(VnMedia) - “Khi tài xế vi phạm lỗi gì sẽ bị cộng các lỗi của công an phát hiện trên đường, cộng lỗi của thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, có thể cảnh cáo, bắt học lại lý thuyết, treo bằng một, hai tháng… hoặc có thể không cho điều khiển xe nữa”, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khương Kim Tạo trao đổi với VnMedia.
>>Rúng động những tai nạn chết hàng chục người
>>Tai nạn dồn dập: Có lỗi cảnh sát giao thông?
>>Tai nạn giao thông thảm khốc: Lỗi của ai?
>>Động trời lý do thật những tai nạn thảm khốc
- Thời gian qua trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến xe khách khiến hàng chục người chết thảm. Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định thế nào về nguyên nhân các vụ tai nạn này?
- Ông Khương Kim Tạo: Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua là do lái xe quá cẩu thả. Cẩu thả ở việc có thể sức khỏe không đủ điều kiện để cầm vô lăng: buồn ngủ hoặc mệt mỏi quá nhưng vẫn cố cầm vô lăng. Cẩu thả ngay cả với việc chạy trên cung đường không cho phép chạy với tốc độ đó.
Vừa qua chúng tôi có kiểm tra một số hộp đen của một số hãng xe khách, phát hiện có rất nhiều xe chạy quá tốc độ trên các tuyến đường tỉnh lộ, nhiều xe chạy vượt tốc độ lên đến 125km/h. Trong khi theo quy định, ở các đường tỉnh lộ, xe khách cỡ lớn trên 30 chỗ ngồi chỉ cho phép chạy với tốc độ không quá 70km/h. Với tốc độ cao như vậy, người lái không thể làm chủ tốc độ, không thể xử lý được tình huống xuất hiện đột ngột trên đường, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua.
Qua nghiên cứu của các nước trên thế giới, cứ tốc độ tăng lên 10km/h thì khả năng xảy ra tai nạn và mức độ xảy ra tai nạn tăng lên gấp 2 lần. Như vậy, nếu xe khách chạy với tốc độ 125km/h so với tốc độ cho phép là 70km/h thì mức độ tai nạn tăng lên gấp 32 lần. Rõ ràng, với những xe chạy vượt quá tốc độ như vậy, việc xảy ra tai nạn thảm khốc là tất yếu.
Theo tôi, trong thời gian tới, song song với giải pháp đồng bộ quản lý về đảm bảo chỉnh sửa hệ thống hạ tầng cho an toàn, cần tiếp tục siết chặt công tác kiểm định phương tiện cơ giới; giải quyết vấn đề giáo dục, nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện cơ giới, nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ lái xe; loại bỏ khỏi ngành những lái xe vi phạm quá nhiều lần… Với những người vi phạm mức độ nặng, chúng ta có thể không cho người đó làm nghề lái xe nữa. Vì lái xe khách mà cứ chạy tốc độ cao trên 100km/h thì rất nguy hiểm cho tính mạng của hành khách.
Ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc Gia. |
Để kìm chế tai nạn xe khách, một trong những biện pháp hữu hiệu là chúng ta phải dùng hệ thống camera quan sát và thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, để việc này thật sự hiệu quả, nhà nước phải đứng ra phải quản lý hệ thống camera và thiết bị giám sát chứ không phải đặt dưới sự quản lý của các doanh nghiệp như hiện nay. Việc quản lý của nhà nước với các hệ thống giám sát này sẽ giúp cho việc xử lý các vi phạm được một cách khách quan.
Hiện chúng ta có lực lượng cảnh sát bắn tốc độ kiểm tra trên đường nhưng lực lượng cảnh sát rất mỏng và không thể nào đứng 24/24h ở tất cả các vị trí trên các tuyến đường. Đây là vấn đề hết sức khó khăn và hiện nay lái xe rất biết cách lợi dụng những vị trí không có lực lượng kiểm soát để vi phạm; thậm chí nhiều lái xe còn tìm cách thông báo cho nhau vị trí của lực lượng kiểm soát để tránh bị xử phạt.
Tôi nghĩ rằng khi chúng ta có thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp cho người lái xe biết được luôn luôn có một "con mắt" dõi theo mình trong suốt hành trình, từ đó họ sẽ điều khiển lại hành vi của mình.
- Ông vừa cho rằng, việc lắp đặt camera và thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp kiềm chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, có một thực tế là, việc lắp thiết bị giám sát hành trình này đã được Bộ Giao thông áp dụng với xe khách, container… nhưng tại sao thời gian qua, tai nạn giao thông vẫn xảy ra liên tiếp?
Việc giám sát bằng camera đang được chúng ta triển khai thí điểm. Thông qua hệ thống giám sát bằng camera chúng ta có thể thấy được tốc độ của xe, các vấn đề không đúng làn đường của xe…
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống camera của chúng ta cũng không thể lắp được đầy đủ trên các tuyến đường mà mới được triển khai trên một số tuyến đường mẫu. Tuy vậy, nếu chúng ta triển khai thiết bị giám sát hành trình tốt thì người lái xe sẽ bị theo dõi 24/24, kiểm soát được toàn bộ tốc độ chạy xe, số lần dừng đỗ, số lần mở cửa, thời gian mở cửa… Như vậy, chúng ta có thể kiểm soát được điều kiện an toàn giao thông tốt hơn.
