Thiếu các nguồn lực để thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công

16:20, 02/05/2013
|

Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công là bổn phận, trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, theo PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC NGƯỜI CÓ CÔNG, BỘ LĐ, TB VÀ XH NGUYỄN DUY KIÊN, để nâng cao đời sống cho người có công hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu các nguồn lực để thực hiện tốt chính sách này.

- Trong những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa đã được quan tâm và chú trọng. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, Đảng, Nhà nước và các bộ ngành đã và đang tích cực giúp người có công với cách mạng ổn định cuộc sống. Năm vừa qua việc triển khai công tác này đã đạt được kết quả như thế nào, thưa Phó cục trưởng?

PCT Nguyễn Duy Kiên: Chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống cho người có công là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng. Những chính sách cho người có công với cách mạng như chính sách bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, ưu đãi về kinh tế, trợ cấp… đã được ban hành và thực hiện. Hơn nữa, được sự chung tay góp sức của toàn cộng đồng, những chính sách này trong nhiều năm qua đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Năm 2012, 53/63 tỉnh, thành phố đã vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa được 376 tỷ đồng; 12.500 nhà tình nghĩa đã được xây mới, 10.000 nhà tình nghĩa đã được sửa chữa; trao tặng được gần 23.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa; 96,7% xã phường làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phụng dưỡng; 96,8% số hộ người có công có mức sống trên mức trung bình so với dân cư cùng địa bàn.

Đền ơn đáp nghĩa, ưu tiên đối với người có công là bổn phận, trách nhiệm của toàn xã hội. Mục đích nhằm bảo đảm cho người có công luôn có được cuộc sống yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần, tạo điều kiện cho người có công sử dụng được khả năng lao động của mình vào những hoạt động có ích cho xã hội, tiếp tục duy trì và phát huy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của mình phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

- Có ý kiến cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đối với người có công vẫn còn một số hạn chế như mức trợ cấp cho đối tượng là người có công trong nhiều trường hợp còn thấp so với thu nhập, chi tiêu bình quân chung của toàn xã hội. Xin Phó cục trưởng cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

PCT Nguyễn Duy Kiên: Mức chuẩn để tính trợ cấp ưu đãi đã được quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Thực tế, cải cách trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ năm 2008 đến 2012, qua 6 lần điều chỉnh đã được điều chỉnh từ 470.000 đồng/tháng lên 1.110.000 đồng/tháng. Mức này, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, phù hợp với mặt bằng chung của xã hội. Về mặt nguyên tắc, chế độ đối với người có công luôn được lấy trên mặt bằng cao hơn mặt bằng bình thường của tiền lương. Theo số liệu hiện nay, người có công có mức sống cao hơn mức sống trunh bình của người dân cùng nơi cư trú là lên tới gần 97%.

Mức trợ cấp ưu đãi người có công còn lệ thuộc nhiều vào tình hình phát triển kinh tế ở mỗi thời kỳ của đất nước. Vì vậy, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi thường đi theo sự điều chỉnh tiền lương, bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, một số trường hợp sẽ được hưởng mức trợ cấp khác nhau, như trợ cấp tiền “tuất từ trần” sẽ thấp hơn trợ cấp tiền “tuất liệt sỹ”, những đối tượng được hưởng trợ cấp một lần sẽ khác với đối tượng được trợ cấp hàng tháng, phụ thuộc vào công lao cống hiến của từng người. Không thể cào bằng mức hưởng của những người có công.

- Thực tế cho thấy, cuộc sống của những người có công đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề nhà ở. Phó cục trưởng có thể cho biết, những giải pháp cụ thể nào để tạo điều kiện giải quyết vấn đề nhà ở cho những người có công có hoàn cảnh khó khăn?

PCT Nguyễn Duy Kiên: Đứng ở góc độ quản lý chung thì vấn đề nhà ở cho người có công là vấn đề còn khó khăn và nan giải, chúng ta vẫn thiếu các nguồn lực để có thể thực hiện một cách tốt nhất công việc này. Vừa qua QH đi khảo sát, giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng cũng đã đề nghị có chương trình lấy ngân sách nhà nước để hỗ trợ. Sẽ không theo quy định chung trước đây là tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cá nhân, tùy theo khả năng địa phương để thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, những gia đình có công với cách mạng được ưu đãi giao nhà, giao đất số lượng còn khá ít. Hiện nay, chúng tôi đang trình Chính phủ xây dựng đề án xây dựng nhà ở cho người có công, là những gia đình liệt sỹ, cũng có thể là gia đình thương binh nặng. Thực tế cho thấy, số lượng nhà ở để đáp ứng cho người có công hiện nay còn khá nan giải, phức tạp, bởi hoàn cảnh đất nước cũng chưa phải là có đủ điều kiện. Theo số liệu 48/63 tỉnh, thành phố báo cáo, thì tổng số nhà cần xây mới khoảng 67.000 và số nhà cần sửa chữa khoảng 74.000. Trước đây, việc xây dựng nhà ở cho người có công là do ngân sách của địa phương và các chính sách bán nhà, giá đất của nhà nước; còn hiện nay, theo đề án của Bộ Xây dựng thực hiện thì có một phần ngân sách của nhà nước để hỗ trợ thêm.

- Nhân kỷ niệm 38 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2013). Cục Người có công và Bộ LĐ, TB và XH có những hoạt động thiết thực gì để chăm sóc người có công với cách mạng, thưa Phó cục trưởng?

PCT Nguyễn Duy Kiên: Quan tâm tới đời sống của người có công là trách nhiệm của toàn xã hội. Bộ LĐ, TB và XH cũng đã có những hoạt động thiết thực để góp phần thực hiện tốt hơn chính sách đối với người có công . Vừa qua, Bộ LĐ, TB và XH đã tiến hành việc tập huấn về công tác điều dưỡng và sắp tới từ giữa đến cuối tháng 6 sẽ tiến hành tập huấn về các thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công để phục vụ cho công tác tuyên truyền thực hiện chính sách. Hiện nay, cả nước đã có 39 trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh và người có công với một đội ngũ cán bộ chuyên môn có tay nghề cao đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng, phục hồi chăm sóc sức khỏe đối với thương, bệnh binh và người có công…

- Xin cám ơn Phó cục trưởng!


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc