

Phương án 2 thì cầu vượt hơi nghiêng về phía Bắc. Phương án này có nhược điểm là phần không gian nằm đè lên một phần di tích.

 Ảnh minh họa

 Phối cảnh phương án 2

 

Phương án 3 sẽ xây cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1 (đường Xã Đàn) khi đến Đàn Xã Tắc sẽ đi hình vòng cung lệch về phía Nam để tránh di tích. Như vậy, về tổ chức giao thông, phương án này không thuận lợi.


 Ảnh minh họa

 Sơ đồ phương án 3

 

Phương án thứ 4 là mở thêm một nhánh đi từ phố Khâm Thiên đi qua nút Ô Chợ Dừa rồi nhập vào cầu chính trên đường vành đai 1 theo hướng Khâm Thiên, sau đó cầu có hình dáng chữ Y, Ưu điểm của phương án này là không ảnh hưởng đến di tích, vẫn đáp ứng quy hoạch và giải quyết tốt về giao thông.

 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

 Phối cảnh và sơ đồ phương án 4 - phương án được cho là tối ưu nhất

 

Phương án 5 làm hầm ngầm, tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất chính là khu vực cần bảo tồn.


 Ảnh minh họa

 Sơ đồ phương án 5

 

Phương án 6, cầu chạy theo hướng Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng, tạo thành dòng xe gây sức ép hướng tâm. Đây được cho là phương án không tối ưu bởi không phù hợp với quy hoạch.

 

Trong 6 phương án trên, phương án thứ 4 được đánh giá là phù hợp với quy hoạch và chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt so với các phương án còn lại. Đây cũng là phương án ít ảnh hưởng tới dân cư, bảo tồn được di tích và đảm bảo được cảnh quan khu vực xung quanh. Đặc biệt, phương án này có thêm một đường nhánh để giải quyết xung đột về giao thông rất bức xúc bấy lâu, bởi sẽ giảm được lưu lượng xe từ phố Khâm Thiên đổ dồn vào đường Tôn Đức Thắng.

 

Tham gia góp ý, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; GS, TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; Giáo sư sử học Lê Văn Lan; Giáo sư Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội; Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội Bùi Danh Liên..., đánh giá phương án 3 và phương án 4, mỗi phương án có ưu khuyết điểm nên có thể kết hợp hai phương án này để chọn phương án tối ưu.


Phó Giáo sư Nguyễn Lân, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội đô thị Việt Nam đề nghị khi đã đạt thống nhất cao về phương án, cần tính toán kỹ chi tiết và sớm thi công để giải quyết bức xúc giao thông kéo dài và tránh tình trạng khi đã làm rồi còn có nhiều ý kiến trái ngược.

 

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Bích Liên đồng tình với phương án 4, tuy nhiên, bà lưu ý khi bảo tồn phải gắn với quy hoạch và điều kiện sống dân cư, cảnh quan đô thị.

 

Khẳng định sự cần thiết xây dựng cầu vượt để giải quyết vấn đề giao thông và cần phải làm ngay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng nêu rõ, đây là dự án trọng điểm từ nay đến năm 2015 đã được Hội đồng nhân dân Thành phố quyết nghị, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đàn Xã Tắc là di tích quốc gia, do đó Thành phố sẽ bảo tồn một cách tốt nhất và hợp lý trong thời điểm hiện nay.

Về quy mô, Chủ tịch Thành phố khẳng định dự án này không phải là cầu tạm mà đây là dự án quan trọng, theo quy hoạch là nút giao khác mức. Từ quan điểm này, Chủ tịch Thành phố nêu rõ Hà Nội sẽ chọn phương án vì lợi ích của số đông nên không thể tránh khỏi có thể ảnh hưởng đôi chút đến lợi ích của một số ít.

Đối với kiến trúc, quan điểm của Chủ tịch là phải làm cho cảnh quan của nút giao thông Ô Chợ Dừa đẹp thêm.

Về việc kết hợp giữa phương án 4 với phương án 3 cũng sẽ được xem xét cẩn trọng.

Chủ tịch Thành phố cũng cho biết sẽ tiếp tục tiếp nhận ý kiến và sẵn sàng giải trình khi các nhà khoa học, người dân đề nghị.


Mỹ Hạnh - (ảnh: Xuân Hưng)

Ý kiến bạn đọc