Vừa qua chúng ta chưa kiểm soát được là do việc đó đang được giao cho các doanh nghiệp tự quản lý và chúng ta chỉ trích xuất thông tin khi cơ quan nhà nước có yêu cầu để xử lý theo sự vụ. Thế nên trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị tất cả các xe khách, xe container lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ tiến tới quản lý nhà nước và phải có một bộ phận theo dõi tất cả các xe này.
Trong tương lai, chúng ta phải lắp thiết bị giám sát hành trình trên tất cả các ô tô của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng nếu tất cả các ô tô của Việt Nam đều lắp thiết bị giám sát hành trình và chúng ta quản lý được thì chắc chắc vấn đề tai nạn giao thông thảm khốc sẽ giảm đến mức tối thiểu.
Hiện trường vụ tai nạn giữa xe tải và xe khách làm 7 người chết ngày 11/5 vừa qua. |
- Mới đây, khi trao đổi với VnMedia về nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có cho rằng, hiện nay đội ngũ lái xe khách và container đang rất thiếu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vơ bèo vạt tép là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Tôi không cho rằng hiện nay chúng ta thiếu lái xe mà vấn đề bây giờ phải làm thế nào để có đội ngũ lái xe đảm bảo an toàn. Người lái xe có phẩm chất đạo đức, sức khỏe và kỹ thuật là cần thiết.
Chúng ta phải tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ của họ. Khi người ta tốt nghiệp các trường dạy lái xe thì về cơ bản năng lực điều khiển đáp ứng được yêu cầu công việc. Nếu người nào tay lái chưa được chuẩn mực lắm thì sẽ chạy cầm chừng hơn. Như vậy, vẫn đảm bảo an toàn.
Theo tôi trong các vụ tai nạn giao thông, ý thức của người lái xe là vấn đề mấu chốt. Ý thức của người lái xe có thể hình thành do nhiều nhân tố, có thể do sự ép buộc của doanh nghiệp. Ép người ta phải chạy nhanh, khoán cho người ta nhiều thì đương nhiên do sức ép, lái xe phải chạy cố. Cũng có thể do bản thân người lái đó cũng coi thường tính mạng của mình và tính mạng của người khác.
Những người có cá tính những vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta nên loại bỏ khỏi đội ngũ những người lái xe. Vì một người cầm vô lăng mà vô ý thức thì ngang với cầm một khẩu súng đi bắn người. Vì thế, đòi hỏi người cầm vô lăng phải có trách nhiệm như người cầm khẩu súng. Tôi nghĩ rằng, người lái xe biết làm chủ tốc độ, biết dừng đỗ khi sức khỏe không đảm bảo thì chắc chắn tai nạn giao thông sẽ không xảy ra.
Một trong những vấn đề mấu chốt để giảm tai nạn giao thông là thời gian tới chúng ta phải tạo dựng được đội ngũ lái xe có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe tốt. Còn chúng ta làm thế nào thì phải thông qua công tác giáo huấn và xử phạt. Một con người muốn tốt thì phải có giáo huấn và xử phạt. Tỷ lệ giáo huấn và xử phạt đến đâu nó tùy thuộc vào từng con người một.
Những người mà có hành vi cố tình vi phạm, có thái độ hung hăng thì dứt khoát phải loại ra khỏi ngành lái xe. Cúng ta không sợ thiếu đội ngũ lái xe. Vì hiện nay đội ngũ lái xe không hề thiếu vì nếu thiếu thì sẽ được đào tạo bổ sung ngay.
- Theo như quan điểm của ông để hạn chế tai nạn giao thông thì cần nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe. Vậy xin hỏi thời gian tới, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia có biện pháp gì để đẩy mạnh sự tiến bộ của đội ngũ này?
Chúng tôi sẽ có đề xuất để theo dõi và quản lý người lái sau khi nhận bằng. Những người lái này hiện tại là doanh nghiệp quản lý nhưng tới đây nhà nước phải quản lý. Nhà nước quản lý thông qua các lỗi vi phạm, qua quá trình lái xe.
Khi tài xế vi phạm lỗi gì sẽ bị cộng các lỗi của công an phát hiện trên đường, cộng lỗi của thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, có thể cảnh cáo, bắt học lại lý thuyết, treo bằng một, hai tháng… hoặc có thể không cho điều khiển xe nữa.
Hiện tất cả biện pháp đồng bộ chúng ta cần tập trung vào vấn đề con người. Vấn đề con người phải là hàng đầu, trong đó sức khỏe và ý thức là quan trọng nhất. Còn vấn đề kiểm soát và xử phạt chỉ là một trong những giải pháp để chúng ta nâng cao ý thức của người lái và loại bỏ những người có ý thức quá kém ra đội ngũ những người lái xe. Việc làm này cũng chính là chúng ta nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức của đội ngũ lái xe.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ý kiến bạn đọc